ClockThứ Sáu, 25/06/2021 10:16

Một nền nông nghiệp “mù mờ”

TTH.VN - Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã dùng từ “mù mờ” để nói về ngành nông nghiệp Việt Nam.

“Dẫn đường” cho nông dânĐo lường rủi ro cho nông nghiệpMở rộng các kênh phân phối, giải cứu nông sảnThà ít mà chất lượngDù khó khăn, nông nghiệp vẫn gánh vác trách nhiệm lớn laoNông nghiệp sẽ là “cứu cánh” trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19Nắm tay nhau qua chặng đường khóSan sẻ và tiếp sứcChung tay “giải cứu” nông sản và liên kết tiêu thụ sản phẩm

Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là bài toán chưa có hồi kết. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thăm cơ sở sản xuất dầu lạc ở huyện Quảng Điền. Ảnh: Thái Sơn

Đã là bộ trưởng chuyên ngành thì những nhận định như vậy chúng ta có thể tin cậy. Nhìn vào thực tế của ngành nông nghiệp lại càng “cấm cãi”. Nhưng mù mờ về cái gì? “Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung cầu bị ngắt quãng” – ông nói.

Để giải quyết cho được sự mù mờ trong ngày một ngày hai là rất khó. Nhưng nếu không có quyết tâm thay đổi thì sự mù mờ này sẽ vẫn tồn tại mãi mãi.

Nhìn một cách chung nhất, Việt Nam có hai dạng sản xuất nông nghiệp, đó là tập thể và cá nhân. Tập thể thì có nhiều dạng – công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác… nói chung là từ hai thành viên trở lên cùng góp vốn đầu tư làm ăn. Dạng thứ hai là hộ sản xuất cá thể. Trong hai dạng trên thì hộ sản xuất cá thể là nhiều nhất, cả hàng triệu hộ.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khó có thể mù mờ về thông tin, đặc biệt là những công ty có qui mô lớn. Ví dụ như TH milk trong chăn nuôi bò sữa, Dalat farm trong lĩnh vực sản xuất hoa…

Ở Thừa Thiên Huế, cũng có nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp “đình đám”, ví dụ như Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp; CP, Quế Lâm. Ngay như Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế vừa tham gia sản xuất rau sạch, dưa lưới… họ sản xuất cái gì, quy mô thế nào, tiêu thụ ở đâu, phương thức tiêu thụ thế nào… được nghiên cứu rất kỹ. Sản phẩm họ làm ra đã có thị trường tiêu thụ.

Vì hoạt động ở quy mô lớn nên không thể đưa hàng hóa ra “ngồi giữa chợ” để bán được mà phải nghiên cứu thị trường, có đầu mối tiêu thụ. Tầm quy mô quốc gia, các công ty còn đưa hàng hóa của mình trực tiếp hoặc thông qua công ty trung gian bao tiêu sản phẩm xuất khẩu.

Nói chung họ có phương thức quản trị doanh nghiệp khá hiện đại. Cả hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn tỷ bỏ ra mà mù mờ thông tin chỉ đưa doanh nghiệp đến chỗ phá sản. Cho nên họ không cho phép mình được mù mờ. Họ có cả bộ phận marketing, nghiên cứu thị trường, truyền thông…

Thế người sản xuất nông nghiệp, dạng nào là mù mờ về thị trường? Có lẽ chiếm đa số và áp đảo chính là hộ sản xuất cá thể. Hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam là hộ sản xuất nhỏ lẻ. Mỗi người vài mảnh ruộng, vài vườn rau, nuôi vài con heo, đàn gà. Thấy người ta trồng chuối bán được mình cũng đi trồng chuối; thấy người ta trồng dưa hấu mình cũng đi trồng dưa hấu; thấy họ trồng ớt có giá thì tập trung trồng ớt; thấy họ nuôi tôm mình cũng nuôi tôm…

Cách bán chủ yếu là qua thương lái. Thương lái cũng phần lớn kinh doanh nhỏ lẻ nốt. Thương lái nói giá heo hơi hôm nay “bảy mươi” thì người bán biết “bảy mươi”, nói “sáu chín” thì biết “sáu chín”… Với cách sản xuất kiểu này làm sao biết dung lượng thị trường. Cho nên chuyện cung – cầu lệch pha là chuyện cơm bữa.

Dù có kết nối thông tin đến đâu, để cho hàng triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ như hiện tại biết được dung lượng thị trường là điều hình như không tưởng. Ngay chuyện quy hoạch ngành cũng không ai quản lý được. Ví dụ quy hoạch vùng trồng tiêu, trồng cà phê ở Tây Nguyên là bao nhiêu đều có. Nó có thể không chính xác được một trăm phần trăm nhưng nó ít ra cũng tiệm cận được với thị trường do những người chuyên ngành đo đếm mang tính chất khoa học. Thế nhưng thực tế chúng ta xem, vùng cây trồng đã vượt quá quy hoạch rất nhiều nhưng không ai có thể cản trở được. Người nông dân cứ mạnh ai nấy làm. Cho nên chúng ta không lạ lùng gì về chuyện kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ.

Thời đại công nghệ, kết nối thông tin là điều quan trọng. Nó có thể giải quyết được một phần về thông tin dung lượng thị trường. Nhưng cái gốc của vấn đề là làm sao xóa được mô hình sản xuất nhỏ lẻ mới được. Sản xuất theo kiểu hiện tại chỉ giải quyết được chuyện tiêu thụ nội địa, thậm chí là nội tỉnh, nội huyện, nội xã.

Chúng ta “dè chừng” chuyện nông dân thiếu tư liệu sản xuất. Nhưng cứ để mỗi người nông dân sở hữu một vài mảnh ruộng thì chẳng bao giờ có một nền nông nghiệp hiện đại.

                                                          Lê Phương

         

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Đưa đông y nói chung và y thuật cung đình nói riêng vào khai thác du lịch được xem là một trong những loại hình, sản phẩm du lịch đặc sắc. Huế có nhiều lợi thế lĩnh vực này, song việc khai thác các tiềm năng và thế mạnh của đông y vào du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) vẫn chưa phát huy hết các giá trị.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Return to top