ClockThứ Sáu, 05/06/2015 05:32

Lo nước tưới cho vụ hè thu

TTH - Nếu nắng hạn gay gắt và kéo dài, trên địa bàn tỉnh có khả năng thiếu nước sản xuất vụ lúa hè thu. Phương án tối ưu nhất là nạo vét ao hồ, kênh mương thủy lợi, sử dụng tiết kiệm nước để chống hạn.

Đưa nước vào ruộng để gieo cấy

Đưa nước vào ruộng để gieo cấy

Thời điểm này, nông dân toàn tỉnh đang tất bật gieo cấy lúa hè thu. Nhiều nơi, nông dân còn tranh thủ chiết má giống đến 9-10 giờ đêm để kịp thời gieo cấy, đảm bảo khung lịch thời vụ. Một số vùng thấp trũng rút kinh nghiệm nhiều năm trước đã gieo cấy sớm hơn nhằm thu hoạch tránh lũ. Nắng hạn kéo dài trong thời gian qua nên sau khi thu hoạch đông xuân, phần lớn các đồng ruộng đều khô nước. Người dân phải sử dụng máy bơm dầu, có nơi vận hành trạm bơm điện đưa nước vào đồng ruộng để gieo cấy lúa.

Cùng với gieo cấy lúa, các địa phương vùng ven phá, vùng cát, gò đồi đã huy động các lực lượng tích cực ra quân triển khai nạo vét ao hồ, kênh mương thủy lợi nhằm tạo nguồn nước tại chỗ phục vụ chống hạn. Nhiều địa phương còn thuê thêm máy đào để nạo vét ao hồ, đắp đê chống hạn. Tại xã Hương Phong (TX Hương Trà), ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã cho biết, trước mắt phải trích ngân sách địa phương để thuê máy nạo vét ao hồ, đắp đập. Mấy ngày này, thiết bị máy đào hoạt động 24/24 giờ nhằm đảm bảo phục vụ chống hạn, trước mắt là đưa nước vào ruộng để gieo cấy kịp thời vụ hè thu.

Bèo gây cản trở dòng chảy
 
Vấn đề nan giải hiện nay trong công tác chống hạn cho lúa hè thu, là còn lượng bèo rất lớn trên các sông gây cản trở dòng chảy. Trên sông Lợi Nông, sông Như Ý... hiện đang tồn đọng một lượng bèo dày đặc, nối dài hơn cả cây số. Mấy năm trước, đến thời điểm này, tỉnh đã hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng để phục vụ công tác trục vớt bèo. Riêng năm nay, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ vớt bèo trên các sông. Công ty thủy nông và các địa phương đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để vớt bèo, khơi thông dòng chảy trên các sông nhằm thuận lợi chống hạn cho lúa hè thu. Công tác vớt bèo cũng cần khẩn trương triển khai ngay từ đầu vụ, không chỉ phục vụ chống hạn mà còn xử lý nguy cơ ô nhiễm môi trường các dòng sông.

Ông Đỗ Văn Đính, Giám đốc Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, dự báo vụ hè thu năm nay, nắng hạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Mới chỉ bắt đầu mùa vụ mà mực nước tại các hồ chứa lớn nhỏ chỉ còn khoảng 65%-70%. Bình quân mực nước tại các hồ chứa lớn đều giảm trên dưới 1m. Trước mắt, với mực nước dự trữ tại các hồ chứa lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất cho vụ hè thu. Tuy nhiên theo ông Đính, nếu nắng hạn gay gắt, kéo dài thì nguy cơ thiếu nước vẫn rất cao. Các xã vùng giữa của huyện A Lưới, Nam Đông, vùng cát, ven phá Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, vùng gò đồi chắc chắn sẽ thiếu nước nếu trong quá trình sản xuất không có mưa lớn.

Sử dụng tiết kiệm nguồn nước

Ông Đỗ Văn Đính thông tin, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động các phương án chống hạn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã làm việc với các chủ nhà máy thủy điện, hồ Tả Trạch có biện pháp điều tiết xả nước theo hướng phân bổ đồng đều, hợp lý. Ngay từ khi xảy ra nắng hạn, Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã đóng tất cả các cửa van trên đập Thảo Long, các cống ven phá nhằm ngăn chặn xâm nhập mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt trên các sông. Hồ Truồi cũng đã xả 6 triệu mét khối nước về sông Đại Giang để phục vụ gieo cấy cho các huyện Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Thủy.

Các hồ chứa lớn đang điều tiết xả nước về các sông để người dân bón thúc phân đợt 1 cho lúa hè thu. Quá trình sản xuất, nếu nắng hạn kéo dài, gay gắt thì công ty thủy nông và các địa phương đấu nối đường ống, bơm chuyền nước từ các sông vào hói nội đồng phục vụ tưới lúa. Công ty yêu cầu các địa phương, nhất là vùng gò đồi, vùng cát, ven phá, vùng cao A Lưới, Nam Đông phải chuẩn bị đầy đủ các thiết bị máy móc, máy bơm dầu, sửa chữa trạm bơm, sẵn sàng vận hành khi cần thiết... Tuy nhiên theo ông Đỗ Văn Đính, phương án tối ưu nhất hiện nay là nạo vét ao hồ, kênh mương và sử dụng tiết kiệm nguồn nước để chống hạn. Các huyện, thị xã chỉ đạo các địa phương huy động Nhân dân ra quân nạo vét ao hồ, kênh mương thủy lợi, đồng thời tuyên truyền vận động bà con sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm, hợp lý.

Bài, ảnh: Hoàng Triều
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hàng phục” hạn, mặn

Đập ngăn mặn, giữ ngọt (NMGN) Thảo Long, đập Cửa Lác và các hồ chứa lớn ra đời được ví như một kỳ tích đối với người dân toàn tỉnh khi giải quyết triệt để tình trạng xâm nhập mặn, hạn trên các dòng sông.

“Hàng phục” hạn, mặn
Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

TIN MỚI

Return to top