ClockThứ Năm, 27/05/2021 13:30

Từ “sản xuất lương thực” đến “nông nghiệp làm giàu”

TTH - Tại Hương Trà, nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang từng bước hình thành, với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN) ứng dụng CNC phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.

Liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ caoNông nghiệp sạch cần sự bứt phá

Đầu tư nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao tại Rơm Farm

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Để giải bài toán thiếu nước sản xuất vào mùa khô hạn, nhiều nông dân Hương Trà đã chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ tưới phun tiết kiệm nước trên các loại cây ăn quả đặc sản.

Thăm vườn thanh trà, bưởi cốm ở thôn Liên Bằng, xã Hương Thọ của ông Lê Đoàn, nhiều người không khỏi trầm trồ bởi vườn cây xanh mướt, quả phát triển đều đẹp, dù giữa mùa nắng nóng.

Ông Đoàn kể: “Mấy năm trước, vào mùa hè, nhiều vườn thanh trà, bưởi cốm ở đây thường xuyên thiếu nước tưới nên hiệu quả cây trồng không đạt. Sau khi nghiên cứu, tôi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước thay cho cách tưới tràn. Nhờ đó, cây được phân bổ nguồn nước đều đặn mà vẫn tiết kiệm được nguồn nước tưới”.

Tại TDP Cổ Bưu, phường Hương An, dự án nông nghiệp CNC của Công ty TNHH Khang Hân đang dần nên “hình hài”.

Trên diện tích 2,2ha, Rơm Farm có 4 khu nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, dưa lê Hoàng kim, rau củ quả chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên. 2 khu nhà lưới khác dành trồng xà lách, dâu tây thuỷ canh sắp triển khai. Diện tích còn lại Rơm Farm dành trồng bắp và một số loại cây trồng giá trị khác.

Giám đốc Công ty Khang Hân- Nguyễn Thị Đông Phương chia sẻ, năm 2020, chúng tôi quyết định đầu tư mô hình Farm ứng dụng công nghệ. Tiếc là các đợt mưa bão dồn dập năm qua đã phá huỷ toàn bộ các diện tích cây trồng, nhà lưới đã xây dựng.

Đến cuối năm 2020, công ty mới bắt tay làm lại với những khu nhà lưới, nhà màng kiên cố, trong đó, CNC được ứng dụng từ việc làm đất, phối trộn nguyên liệu để trồng cây, bón phân, theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh ánh sáng… Giờ đây, “chúng tôi đang hồi hộp chờ hái “quả ngọt” từ Rơm Farm”, bà Phương bày tỏ.

Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Rơm Farm còn áp dụng công nghệ tưới tự động, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao, quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, khắc phục được tính mùa vụ, giảm thiểu sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu và đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Theo bà Phương, trước mắt sẽ cung cấp sản phẩm ra thị trường, về lâu dài công ty sẽ liên kết tổ chức các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm tại nông trại.

Thời gian qua, tại địa phương, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ được triển khai thực hiện. Trong trồng trọt áp dụng mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP (ở Hương Toàn, Hương Vân, Hương An), các biện pháp tưới tiên tiến (ở Hương Bình, Hương Thọ, Hương Vân), ứng dụng máy bay phun thuốc không người lái phục vụ SXNN ở Hương Phong, Hương Văn; xây dựng các vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng theo chuỗi với mô hình liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh, Quế Lâm…

Chú trọng cây trồng chủ lực

Ứng dụng khoa học công nghệ vào SXNN tạo ra những sản phẩm nông nghiệp CNC được coi là xu hướng tất yếu trong điều kiện hội nhập và biến đổi khí hậu, đáp ứng việc phát triển nông nghiệp hiện đại.

Theo ông Trần Xuân Anh, Trưởng phòng Kinh tế thị xã, điều này đối với Hương Trà càng cần thiết hơn bởi nền nông nghiệp địa phương giàu lợi thế song vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, như: sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; phát triển theo số lượng, chưa hình thành các vùng sản xuất tập trung; không kiểm soát được chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dẫn đến giá trị cạnh tranh thấp.

“Đã đến lúc phải thay đổi tư duy “sản xuất lương thực” sang “nông nghiệp làm giàu” với trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng có lợi thế, tiềm năng, nhất là các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn ứng dụng công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng”, ông Xuân Anh nói.

Theo đó, các xã vùng gò đồi sẽ phát triển cây có múi, cây đặc sản; vùng đồng bằng bên cạnh mở rộng diện tích trồng cây lúa theo hướng VietGAP, địa phương thí điểm mô hình trồng cây dược liệu với hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để thay thế dần những cây trồng giá trị kinh tế thấp.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hương Trà Lê Hoài Nam cho biết, mới đây, trung tâm phối hợp triển khai trồng cây tràm gió với diện tích 6ha ở 3 phường Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn. Cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và 50% kinh phí cho người dân ở Bình Thành, Hương Bình trồng bưởi da xanh, cam Xã Đoài trên diện tích 10ha; Phòng Kinh tế thị xã phối hợp trồng hơn 50ha lúa theo hướng VietGAP ở Hương Toàn…

Hiện, ngoài phát triển các mô hình hợp tác liên kết trong sản xuất, thị xã còn có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi về đất đai, vốn và thị trường để mở rộng sản xuất.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm là mục tiêu xuyên suốt của TX. Hương Thủy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top