Theo thống kê, từ đầu năm đến nay xảy ra 58 vụ cháy
Cháy tập trung ở 5 vùng trọng điểm
Thời gian qua, các đợt nắng nóng kéo dài trên địa bàn tỉnh kèo thời tiết hanh khô do hiệu ứng của gió phơn Tây Nam, có ngày vượt ngưỡng 40 độ C. Vì thế đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng. Có những vụ cháy lớn, kéo dài trong mấy ngày liền. Đặc biệt phải kể đến vụ cháy rừng thông từ ngày 28-30/6 xảy ra ở phường Phú Bài, Thủy Phương, Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) gây thiệt hại hơn 265,7ha rừng.
Theo ngành kiểm lâm, 5 vùng trọng điểm cháy rừng gồm vùng Bắc Hải Vân - Phú Lộc, vùng Hương Thủy - Tây Nam TP. Huế, vùng Hương Trà, vùng A Lưới và tuyến Quốc lộ 49 nằm trên địa bàn huyện A Lưới và TX. Hương Trà, vùng Phong Điền - Quảng Điền.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đã chỉ đạo phân công lực lượng ứng trực 24/24 trong suốt mùa khô, bố trí lực lượng trực các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ cháy rừng để kiểm soát người ra vào rừng và sử dụng lửa. Đặc biệt là công tác cảnh báo, phát hiện sớm các đám cháy; phối hợp tốt với các đơn vị quân đội, công an, chính quyền địa phương triển khai chữa cháy hiệu quả.
Dù đã áp dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng và ảnh viễn thám hay xây dựng các bể chứa nước phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy… nhưng do nguồn lực có hạn nên vẫn còn nhiều trở lực trong hoạt động này.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bên cạnh các nguyên nhân nói trên, công tác phòng ngừa chưa được các đơn vị chủ rừng chú trọng. Việc xây dựng Phương án PCCCR nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế.
Chú trọng bể nước ở vùng có nguy cơ cao
Cũng theo ngành kiểm lâm, công tác điều tra xử lý vi phạm về PCCCR chưa được cơ quan chức năng chú trọng, hàng chục vụ cháy đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Kiểm tra, giám sát xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng chưa được thực hiện nghiêm túc, nhiều nơi thiếu kiểm tra, ngăn chặn, xử lý.
Việc khôi phục rừng sau cháy gặp nhiều khó khăn
Trước tình hình đó, ông Lê Ngọc Tuấn – Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay, sẽ tăng cường kiểm tra công tác PCCCR tại các địa phương, chủ rừng. Rà soát và điều phối phương tiện, máy móc trang thiết bị, đảm bảo thông tin liên lạc, các công cụ, dụng cụ và nguồn lực khác phục vụ cho PCCCR. Thực hiện nghiêm chế độ trực và đốc thúc các đơn vị kiểm soát tình hình đốt xử lý thực bì, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về PCCCR.
Cũng theo ông Tuấn, sẽ chỉ đạo cơ quan tham mưu rà soát nguồn lực, xây dựng kế hoạch phòng cháy cho năm 2022. Trong đó, chú trọng xây dựng các bể nước ở các vùng có nguy cơ cao, vùng rừng tập trung có địa hình phức tạp mà phương tiện cơ giới cứu chữa cháy rừng không thể tiếp cận, đề xuất trang bị một số phương tiện chuyên dụng cho các lực lượng chữa cháy, các đơn vị chủ rừng nhà nước để chủ động vận chuyển nước lên các điểm cao phục vụ cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn.
Đơn vị có kiến nghị với UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng hệ thống đường lâm sinh kết hợp đường ranh PCCCR quy mô cho các vùng rừng trồng có diện tích lớn, vừa tạo điều kiện cho công tác vận chuyển sản phẩm rừng trồng, vừa ngăn chặn cháy rừng và phục vụ cho các phương tiện cứu chữa khi có cháy lớn xảy ra.
Ngoài ra, phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, PCCCR đặc biệt đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.
Bài, ảnh: Nhật Minh