ClockThứ Năm, 20/10/2016 06:15
XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG HEO CHẾT Ở MỘT SỐ ĐỊA PHƯƠNG:

Người nuôi không nên lo lắng

TTH - Heo bị bệnh xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra và kết luận, heo bị một số bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, tại Hương Vân (TX Hương Trà), người dân mang lợn ốm vứt bừa bãi khiến các hộ chăn nuôi hoang mang, thị trường heo hơi ảnh hưởng.

Heo hơi giảm giá, người nuôi gặp khó

Ảnh hưởng các hộ chăn nuôi

Cách đây vài ngày, một số chủ trang trại ở gần khu vực Bàu Ốt thấy nhiều bao tải trôi lềnh bềnh trên mặt hồ, tiến hành trục vớt, phát hiện trong bao tải có heo chết, bốc mùi, đã phân hủy heo. Ông Nguyễn Tấn Thống, cho biết: “như thường lệ, tôi đi thăm trang trại nuôi vịt thì thấy 2 bao nổi trên mặt hồ Bàu Ốt, bốc mùi thối. Sợ ảnh hưởng đến môi trường nước đang thả vịt, tôi liền trục vớt, phát hiện heo chết và báo với chính quyền địa phương. Đây là lần đầu tiên có tình trạng heo chết bị vứt bừa bãi trên địa bàn. Có thể số heo này do người dân nơi khác vứt ở vùng khe suối phía thượng nguồn bị nước lũ cuốn về”.

Không chỉ hồ Bầu Ốt, tại khu vực khe Cây Khế, cũng xuất hiện tình trạng heo chết bị vứt bừa bãi. Đây là vùng khe suối nằm ở thượng nguồn dẫn nước xuống phía Bàu Ốt. Xung quanh khu vực này có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm của các hộ dân. Người dân lo, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, môi trường sống, kiểm soát dịch bệnh cho vật nuôi trên địa bàn. Anh Nguyễn Văn Phú lo lắng: “Từ ngày phát hiện heo chết, do tâm lý người chăn nuôi lo lắng, một số hộ đã xuất bán heo thịt dù chưa đủ trọng lượng xuất chuồng”.

Ông Châu Văn An, Chủ tịch UBND phường Hương Vân xác nhận: “Sau khi phát hiện tình trạng heo chết vứt bừa bãi, người dân địa phương trình báo với chính quyền, tuy nhiên, vẫn chưa xác định được đối tượng làm việc này. Đây là vùng giáp ranh giữa địa phận phường Hương Văn và Hương Vân. Trước đó, người dân địa phương phản ánh, heo trên địa bàn xuất hiện hiện tượng đau ốm, chúng tôi đã cử cán bộ thú y đến kiểm tra xử lý”.

Trước đó, một số địa phương ở Quảng Điền có heo chết, do các loại bệnh như nhiễm khuẩn ecoli, tụ huyết trùng, tiêu chảy... gây thiệt hại cho một số hộ dân. Theo đó, tin đồn dịch tai xanh xuất hiện khiến người dân lo lắng, xuất bán heo khi chưa đủ trọng lượng. Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định, heo bị bệnh do thay đổi thời tiết với các bệnh lý thông thường, dịch tai xanh chỉ là tin đồn thất thiệt.

Khu vực Bàu Ốt, nơi người dân phường Hương Vân phát hiện xác heo chết

Mở rộng địa bàn phòng dịch

Trước tình trạng trên, UBND phường kết hợp với các lực lượng chức năng tổ chức thu gom số heo chết, tiến hành xử lý hóa chất, tiêu hủy và báo cáo lên cơ quan chức năng. “Phát hiện heo chết, chúng tôi đã tổ chức họp dân, cảnh báo bà con nếu phát hiện heo hay xác chết của động vật phải báo cáo với chính quyền địa phương. Khi heo bị bệnh, phải kiểm tra, trình báo cho ban thú y xã để có phương án cứu chữa, phòng dịch. Hiện, chúng tôi đang tiếp tục triển khai các biện pháp, mở rộng địa bàn phòng dịch; giao công an xã tiến hành điều tra vụ việc”, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, cho hay.

Người dân cho hay, thị trường tiêu thụ thịt heo có dấu hiệu giảm. Tại phường Hương Vân, có khoảng 1.000 hộ dân chăn nuôi heo với tổng dàn trên dưới 5.000 con, chiếm 10-15% thu nhập của người nuôi. Do vậy, việc heo chết ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế của bà con.

Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Hương Trà  đã có buổi kiểm tra tình hình dịch bệnh trên heo tại phường Hương Vân. Theo đó, Trạm kiểm tra 4 hộ nuôi trên địa bàn, phát hiện các bệnh lý heo mắc phải là những loại bệnh thông thường do thay đổi thời tiết với các triệu chứng như: bỏ ăn, tiêu chảy...

Ông Lê Hoài Nam, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Hương Trà cho biết: “Sau khi kiểm tra, Trạm đã lập biên bản và hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh, định kỳ từ 5-7 ngày/lần; khi có dịch bệnh phải báo cho trạm để có biện pháp điều trị và phòng bệnh kịp thời”.

Theo ông Nam, việc xác định động cơ vứt heo chết bừa bãi là việc của các cơ quan chức năng, phía trạm chỉ phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. “Đến thời điểm này, tại thị xã Hương Trà chưa xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Việc vứt heo bừa bãi là do ý thức của người dân, đến nay vẫn chưa xác định được có nguyên nhân phá hoại các hộ chăn nuôi hay không”.

QUỲNH VIÊN - NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Góc Huế” tại AEON MALL

Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đã tạo nên sức hút lớn trong những ngày đầu mở cửa đón khách, khi lượng khách đến đây tham quan, mua sắm rất sôi động. Cùng với các thương hiệu nổi tiếng, không gian văn hóa địa phương (Local Corner) tạo dấu ấn rất riêng không chỉ cho trung tâm thương mại này, mà còn là điểm nhấn thể hiện sự đồng hành của chính quyền và các sở, ban, ngành trong hành trình đưa sản phẩm Huế đến gần với các chuỗi cung ứng lớn.

“Góc Huế” tại AEON MALL
Cảnh báo trượt lở đất vùng đồi núi

Trên cơ sở các vị trí cảnh báo, các địa phương khẩn trương bố trí lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven đồi núi, sông suối để chủ động di dời, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Cảnh báo trượt lở đất vùng đồi núi
Gỡ vướng cho môn giáo dục địa phương

Giáo dục địa phương (GDĐP) là một môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 với 35 tiết/1 lớp học/năm học. Nội dung môn học này rất phong phú và đa dạng, liên quan đến lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa của địa phương… Qua đó, giúp học sinh hình thành ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương. Tuy nhiên, qua gần hai năm thực hiện, một số trường vẫn còn lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong việc phân công giáo viên giảng dạy và khi thực hiện dạy học các chủ đề của môn học này.

Gỡ vướng cho môn giáo dục địa phương
Return to top