ClockThứ Ba, 19/07/2016 14:08

Thanh niên tri điền - Bài 2: Đồng hành

TTH - Nhận thấy nhu cầu “lập nghiệp” từ những trang trại, gia trại chăn nuôi, của thanh niên nông thôn rất lớn, huyện Phong Điền đã tạo điều kiện vay vốn, cấp đất sản xuất cùng mở nhiều lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp cho thanh niên.

Thanh niên tri điền - Bài 1: Gia trại thỏa đam mê nông nghiệp

Tích lũy...

Ngồi trò chuyện, Thái Văn Tiến (thôn Bình An, xã Phong Xuân) nhớ mãi vụ nuôi đầu tiên năm 2013, tính số gà hao hụt, gia trại anh vừa hòa vốn! Theo Tiến, khó hiện nay, khi xảy ra dịch bệnh trên đàn nuôi, người chăn nuôi không chủ động xác định được bệnh gì. Công tác phòng, trừ thường chậm, không hiệu quả. Tiến chia sẻ: “Phương châm của mình là không biết thì hỏi ngay, hỏi cho bằng được. Mình không biết mà đưa vào chăn nuôi xem như… “đánh bạc” với trời. Mỗi chuyến đi tập huấn là một lần tích lũy kinh nghiệm”. Cũng nhờ kiến thức chăn nuôi tự tìm tòi, giờ đây, công việc chăn nuôi ở gia trại của Tiến, ngày một vững vàng hơn.

“Ông chủ” Tạ Quang Thiên bên máy gặt đập liên hợp của mình

 

Tiến cho rằng, học hỏi anh em cùng trang lứa làm gia trại hay từ những người có chuyên môn làm nông nghiệp sẽ rất bổ ích. “Buổi đầu, do “non” kỹ thuật, không chú ý đến nguồn nhiệt cho chuồng gà vào mùa mưa khi mất điện, dẫn đến thiệt hại. Sau này, mình gắn nhiệt kế trong chuồng, theo dõi, cấp nhiệt liên tục. Anh em làm trang trại, gia trại luôn giữ số điện thoại để liên lạc thường trực với nhau là vì thế”, Tiến lấy ví dụ.

Sau quá trình tích lũy vốn từ mô hình gia trại vừa, được sự hỗ trợ của gia đình, mới đây Tạ Quang Thiên (thôn Hiền An, xã Phong Sơn) đã đầu tư mua máy gặt liên hợp Kubota gần 600 triệu đồng. Không chỉ có mặt ở xứ đồng trong tỉnh, Thiên còn làm dịch vụ gặt đập liên hợp ra các tỉnh phía Bắc. Theo tính toán của Thiên, mỗi năm đến mùa vụ, gặt ở xứ đồng ngoại tỉnh, sau khi trừ chi phí xe vận chuyển, xăng dầu, nhân công 2 người phụ máy, lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài ra, Thiên còn mở thêm dịch vụ cho thuê xe đám cưới, xe du lịch gia đình. “Riêng vùng Phong Xuân, Phong Sơn này đã có khoảng chục trang trại của lứa thanh niên như tụi mình. Có người làm quy mô lớn, có người quy mô nhỏ hơn. Mong muốn chung của bọn mình vẫn là khát khao nguồn vay vốn, kỹ thuật. Bởi nguồn vay của địa phương quá ít ỏi, đầu tư không “thấm” vào đâu”, Thiên trải lòng.

Trao cơ hội

Ông Giáp Thanh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Sơn cho rằng: “Lớp thanh niên làm nông bây giờ rất siêng năng học hỏi. Ngoài tìm tòi kiến thức chăn nuôi trên sách báo, internet, những buổi hội nghị khách hàng, họ còn tìm đến các hội thảo, tập huấn tiêm phòng cho vật nuôi của các công ty, chính quyền địa phương tổ chức. Chính sự “tự học” cùng với sự hỗ trợ của địa phương, đoàn thể đã giúp thanh niên “chững chạc” hơn khi làm nông nghiệp”.

Ông Trần Văn Cân, Chủ tịch UBND xã Phong Xuân, cho hay: Khó khăn nhất của những trang trại, gia trại trên địa bàn hiện nay là nguồn vốn để phát triển sản xuất và quỹ đất. Những năm qua, ngoài việc hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn, địa phương cũng đã tăng cường rà soát, tạo điều kiện cấp đất, cho thuê đất đối với các hộ sản xuất nông nghiệp cũng như hoàn thiện thủ tục để các trang trại, gia trại có nhu cầu mở rộng thêm diện tích chăn nuôi và hình thành vùng chăn nuôi tập trung để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Đồng thời, địa phương cũng làm cầu nối với các doanh nghiệp, HTX nhằm tạo đầu ra sản phẩm ổn định, sản xuất bền vững cho các hộ chăn nuôi.

Anh Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư Huyện đoàn Phong Điền khẳng định: “Nhằm đồng hành với thanh niên trong lập nghiệp, nhân rộng mô hình mới giúp thanh niên phát triển kinh tế, trong những năm qua, đoàn thanh niên huyện, các xã cùng chính quyền cơ sở thường xuyên phối hợp với các kênh như: Trung tâm Khuyến NLN tỉnh, phòng NN&PTNT, HTX NN tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, chăn nuôi, nhất là đối với những người trẻ có niềm đam mê nông nghiệp. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn Ngân hàng CSXH. Qua đó, giúp đoàn viên, thanh niên tiếp cận và ứng dụng thành công tiến bộ KHKT phục vụ xây dựng mô hình điểm, các tổ hợp tác hay các trang trại, gia trại tại địa phương”.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, ngoài tạo điều kiện vay vốn, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng, cần hoàn thành cấp GCNQSDĐ lâu dài cho các trang trại để có điều kiện vay vốn và tăng cường chính sách khuyến khích liên kết kinh doanh, kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho các trang trại.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bé gái 7 tuổi bị chó dữ tấn công, vết thương sâu chạm xương cẳng tay

Ngày 5/5, BVTW Huế cho biết đang theo dõi, điều trị một bệnh nhi bị chó cắn nghiêm trọng. Đó là bé gái 7 tuổi ở khu vực 3 phường An Hòa, TP. Huế bị chó cắn với nhiều vết thương sâu phức tạp ở vùng cánh tay. Trong đó có vết thương nghiêm trọng chạm đến xương cẳng tay phải.

Bé gái 7 tuổi bị chó dữ tấn công, vết thương sâu chạm xương cẳng tay
Đồng hành để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập

Để người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng tốt hơn, công tác khuyến khích NKT tiếp cận và sống độc lập là vô cùng quan trọng. Từ đó, cùng chung với các hoạt động khác nâng cao chất lượng sống, giúp NKT vượt qua những rào cản và vươn lên.

Đồng hành để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập
Đồng hành điều ước của con

“Nếu ông Bụt giúp được điều ước của con sẽ trở thành hiện thực thì con xin được tiết lộ ạ. Hiện tại, bà nội con đang bị ung thư vú mà nhà con thì lại rất nghèo không thể lo tiền thuốc men để chữa trị cho bà được. Con rất lo cho bà nội của con”.

Đồng hành điều ước của con
Dấu ấn đảng viên trẻ

Xác định vai trò là đội dự bị tin cậy của Đảng, những năm qua, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã tập trung bồi dưỡng những đoàn viên ưu tú phấn đấu trở thành đảng viên trẻ tiêu biểu, là hạt nhân nòng cốt cho hoạt động Đoàn, Hội, Đội và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Dấu ấn đảng viên trẻ
Return to top