ClockThứ Ba, 07/01/2020 14:22

Rừng Nam Đông tiếp tục bị xâm hại

TTH - Rừng Nam Đông tiếp tục bị xâm hại, cho thấy công tác quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) chưa hiệu quả.

“Bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta”

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng

Vụ vi phạm tăng

Mới đây, trên địa bàn xã Thượng Quảng xảy ra vụ phá rừng đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Theo phản ánh của người dân, khu vực rừng bị xâm hại cách khá xa khu dân cư, đường đi lại rất khó khăn. Ở đây có nhiều loài cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, ông Hoàng Văn Chúc nhận định, cách đây chừng một tháng, lực lượng kiểm lâm huyện Nam Đông cũng đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển gỗ rừng tại địa bàn xã Thượng Quảng. “Có thể vụ vận chuyển gỗ rừng này liên quan đến vụ phá rừng đầu nguồn ở Thượng Quảng như phản ánh của người dân”, ông Chúc nghi vấn.

Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông, ông Trần Toản thông tin, phần lớn các khu rừng thuộc địa bàn xã Thượng Quảng là rừng phòng hộ đầu nguồn. Đơn vị sẽ khẩn trương cử lực lượng đến hiện trường rừng bị phá để kiểm tra, xác định vị trí, tiểu khu và thuộc đơn vị nào quản lý. Từ đó, đơn vị sẽ có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, đồng thời tham mưu các cấp có biện pháp giải quyết.

Năm 2019, lực lượng kiểm lâm huyện Nam Đông đã phát hiện, xử lý 77 vụ vi phạm lâm luật, tăng 16 vụ so với năm trước. Trong đó, có 51 vụ đã được xử lý, xử phạt 333,5 triệu đồng, tịch thu gần 30m3 gỗ các loại và 2 máy cưa; nộp ngân sách 251,5 triệu đồng từ bán lâm sản tịch thu.

Những trở lực

Ông Hoàng Văn Chúc cho rằng, nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng nhiều khiến “áp lực” dựa vào rừng càng lớn, khó ngăn chặn triệt để nạn phá rừng. Nhiều hộ trên địa bàn, nhất là các hộ mới tách xây dựng nhà ở có nhu cầu sử dụng gỗ cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng trái phép. Hầu hết các hộ này chỉ có nhu cầu sử dụng các loại gỗ thuộc nhóm 3-4, giá trị kinh tế không cao.

Đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho thấy, năng lực quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, cụ thể là công tác QL-BVR, xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã rất hạn chế. Một số địa phương thiếu kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc sử dụng sản phẩm rừng và đất lâm nghiệp đối với cộng đồng và các hộ gia đình. Các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình còn thiếu trách nhiệm trong quá trình giám sát, BVR.

Các hành vi khai thác, mua bán, cất giấu lâm sản ngày càng tinh vi gây khó khăn đối với các lực lượng trong công tác tuần tra, phát hiện. Hầu hết các vụ khai thác, vận chuyển gỗ rừng đều tổ chức vào đêm khuya. Sau khi khai thác, lâm tặc thường theo dõi, giám sát, khi không phát hiện các lực lượng mới tổ chức đưa gỗ ra khỏi rừng và vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Lực lượng lâm tặc khá đông, lại manh động, trang bị hung khí nên dễ tẩu thoát khi phát hiện các lực lượng tuần tra.

Trong khi lực lượng mỏng, lâm tặc lại manh động thì các lực lượng bảo vệ rừng còn đối mặt với nhiều trở ngại thường nhật; đó là núi rừng hiểm trở, địa hình chia cắt gây khó khăn đối với công tác kiểm tra, kiểm soát, tuần tra và truy quét.

Cần sự phối hợp

Theo Hạt Kiểm lâm Nam Đông, hiện trên địa bàn huyện có 32 hộ kinh doanh chế biến, cưa xẻ gỗ cũng là một trong những thách thức trong công tác QL-BVR. Hằng năm, đơn vị tổ chức đột xuất, định kỳ tại các xưởng cưa xẻ gỗ, chế biến gỗ; kiểm lâm địa bàn cũng thường xuyên giám sát các cơ sở này; bố trí lực lượng tuần tra tại các cơ sở cưa xẻ gỗ, vận chuyển lâm sản trái phép…

Với lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng như hiện nay, rất cần sự vào cuộc từ cơ sở, người dân mới QL-BVR hiệu quả. Ý thức trách nhiệm, vai trò của người dân góp phần quan trọng trong quá trình giám sát, phát hiện các vụ vi phạm. Tuy nhiên lâu nay, nhiều người dân, kể cả một số chính quyền cơ sở, thôn, bản chưa có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong quá trình QL-BVR. Điển hình vụ phá rừng mới đây, người dân phát hiện nhưng chậm báo đến lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.

Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Đông, ông Trần Toản cho rằng, từng bước hạn chế, hướng đến xử lý triệt để nạn phá rừng trái phép không có cách nào khác ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Cấp xã, thôn bản cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò trong công tác QL-BVR. Các địa phương cần lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân, ổn định cuộc sống, hạn chế tối đa phụ thuộc vào rừng.

Ngoài các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, các địa phương cũng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các hộ tham gia các vụ phá rừng, hoặc có dấu hiệu phá rừng. Người dân cần ý thức, tích cực tham gia với các lực lượng trong quá trình QL-BVR, báo tin kịp thời đến với các cơ quan chức năng khi phát hiện các vụ phá rừng, hoặc có dấu hiệu phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sôi động hội thi "Rung chuông vàng" về bảo vệ trẻ em

Chiều 1/6, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH) tỉnh tổ chức Hội thi "Rung chuông vàng" với chủ đề "Tìm hiểu về Huế - Quyền trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em năm 2024".

Sôi động hội thi Rung chuông vàng về bảo vệ trẻ em
Giúp trẻ tiếp cận công nghệ số an toàn, hữu ích

Ngày 10/5, đông đảo học sinh THCS trên địa bàn TX. Hương Thủy tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực số thông qua ứng dụng Hue-S và tuyên truyền Luật Trẻ em 2016 do các báo báo viên đến từ Sở Lao động, Thương binh & Xã Hội; Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (Hue-S) hướng dẫn.

Giúp trẻ tiếp cận công nghệ số an toàn, hữu ích
Return to top