ClockChủ Nhật, 04/02/2024 06:54

Làm nông khép kín - bền & xanh

TTH - Khái niệm làm nông theo kiểu "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trong thời buổi hiện nay đã không còn phù hợp, thậm chí được xem là lạc hậu. Thay vào đó là làm nông "khép kín", ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng công nghệ cao.

Tổ phụ nữ liên kết trồng rau an toànCung ứng nguồn nhân lực cho nền nông nghiệp sạchĐam mê nông nghiệp sạch

Mô hình trồng dưa leo trong nhà màng. Ảnh: Hà Hậu 

Mướt mát đồng xanh

Xã Phong Hiền của huyện Phong Điền trong mấy năm qua luôn là một trong số địa phương đi đầu trong cải cách, đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp và cho tăng trưởng cao nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Ngoài vựa lúa hữu cơ của tỉnh, người dân còn biến những bãi đất cát pha thành những vùng trồng ném, kiệu, đậu lạc, ngô, mía đường... xanh mướt và nhiều ao trồng sen xen cá, xen lúa từ nguồn nước trằm tự nhiên.

Gắn bó với nghề nông từ lúc cha sinh mẹ đẻ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thẻo, ở thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền (Phong Điền) dù đã gần tuổi 70 vẫn làm ra hơn 150 triệu đồng/năm từ trồng hoa màu, cây trái. Làm nông "đa hệ" nên ông Thẻo sắm đủ máy móc cơ giới hóa để phục vụ đa năng các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, gồm máy kéo, máy gặt, máy tuốt lúa, tuốt bắp, máy xay bột... mà không phải thuê mướn, phụ thuộc mỗi khi đến mùa vụ thu hoạch. Trồng hơn 14 sào lúa (7.000m2), nhưng nguồn thu chủ lực của gia đình là từ gần 1 mẫu (5.000m2) trồng ném, kiệu và xen canh đổi vụ trồng đậu lạc, ngô.

 Làm nông có sự can thiệp của khoa học công nghệ giúp ông Nguyễn Văn Thẻo nhàn hơn và thu lợi nhiều hơn

Qua mấy năm làm nông có sự can thiệp của khoa học công nghệ, ông Thẻo đúc rút: "Làm nông bây chừ nếu thuận theo tự nhiên và kinh nghiệm "đời xưa" thì rất khó "ăn", kiếm được chả mấy đồng. Giờ phải chịu khó học theo, làm theo các bài hướng dẫn của nhà khoa học, phải áp dụng công nghệ mới, tiến bộ... vào sản xuất thì mới có năng suất, chất lượng nông sản cao hơn và ít bị lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu".

Trong triển khai chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Phú Lộc có lẽ là địa phương "đầu tàu" với nhiều dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó phải kể đến các dự án tạo "dấu ấn" như: rau hữu cơ Vinh Mỹ; trồng lúa hữu cơ chất lượng cao với việc liên kết sản xuất trên giống lúa DT100, HG12 với diện tích 300ha ở 6 HTX; cải tạo, nhân rộng cây dâu Truồi, bưởi da xanh với hơn 27ha ở Lộc Bổn, Lộc Hòa; phát triển mô hình sản xuất lạc hữu cơ và xen canh dưa hữu cơ; chăn nuôi lợn an toàn sinh học... Những diện tích cánh đồng mẫu cho năng suất bình quân đạt 65-70 tạ/ha, cao hơn so với diện tích lúa sản xuất đại trà trên 5 tạ/ha. Việc sản xuất cánh đồng mẫu thực hiện cùng một thời vụ, cùng giống, cùng một quy trình chăm sóc, tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất công nghệ cao đối với mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng ở Vinh Hưng và Lộc An theo tiêu chuẩn VietGAP cũng cho sản lượng ổn định ước đạt 160 tấn/năm.

Thực hiện Chương trình 165 về việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, Sở KH&CN bước đầu định hình các vùng ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp công nghệ cao, như: vùng sản xuất lúa và giống lúa chất lượng cao ở TX. Hương Trà; vùng sản xuất dược liệu ở huyện A Lưới, huyện Phong Điền; vùng sản xuất rau an toàn ở huyện Phú Lộc, huyện Quảng Điền và ở vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền...

Liên kết để tiến xa hơn

Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 68.000ha, chiếm 13,81% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, biến động đất đai của tỉnh theo hướng tích cực, diện tích đất chưa sử dụng tiếp tục được khai thác, cải tạo đưa vào sản xuất nông nghiệp ở những vùng có điều kiện thuận lợi.

"Thiên thời, địa lợi" đã có, nhưng để nông nghiệp công nghệ cao thành công và đi xa không thể thiếu vắng mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp - nhà nông, tạo nên chuỗi giá trị phát triển bền vững. Song phải thừa nhận một thực tế là sản xuất nông nghiệp thường có độ rủi ro cao về thời tiết, về thị trường và giá cả nên một số nơi người nông dân vẫn còn tự chủ "độc canh" mà chưa thu hút được doanh nghiệp về đầu tư.

Với vùng khó A Lưới, sự có mặt của doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao là một may mắn không chỉ cho người nông dân mà còn cả doanh nghiệp. Vì nguyên tắc của thương nhân là phải thấy được tiềm năng và thu được lợi nhuận mới bỏ vốn đầu tư. Anh Nguyễn Hải Teo, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới là một trong số những nhà nông may mắn khi được Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm tin tưởng hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật để lập "gia trại chăn nuôi lợn hữu cơ" với mỗi lứa nuôi trên 100 con lợn thịt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Quay trở lại, Quế Lâm được hưởng lợi về nguồn cung ổn định, đảm bảo chất lượng cho thị trường, giữ vững cho danh tiếng "organic" của mình.

Trong chuỗi liên kết các nhà, nhà khoa học và doanh nghiệp là mắt xích không thể thiếu để cùng nhà nông vạch ra những kế hoạch, mô hình dự án ứng dụng KH&CN vào nông nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn trong trồng trọt ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ thủy canh... vào trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến một số cây: dưa lưới, thanh trà, bưởi, cam, chuối, quýt Hương Cần, các loại hoa, các loại cây có củ, cây rau màu, cây lương thực... Trong chăn nuôi cần đầu tư sản xuất con giống, chăn nuôi quy mô công nghiệp; công nghệ chuồng khép kín với hệ thống làm mát; công nghệ xử lý chất thải, chế phẩm sinh học... Thủy sản cần áp dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh, tự động hóa, kiểm soát môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Có như vậy nông sản, thủy, hải sản mới thực sự trở thành hàng hóa, người làm nông mới có cơ hội được nhàn nhã mà thu lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Lê Đình Hoài Vũ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh, chính những ưu việt từ ứng dụng công nghệ sinh học, nhà kính, tự động hóa… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Nhờ những hỗ trợ đắc lực này, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh được hình thành. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu và từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường, tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp, nông thôn Thừa Thiên Huế phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đam mê nông nghiệp sạch

Với niềm đam mê không ngừng nghỉ, Trần Đỗ Nguyên, chàng trai phường Phường Đúc (TP. Huế) đã tận dụng lợi thế đất vườn để gây dựng mô hình trồng cây và nuôi cá theo hướng nông nghiệp sạch.

Đam mê nông nghiệp sạch
Bước tiến mới trong nông nghiệp

Sau những năm tháng thăng trầm của chiến tranh, biến cố thiên tai, dịch họa, sản xuất nông nghiệp Thừa Thiên Huế đang có những bước phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3%/năm.

Bước tiến mới trong nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp sạch từ phân hữu cơ

Sau một năm triển khai, mô hình “Phân loại và xử lý rác bằng phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa (viết tắt là IMO)” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà đã thực sự mang lại hiểu quả, góp phần nhân rộng quy trình làm nông nghiệp sạch ở địa phương.

Sản xuất nông nghiệp sạch từ phân hữu cơ
Sạch và chất lượng cao

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao đang là mục tiêu mà thị xã Hương Trà hướng đến.

Sạch và chất lượng cao
Return to top