ClockThứ Sáu, 01/06/2018 05:30

Liên kết chăn nuôi, tiêu thụ lợn hữu cơ

TTH - Mô hình liên kết giữa Công ty Nông nghiệp Organic Quế Lâm với các hộ kinh doanh, hộ nông dân ở TX. Hương Thủy, huyện Phú Vang trong chăn nuôi, tiêu thụ thịt lợn hữu cơ và cung ứng vật tư cho thấy đây là hướng đi hiệu quả.

Giá thịt lợn hơi dao động ở mức 36.000 đồng/kgVẫn ế hơn 1,5 triệu con lợn chờ giải cứu

Thịt lợn hữu cơ được tiêu thụ tại siêu thị nông sản hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm

Ổn định đầu ra

Mô hình liên kết DN- hộ kinh doanh- hộ nông dân trong chăn nuôi lợn hữu cơ được triển khai thí điểm ở Thủy Phù, Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) và Phú Lương (Phú Vang).

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, một trong những hộ ở xã Thủy Phù được chọn tham gia mô hình nuôi lợn hữu cơ rất hài lòng vì trong suốt quá trình nuôi đến khi xuất chuồng đều rất thuận lợi, giá đầu ra ổn định, cao hơn thị trường từ 20-30%. Mô hình tiết kiệm được 70%  chi phí lao động so với chăn nuôi truyền thống; lợn phát triển tốt, giảm tiêu tốn thức ăn từ 10-12% so với nuôi truyền thống, ít bị các bệnh về tiêu hoá, hô hấp... Lượng nước cũng tiết kiệm lên đến 90% từ nguồn tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại.

Ông Tôn Thất Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Nông nghiệp Organic Quế Lâm cho biết, 2 yếu tố quan trọng trong nuôi lợn hữu cơ là con giống và thức ăn, cộng thêm nguồn nước sạch. Thức ăn cho lợn hữu cơ gồm cám, đỗ tương, bắp, bột cá; đặc biệt là men vi sinh, cộng thêm rau, bèo người dân thu hái. Nguồn thức ăn này do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất và phân phối cho các đại lý kinh doanh thức ăn gia súc, vật tư để cung ứng cho người nuôi.

Con giống hữu cơ được hữu cơ từ trong bụng mẹ, tức là con nái phải nuôi theo quy trình hữu cơ và có 25% giống máu của lợn địa phương để dễ nuôi và tạo thịt ngon, thơm, có mỡ dắt (mỡ lòn) bám vào nạc.

Yêu cầu chuồng trại cũng đòi hỏi diện tích gấp đôi chuồng trại nuôi thông thường, bình quân 1 con 2m2. Chất thải có ủ men vi sinh nên được phân giải tốt, hạn chế mùi, ít gây ô nhiễm môi trường. Sau khi xuất lợn, người nuôi dùng chất thải này bón trực tiếp cho cây trồng rất tốt.

Thịt lợn hữu cơ tại cơ sở Quế Lâm đang được người tiêu dùng tin chọn

Mở rộng mô hình và thị trường

Theo liên kết, khi lợn đạt trọng lượng xuất chuồng trên 90kg, công ty thu mua 100% với giá cao hơn thị trường; đồng thời khấu trừ chi phí con giống, thức ăn đã cung ứng cho người nuôi. Theo chủ nuôi Nguyễn Ngọc Khánh, nuôi theo quy trình này, tổng các chi phí thức ăn, điện, nước... thấp hơn phương pháp nuôi truyền thống từ 1,8-2 triệu đồng/10 con lợn và giá bán cao hơn nên cho lãi cao hơn cách nuôi trước đây.

Ông Tôn Thất Thạnh cho biết, có những đợt lợn hơi rớt giá sâu, nhưng công ty vẫn đảm bảo mua theo giá hợp đồng đã ký với người nuôi. Quy trình từ nuôi đến chế biến thành phẩm đảm bảo “5 không”: không chất kháng sinh, không chất tăng trọng, không tồn dư kim loại nặng, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, nên chất lượng thịt đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch trong đó có thịt lợn sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng tăng cao. Riêng lượng tiêu thụ thịt lợn hữu cơ tại cửa hàng cung cấp thực phẩm hữu cơ của Quế Lâm bình quân tiêu thụ từ 300-400 con/năm.

Đến nay, có 6 hộ nuôi được chọn tham gia mô hình với số lợn thịt cung ứng mỗi lứa  khoảng 200 con. Số lượng này tạm thời đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và xuất thịt đông lạnh, nguyên con đi một số tỉnh, thành khác của cơ sở cung ứng nông sản hữu cơ Quế Lâm.

Công ty đang mở rộng mô hình ra HTX Đông Toàn (Hương Toàn, TX. Hương Trà), tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh. Sắp tới, hướng mở rộng của công ty chưa chú trọng về diện mà theo hướng phát triển tập trung, tức mở rộng mô hình bằng cách tăng diện tích chuồng trại, số lượng nuôi lên gấp rưỡi, gấp đôi. Bên cạnh mở rộng mô hình sản xuất, đơn vị tập trung tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác như Thái Nguyên, Quảng Ngãi để đảm bảo ổn định đầu ra, giá cả cho người nuôi.

Bài, ảnh: Hoài Thương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Liên kết để phát triển bền vững

Phát triển kinh tế theo hướng mô hình tổ liên kết (TLK), tổ hợp tác (THT) là cách hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên.

Liên kết để phát triển bền vững
Ba cây chụm lại...

Câu chuyện về liên kết để phát triển được nhắc đến khi cách đây khoảng hơn 20 năm, 3 địa phương gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề: “Ba địa phương - một điểm đến”. Và rồi mới đây, hội thảo “Phát triển bền vững du lịch miền Trung trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức, cũng đã thảo luận chính sách, đưa ra các định hướng liên kết và giải pháp chung về phát triển du lịch vùng.

Ba cây chụm lại
Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn

Trồng trọt, chăn nuôi hàng hóa tập trung, theo hướng an toàn, hữu cơ là hướng đi mới của ngành nông nghiệp trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trồng trọt chất lượng, chăn nuôi an toàn
Return to top