Cây sắn nhiễm bệnh khảm lá với đặc tính mặt lá bị quăn, vàng loang lổ
Diễn biến phức tạp
Theo Sở NN&PTNT, năm 2021, kế hoạch toàn tỉnh trồng khoảng gần 4.200 ha sắn, hiện đã trồng khoảng 3.557 ha sắn đang giai đoạn phát triển thân lá.
Đến nay, bệnh khảm lá sắn gây hại khoảng hơn 1.000 ha tập trung tại các địa phương như Phong Điền 597 ha, Hương Trà 426 ha, A Lưới 48 ha. Tuy nhiên, diện tích đã nhổ bỏ tiêu hủy mới chỉ khoảng 8 ha tại Hương Trà (HTX Phú An 6,5 ha, HTX Tây Xuân 1,5 ha).
Trên nhiều cánh đồng chuyên canh sắn, xen sắn ở các địa phương, hàng trăm diện tích sắn bị nhiễm bệnh với biểu hiện mặt lá cây sắn bị quăn, vàng loang lổ.
Ông Hoàng Khôi (Phong Hiền, Phong Điền) cho biết, từ đầu tháng 1/2021 đến nay, các vùng trồng sắn bị dịch bệnh khảm lá trước đây tiếp tục triển khai trồng vụ mới, gia đình cũng trồng 3 sào chuyên sắn với một số diện tích sắn xen đậu lạc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn ở các địa phương
Dù sử dụng nguồn giống mới đem về nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Vụ sắn trước nhổ bỏ, đến nay gia đình vẫn chưa triển khai nhổ do chưa biết trồng cây gì thay thế cho hiệu quả.
“Nguồn bệnh đã nhiễm trong đất, vụ thứ 2 nhiễm bệnh rồi. Nếu tiếp tục trồng cây sắn có khả năng dịch bệnh sẽ tiếp diễn. Vậy nên trồng cây gì cho phù hợp nông dân ở đây cũng đang tính đến”, ông Khôi cho hay.
Tại phường Hương Xuân (Hương Trà), nhiều diện tích sắn mới trồng xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá. Một số khu vực nặng khiến lá sắn xoăn lại, cong queo, nhăn nhúm, sinh trưởng kém. Hiện, hầu hết các diện tích trồng sắn tại địa phương này đã nhiễm bệnh khảm lá, gây khó khăn, thiệt hại lớn cho nông dân.
Ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (CCTT&BVTV, Sở NN&PTNT) thông tin, sau khi điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn xuất hiện trên địa bàn các huyện, thị, đơn vị đã chỉ đạo, phân công bố trí cán bộ phối hợp với Phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, chính quyền địa phương, HTX kiểm tra đồng ruộng, đánh giá tình hình bệnh khảm lá và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, xử lý.
Chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng để phát hiện các cây có triệu chứng bệnh khảm lá như khảm vàng loang lổ trên lá, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm... để nhổ bỏ đem ra khỏi ruộng tiêu hủy nhằm hạn chế bệnh lây lan và yêu cầu chính quyền địa phương chỉ đạo nông dân trồng dặm lại bằng hom giống sạch bệnh hoặc nghiên cứu có kế hoạch chuyển đổi cây trồng khác nhằm hạn chế bỏ đất trống không sản xuất.
Giải pháp lâu dài
Theo Sở NN&PTNT, ngay từ đầu niên vụ mới, đơn vị tăng cường kiểm tra phát hiện bệnh sớm và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời đối với bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp tiêu hủy, phòng trừ bệnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn.
Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn. Trước mắt, tiến hành nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng. Giải pháp trước mắt, để ngăn chặn bệnh khảm lá sắn, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác kiểm dịch nội địa để ngăn chặn, xử lý các trường hợp vận chuyển mua bán giống sắn từ vùng bị bệnh sang vùng khác chưa nhiễm bệnh hoặc từ các tỉnh khác về trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác điều tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm và chỉ đạo biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời; theo dõi chặt chẽ bọ phấn (môi giới truyền bệnh) gây hại trên đồng ruộng để có biện pháp quản lý và phòng trừ để hạn chế bệnh khảm sắn lây lan.
Theo Sở NN&PTNT, trong các vụ tiếp theo, cần nghiên cứu thay đổi cơ cấu giống, tập trung chọn các giống sắn kháng bệnh khảm lá. Cục BVTV- Bộ NN&PTNT đã tổ chức đánh giá giống kháng bệnh khảm lá của Tập đoàn giống sắn do Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) và Chi cục Trồng trọt và BVTV Tây Ninh thực hiện tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Cục BVTV thống nhất xác định được 2 giống sắn HN3 và HN5 có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt, dù trồng trực tiếp trên đồng ruộng nơi có áp lực bệnh rất cao như Tây Ninh, 2 giống này cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với các giống khác như KM94, KM140, KM419…
Nhà máy sắn tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (Công ty TNHH MTV Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy) liên hệ, phối hợp với các đơn vị liên quan để làm dịch vụ cung ứng giống sắn HN3 và HN5 cho nông dân trên địa bàn tỉnh trồng trong vụ Đông Xuân 2021-2022.
Sở NN&PTNT đề xuất các cơ quan chuyên môn và đơn vị liên quan phối hợp với Trường đại học Nông Lâm Huế, Viện Công nghệ sinh học-Đại học Huế để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch nhân giống sắn sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện chế độ luân canh sang một số cây trồng khác.
Chi cục TT&BVTV tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến thông tin, tác hại của bệnh khảm lá sắn, thường xuyên kiểm tra ruộng nhằm phát hiện sớm cây sắn nhiễm bệnh để hướng dẫn nông dân nhổ, tiêu hủy và kiểm tra bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) để chỉ đạo phun trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh chủ quan để bệnh lây lan trên diện rộng.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN