Kiểm tra bể xử lý nước thải tại dự án đầu tư mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Ảnh V.D
Đã dừng thi công 10 ngày
Liên quan đến cá lồng nuôi ở khu vực đầm Lập An (không phải đầm Lăng Cô như cách viết trước đây) bị chết hàng loạt, Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với Ban quản lý (BQL) khu kinh tế công nghiệp tỉnh và UBND thị trấn Lăng Cô tiến hành làm việc với BQL dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (do Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư), về công tác bảo vệ môi trường và chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo đó, ngày 16/11 (tại thời điểm này công trình đã dừng thi công 10 ngày), đoàn đã tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu, đo đạc mẫu nước thải phát sinh khi thi công dự án và các mẫu nước trong đầm Lập An. Cụ thể, đối với mẫu nước đầm Lập An, đoàn công tác đã lấy mẫu ở các vị trí như khu vực cầu tạm số 2 và hố móng trụ P13 của công trường; đầm Lập An về phía Tây, khu vực gần lồng nuôi cá các hộ dân…
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (CCBVMT) tỉnh cho biết, do hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước đầm phá, Sở TN&MT tạm thời so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Kết quả đo đạc và phân tích cho thấy, tất cả các mẫu nước có các thông số đo đạc đều nằm trong giới hạn bình thường của thông số chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển.
Lấy mẫu nước quan trắc tìm nguyên nhân cá chết. Ảnh V.D
Đối với mẫu nước thải tại khu vực thi công ngầm và khu vực trộn bê tông được lấy tại bể thu gom trước khi xử lý và điểm thải ra môi trường của hệ thống xử lý nước thải khoan ngầm, kết quả đo đạc và phân tích cho thấy, các thông số được đo đạc mẫu nước thải đầu ra đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp. Tuy nhiên, riêng thông số pH được đo đạc tại bể lọc xơ dừa và bể tuần hoàn cuối cùng của trạm trộn bê tông, có kết quả đo đạc lần lượt là 11,4 và 4,9 nằm ngoài giới hạn cho phép của Quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp.
Theo báo cáo của đơn vị vận hành là Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân, thời điểm kiểm tra, trạm trộn bê tông chỉ vận hành thử nghiệm để kiểm tra mẫu bê tông, chưa chính thức vận hành khai thác nên nước thải tại nơi này không thải ra môi trường.
Về công tác quản lý chất thải rắn, trong đó có chất thải nguy hại, kết quả đoàn kiểm tra cho thấy, Công ty CP Quản lý và Khai thác hầm đường bộ Hải Vân có bố trí kho chứa chất thải nguy hại tại công trường phía Bắc nhưng chưa đảm bảo đầy đủ theo quy định.
Sẽ đánh giá toàn diện
Ông Lê Bá Phúc- Phó Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, đây chỉ là kết quả đo đạc, quan trắc vào thời điểm ngày 16/11 và công trình đã dừng thi công 10 ngày. “Để có sự đánh giá toàn diện, tìm nguyên nhân cá chết trên đầm Lập An cũng như có các giải pháp phòng ngừa về sau, sắp đến đơn vị sẽ tiếp tục chủ trì phối hợp với BQL khu kinh tế công nghiệp tỉnh và UBND huyện Phú Lộc quan trắc, rà soát, kiểm tra hết các nguồn thải trong khu vực, đánh giá chất lượng các nguồn xả thải và có báo cáo UBND tỉnh kết quả tiếp theo”, ông Phúc khẳng định.
Trước đó, các báo cáo của Sở TN&MT về quan trắc chất lượng nước tại khu vực đầm Lập An cho thấy, hai chỉ số pH và tổng chất rắn lơ lửng đều vượt quá giới hạn cho phép. Đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến cá lồng nuôi trên đầm Lập An. Trong đó, các mẫu nước lấy ở khu vực khác nhau cho thấy, thông số tổng chất rắn lơ lửng vượt so với quy chuẩn từ 1,175- 1,265 lần. Giải thích về vấn đề này, ông Lê Bá Phúc cho rằng, kết quả tại mỗi thời điểm kiểm tra mẫu nước khác nhau là do sự thay đổi, tác động, lắng lọc của nước và môi trường bên ngoài. Qua nhiều lần kiểm tra, quan trắc mới có cơ sở đưa ra được kết quả toàn diện và đánh giá nguyên nhân vụ việc.
Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan, kiểm tra mẫu nước thải thi công hầm. Ảnh V.D
Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng tại đầm Lập An, hướng dẫn kỹ thuật và thời vụ nuôi đến các hộ dân, phối hợp với UBND huyện Phú Lộc xây dựng phương án di dời các lồng nuôi trong khu vực thi công cầu Hải Vân 2 (thuộc Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân) đảm bảo khoảng cách an toàn, đến thời điểm dự án thi công hoàn thành. Trong quá trình thực hiện, địa phương phối hợp với chủ đầu tư để hỗ trợ các hộ dân di chuyển lồng nuôi, đảm bảo tiến độ của công trình.
Ngày 1/12, UBND tỉnh cũng đã có văn bản số 8853 về việc phối hợp hỗ trợ, thực hiện công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong khu vực và hiện trường thi công Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp UBND huyện Phú Lộc làm việc BQL dự án đề xuất phương án, hỗ trợ kinh phí giúp các hộ dân di chuyển lồng nuôi trồng thủy sản ở các khu vực bị ảnh hưởng, khó đảm bảo điều kiện nuôi trồng tại khu vực đầm Lập An.
Trước đó, Báo Thừa Thiên Huế đã nhiều lần phản ánh về tình trạng cá lồng nuôi ở đầm Lập An (chủ yếu là cá vẩu) bị chết hàng loạt. Đến nay nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Hàng nghìn lít hóa chất phục vụ thi công
Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân hiện đang triển khai 2 gói thầu ở phía Bắc thuộc thị trấn Lăng Cô. Theo báo cáo của Sở TN&MT, lượng hóa chất từ khi bắt đầu thi công của 2 gói thầu này đến nay bao gồm 80 nghìn lít phụ gia đông cứng và 23 nghìn lít phụ gia siêu dẻo sử dụng khi trộn bê tông và 150 tấn bentonite (một loại khoáng sét có tính hóa keo cao).
|
Hà Nguyên