Những cánh đồng lúa luôn thải ra một lượng rơm lớn sau mỗi mùa vụ, nếu không có hướng tiêu thụ, người nông dân đành phải đốt bỏ
Trước kia, khi đời sống còn nhiều khó khăn, nhu cầu cho chất đốt, cho chăn nuôi, cho phân bón… thì không chỉ rơm mà kể cả rạ - bà con nhiều nơi quen gọi là “tót”- được tận thu sát gốc. Ở các vùng nông thôn, hầu như không nhà nào là không có đụn/cây rơm. Đến mức nó trở thành hình ảnh mặc định, thân thương, gần gũi với đời sống mọi nhà.
Sau này đời sống khá lên, lúa được gặt máy và tuốt luôn tại ruộng, chất đốt không thiếu, không ai hơi đâu cứ phải ngồi dán vào bếp để đun rơm nấu cho xong bữa ăn. Vậy là rơm trở nên rất… “thân phận”. Bị vứt, bị đốt bỏ luôn ngoài ruộng để cho “sạch đồng” còn làm vụ sau. Mỗi lần như thế, khói cứ mù mịt đất trời khiến nhiều người kêu trời van đất vì ô nhiễm. Khốn khổ cho những tuyến đường có đồng ruộng 2 bên, khói do đốt đồng có lúc che hết tầm nhìn khiến xe cộ vừa đi vừa mò mẫm. Hết sức nguy hiểm!
Nghịch lý là trong lúc đó, nhiều nơi lại cần rơm cho sản xuất mà tìm mua lại không dễ. Rơm để sản xuất nấm, rơm để “tủ” cho gốc cây ăn quả, cho các loại hoa màu… Muốn có rơm, phải đi chỗ này gom ít, chỗ kia gom ít, rất mất công.
Mới đây, lên Nam Đông ghé vườn cam hơn 2.000 gốc của ông Năm, thấy một đống gì to đùng, được phủ bạt giữa vườn. Hỏi thì được biết đó là rơm dự trữ để ủ gốc cam. Chủ vườn phải về dưới xuôi mua gom, một xe mấy chục ngàn mà nhiều khi không có. Mà Nam Đông không chỉ có mỗi vườn cam của ông Năm. Cam “ông Xê” cũng “ghê gớm” không kém. Rồi còn bao nhiêu vườn, bao nhiêu trang trại khác không chỉ của Nam Đông mà cả A Lưới, Phong Điền, Phú Lộc… cần rơm để ủ gốc, để làm phân, để trồng nấm cũng phải đi tìm, đi gom như thế.
Trong lúc đó ở đồng bằng, như đã nói, cứ sau mỗi mùa thu hoạch là lại mịt mù khói. Đốt rơm không làm cho ruộng tốt lên mà ngược lại còn làm “hỏng” ruộng. Cái này các nhà khoa học giải thích rồi. Chủ ruộng có lẽ cũng chẳng thích thú gì cái chuyện đốt rơm vì biết bị than phiền, thậm chí có khi còn bị phạt, bị pháp luật sờ nếu vì đốt rơm mà gây tai nạn…
Người có rơm không biết làm sao bán, thậm chí không biết phải cho ai. Còn người cần rơm thì lại phải đi tìm, đi gom khá mệt mỏi. Làm sao để “2 người” này gặp nhau? Bài toán này, theo thiển ý của chúng tôi không quá khó, chỉ cần hội nông dân tích cực ra tay là có thể giải quyết được.
Chưa tính những “nền tảng” khác, chỉ cần tạo một group trên những nền tảng phổ biến như FB, Zalo hay Viber, trong đó kết nối tất cả các hội cơ sở với nhau. Một câu hỏi đưa lên: “Chỗ tôi đang cần chừng này chừng kia rơm, ai có?”; nơi kia sẽ lập tức: “Đây, cần bao nhiêu?”… Hội đã phủ sóng rộng khắp; smartphone với nhiều cán bộ hội và hội viên cũng không còn xa lạ. Thiết nghĩ, thao tác trên là cực kỳ đơn giản. Chỉ cần kết nối, liên thông ổn thôi, còn những việc khác xa hơn như trợ cước, trợ giá, hỗ trợ phương tiện (nếu cần thiết)…chắc hẳn cũng sẽ có cách gỡ.
Nguồn rơm cứ đều đặn phát sinh mỗi năm 1-2 vụ, tìm giải pháp để giải bài toán “nghịch lý rơm” là rất cần thiết. Đó sẽ là một việc làm đạt nhiều mục tiêu: Tránh lãng phí nguồn rơm; chống ô nhiễm mỗi trường; người nông dân có thêm thu nhập; các chủ vườn, chủ trang trại, chủ trại nấm…được cung ứng nguồn rơm theo nhu cầu mà không cần phải quá mất công tìm kiếm, thu gom như lâu nay vẫn phải như vậy. Không quá phức tạp, việc gì mà không khởi động?
Bài, ảnh: Thượng Bích