Ngư dân vùng tái định cư sau lụt 1999 vẫn "sống chết" với nghề đi biển
Giữ nghề truyền thống
Tròn 20 năm cơn lũ lịch sử năm 1999, những hộ dân ở thôn Hiền An 1, Hiền An 2 (xã Vinh Hiền) được “lùi sâu” lên bờ TĐC, mang theo bao khát vọng về vùng đất bình yên bên cửa biển.
Ký ức hãi hùng về trận lụt lịch sử đã qua đi, thay vào đó là “sắc diện mới” của những căn nhà khang trang trên các trục đường bê tông; của những chiếc “tàu 67”, tàu công suất lớn nườm nượp nơi cầu cảng đưa ngư dân ra vùng biển lớn.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Trưởng thôn Hiền An 2 bảo rằng, trận lũ cách đây tròn 20 năm mang nhiều ký ức đau thương nhưng cũng là “cơ hội” cho ngư dân được lên bờ, ổn định cuộc sống. Có cái “được” nhất là ngư dân vẫn theo nghề cũ, sống chết với biển.
Trong ký ức ông Phước cũng như nhiều ngư dân trong thôn Hiền An 2, trận lũ năm 1999, vùng cửa biển Vinh Hiền như bị “xé toang”. Nhiều khu vực biển bị sạt lở, nhà cửa của ngư dân bị nghiêng lún, đổ sụp, tàu thuyền neo đậu trên bờ bị hư hại…
Từ năm 2000 và những năm trở về sau, chính quyền liên tục xây các khu TĐC làng Càng, Linh Thái, Sạt Lở, Thủy Diện…để lần lượt đưa ngư dân vào bờ. “Lùi sâu” vào đất liền, tránh xa con sóng, nhưng ngư dân ở đây vẫn theo nghề chài lưới.
Toàn khu TĐC làng Càng có 52 hộ dân, hơn 90% theo nghề biển, có thuyền lớn, nhỏ ra khơi vào lộng; một bộ phận khác thì theo nghề đan lưới, phục vụ hậu cần nghề cá.
Ông Trần Đình Khôi, một ngư dân nhớ lại: “Những thế hệ cư dân của xóm Càng đầu tiên vào đây sau năm 2000, được Nhà nước hỗ trợ 6 tháng ăn, nền đất cùng bộ khung nhà khoảng 40m2 trên vùng TĐC. Công việc còn lại của người dân là lợp mái nhà để có nơi cư ngụ. Buổi đầu thật gian lao, vất vả nhưng nhờ ngư dân có nghề biển, tiếp tục giữ nghề cha ông để mưu sinh, giờ đây có người nhờ biển đủ ăn, có người làm giàu từ biển. Nói dân làng Càng rời xa biển nhưng không bỏ biển là vì thế”. Nhờ biển ông Khôi cũng xây được nhà khang trang, tự hào vì con cái “gánh chữ” vào giảng đường đại học!.
Rời thôn Hiền An 2, đi dọc trục đường bê tông-mà nói như ngư dân ở đây- “hai ô tô tránh nhau vẫn lọt”, chúng tôi tìm đến xóm vạn chài thôn Hiền An 1. Gặp được ngư dân trong mùa biển thật khó. May thay, chúng tôi cũng được “diện kiến” chủ “tàu 67” Hà Thúc Minh ngay cầu cảng khi anh đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi.
Anh Minh bảo rằng, từ mấy chục năm nay, ngư dân sở hữu tàu công suất 40-50CV, đi trung bờ; số khác thì đi ghe gọ gần bờ, kiếm chỉ đủ cái ăn vì một năm chỉ làm biển được 4-5 tháng, mùa đông thì tàu nằm bờ. Riêng với “tàu 67” thì khác, một năm làm được 9-10 tháng trên biển với hầm lạnh, giàn đèn công nghệ mới cùng ngư lưới cụ hiện đại.
Tàu anh Minh mang số hiệu TTH- 90136 công suất 820CV chuyên làm nghề lưới vây rút chì và lưới đánh cá hố. Năm 2017, từ nguồn vốn vay ngân hàng và vốn đối ứng của gia đình, anh đóng “tàu 67” trị giá 15 tỷ đồng. Ngoài nghề lưới vây, anh Minh còn đầu tư giàn lưới đánh cá hố 3 tỷ đồng để phục vụ nghề biển.
“Hiện nay tiến độ trả lãi ngân hàng mình vẫn đảm bảo. Chuyến biển mới nhất mình trúng vụ cá hố gần 10 tấn, giá trị 200 triệu đồng; trừ chi phí và chia cho 9 bạn thuyền mình còn lại khoảng 70-80 triệu đồng”, anh Minh phấn khởi.
Vươn vùng biển xa
Là thế hệ đầu tiên lên vùng TĐC Sạt Lở (Hiền An 1) sau ngày “vùng cửa biển Tư Hiền bị xé toang”, ngư dân Trần Xuân Mến (64 tuổi, thôn Hiền An 1) đến nay vẫn theo nghề cá. Nhưng có một điểm khác là ông ra biển với tâm thế làm chủ, cưỡi sóng trên con tàu công suất gần cả nghìn CV.
Ông Mến hồi ức: “Hồi đó vào khu TĐC rất khó khăn. Qua cơn lũ, rất may chiếc thuyền công suất 40CV mình còn giữ được, lấy nó làm “cần câu cơm” khi đi sâu vào bờ. Rồi 2 người con trai của tui cũng theo nghề biển, giờ đây sở hữu 2 chiếc tàu công suất lớn, cũng ăn nên làm ra từ biển”.
Nói đoạn, ông cười sảng khoái rồi đưa tôi sang nhà anh Trần Ngọc Quang, con trai cả của ông- chủ tàu cá lớn nhất vùng TĐC này. Là thế hệ thứ 2 vào vùng TĐC, anh Quang đã xây dựng được cho mình một “cơ ngơi” với 2 chiếc tàu chuyên đánh bắt lưới vây rút chì trên vùng biển thuộc các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2018, từ vốn gia đình tự có và vay thêm ngân hàng, bà con lối xóm, anh Quang đóng tàu công suất 830CV trị giá 5 tỷ đồng cùng chiếc tàu cũ trước đó công suất 50CV để làm nghề.
Anh Quang đứng ra đầu tư ngư lưới cụ cùng công nghệ bảo quản hải sản mới kết hợp với người em trai Trần Ngọc Hòa làm tài công. Mỗi chuyến ra khơi, tàu của anh Minh cùng 9 bạn thuyền đi khoảng 15 ngày cùng chi phí hơn 1.000 lít dầu, 600 cây đá và nhu yếu phẩm. Hạch toán lại, anh Minh bảo, do tàu công suất lớn, vươn được ngư trường xa và bán cá ngay trên biển cho tàu hậu cần nên nỗi chuyến biển trừ chi phí khoảng 70 triệu đồng, với 15-20 tấn cá, sau khi chia cho bạn thuyền anh lãi khoảng 50-60 triệu đồng.
“Nghề biển thì “hên xui”, chuyến nào trúng thì lãi khá, còn “kém” thì cũng đủ tiền chi phí nhiên liệu. Nhưng được cái lợi là tàu mình công suất lớn nên đi được xa, không phải mất công vào bờ mới bán được hàng nên cơ bản chuyến nào cũng có lãi”, anh Minh nói chắc nịch.
Nhờ bám biển cùng với những con tàu công suất lớn, gia đình anh Minh xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đầy đủ. Để xây dựng hậu cần nghề biển vững chắc, anh Minh cùng người em trai cũng đang đầu tư ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần cung cấp cho các chủ tàu trong địa phương.
Sau 20 năm “ngày biển dữ”, ký ức đau thương đã lùi xa, với ngư dân vùng TĐC ở Vinh Hiền, giờ là ước mơ được sống với nghề, xây dựng cơ nghiệp trên vùng đất mới. Ở đó, thấp thoáng những con tàu đi biển lớn, được sự hỗ trợ của Nhà nước và thấm đẫm mồ hôi nước mắt của ngư dân vùng biển.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã khẳng định, từ sau năm 1999 đến nay, tại địa phương đã xây dựng 5 khu TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn lũ lịch sử với 288 hộ dân, gần 1.400 nhân khẩu được di dời. Hiện tại, thu nhập bình quân của các hộ dân vùng TĐC đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm, đạt tiêu chí nông thôn mới.
Bài, ảnh: Hà Nguyên