Người dân ra quân trồng cây xanh hai bên đường
Gắn bó với vùng ven biển, đầm phá từ nhỏ, chưa bao giờ ông Trần Hiệu ở xã Quảng Ngạn thấy rõ sự thay đổi về môi trường tại địa phương như hôm nay. Một thời ông Hiệu cũng như bà con địa phương chứng kiến rác sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp thải khắp nơi trong khu dân cư, đường sá, trên bờ đê đồng ruộng. Giờ đây, những tuyến vắng dần rác thải, cây xanh mọc hai bên đường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, ông Phan Văn Trí khẳng định, VSMT tại địa phương bắt đầu cải thiện kể từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới và mới đây thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Quảng Ngạn còn thành lập mô hình “biến rác thành tiền” bằng cách thu gom, phân loại rác và bán lấy tiền, mỗi năm thu khoảng 10-15 triệu đồng. Số tiền này được cho các hộ nghèo mượn, quay vòng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế.
Điều đáng ghi nhận không chỉ việc thu gom rác, VSMT mà ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi đối với người dân ngày càng cao. Chừng một năm trở lại đây, các hộ dân hạn chế xả rác ra đường, khu dân cư mà thay vào đó là bỏ vào sọt, thùng, sau đó phân loại rác trước khi đưa đến nơi xử lý đúng quy định.
Chủ tịch UBND xã Quảng Công, ông Nguyễn Hữu Truyền thông tin, không chỉ thu gom, xử lý rác thải trong khu dân cư, đường sá, địa phương còn thường xuyên tổ chức thu gom rác thải trên vùng đầm phá, bãi biển phục vụ tốt hoạt động du lịch, vui chơi giải trí cho du khách.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo đánh giá cao những thành quả trong bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương. Việc xây dựng cảnh quan, VSMT luôn được các cấp, ngành quan tâm, tích cực triển khai một cách hiệu quả, thiết thực. Đường làng, ngõ xóm, khu dân cư trên địa bàn huyện được chỉnh trang, đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp.
Trung tâm Y tế huyện hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế mỗi năm trên 2 tấn. Các loại chất thải này đều được các cơ sở hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý đúng quy định. Nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình được xử lý bằng bể tự hoại trước khi thải ra môi trường, theo các kênh mương thải ra ngoài, không có hiện tượng tù đọng nước thải.
Ông Bảo cho rằng, VSMT trên địa bàn huyện cải thiện rõ rệt có sự đóng góp quan trọng của phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Định kỳ hằng tháng, hằng tuần, có khi mỗi tuần vài lần, các địa phương huy động cán bộ, Nhân dân ra quân tổng VSMT khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, trên bãi biển và vùng đầm phá. Trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều tuyến đường hoa, vườn hoa xanh - sạch - đẹp. Riêng các trận bão lũ cuối năm 2020 làm hư hỏng, đổ ngã cây cối, cán bộ và Nhân dân ra quân khôi phục, trồng mới; tính đến tháng 4/2021 đã trồng lại cây xanh tại 26 tuyến đường và 6,1km đường hoa các loại.
Các xã, thị trấn đầu tư 692 thùng composite, 42 bể bê tông cốt thép có nắp và 147 bể bê tông cốt thép không nắp phục vụ thu gom, xử lý bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Khối lượng chất thải nông nghiệp nguy hại ước tính trên 11 tấn/năm được các ban, ngành hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tổ chức thu gom, xử lý. Chất thải y tế nguy hại cũng được các trạm, cơ sở y tế trên địa bàn huyện tổ chức thu gom, xử lý đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Toàn huyện có 734 cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ đều đạt các yêu cầu về bảo vệ môi trường; 1.000 cơ sở sản xuất có các công trình, biện pháp xử lý chất thải đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường. Trên địa bàn huyện không có cơ sở nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, có 995 hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ lẻ không thuộc đối tượng phải lập thủ tục về môi trường, các hộ này đều thực hiện cam kết bảo vệ môi trường với UBND xã. Huyện có 4 làng nghề được tỉnh công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống có quy mô nhỏ đã ký cam kết bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Hoàng Lân