Rau thủy canh, mô hình mới trên địa bàn huyện Phú Vang
Nâng cao giá trị
Từ năm 2016, mô hình sản xuất giống lúa HT1, BT7 trên cánh đồng các HTX NN Thủy Tân, Thủy Phù (TX. Hương Thủy) thuộc dự án Xây dựng và Phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại các tỉnh miền Trung do Công ty CP Giống Cây trồng - Vật nuôi tỉnh (công ty) hỗ trợ triển khai trên địa bàn, mang lại triển vọng sản phẩm mang tính hàng hóa cho nông dân.
Mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các xứ đồng trồng lúa khác với giá bán khoảng 7,5 nghìn/kg lúa tươi, cao hơn các giống lúa truyền thống từ 1,5-2 nghìn đồng/kg. Bình quân 1 sào, nông dân thu được hơn 2,1 triệu đồng, trừ các chi phí khác, còn lãi khoảng 1 triệu đồng/sào. Sản phẩm được công ty bao tiêu, đảm bảo đầu ra ổn định.
Thông qua xây dựng mô hình ở Thủy Tân và Thủy Phù đã hình thành các tổ nhóm có sự liên kết giữa nông dân trong nhóm hộ, giữa nhóm hộ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ giống lúa.
Năm 2018, HTX NN Phú Lương 1 (Phú Vang) triển khai dự án “Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp” với sản phẩm lúa hữu cơ. Ngoài cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón hữu cơ, Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Quế Lâm còn bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ cho nông dân với giá cố định là 8.000 đồng/kg, cao hơn giá trị trường khoảng 1.000 đồng/kg.
Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (QLCLNLTS) tỉnh thông tin, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 ha lúa sản xuất theo mô hình hữu cơ, chất lượng cao, phần lớn tập trung ở các huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Ðiền. Các địa phương cũng đã xây dựng được 26 nhà lưới với tổng diện tích khoảng 20.000m2…
Giai đoạn 2012-2020, Chi cục QLCLNLTS tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí ngân sách hàng năm đảm bảo hỗ trợ đối với các mô hình sản xuất sản phẩm đặc trưng có lợi thế trên địa bàn toàn tỉnh. Trong lĩnh vực quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, đã có những thay đổi rõ rệt trong việc ứng dụng công nghệ cao, điển hình là việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp (SXNN) tiên tiến theo hướng VietGAP, GAP hoặc HACCP… vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Các sản phẩm đã từng bước nâng cao giá trị hàng hóa tại địa phương với các chứng nhận sản xuất tiên tiến, đa dạng hàng hóa và chủng loại, mở rộng thị trường tiêu thụ đến các tỉnh lân cận.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hữu cơ của tập đoàn Quế Lâm
Hình thành chuỗi sản phẩm
UBND tỉnh có Quyết định 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển SXNN thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở đó, các địa phương đã có các chính sách, quan tâm đầu tư kinh phí, đặc biệt là ngành nông nghiệp đã nhận định các mô hình SXNN công nghệ cao là nền tảng thí điểm để nhân rộng đến nông dân, tiến tới thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, áp dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất; từng bước định hướng xây dựng nền SXNN tiên tiến theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm vào SXNN; quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn; công tác phát triển thị trường nông sản cũng được quan tâm.
Ông Hồ Đăng Khoa đánh giá, sự liên kết của “4 nhà” trong SXNN ứng dụng công nghệ cao ngày càng chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu bày bán; sản xuất gắn với yêu cầu thị trường; sản phẩm bao gói đa dạng, mẫu mã, hình thức quy cách được quan tâm thiết kế, đầu tư phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Nông dân trên địa bàn tỉnh đa phần có thói quen canh tác truyền thống, tuy hạn chế về mặt tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới nhưng lại dễ thích nghi và tiếp thu các quy tắc và kỹ thuật cơ bản nếu được hướng dẫn chi tiết, phổ biến các mô hình mẫu. Đây là tiền đề để phát triển vùng nông nghiệp có áp dụng công nghệ cao, khu sản xuất tập trung tại địa phương.
Diện tích đất nông nghiệp tỉnh khá lớn nên có tiềm năng để phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao với các vùng sản xuất, canh tác tập trung, đặc biệt tại khu vực các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang.
Chi cục QLCLNLTS tỉnh đề xuất tiếp tục xây dựng chương trình phát triển SXNN ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, đặc biệt có chính sách hỗ trợ riêng đối với các sản phẩm đặc trưng từ trồng trọt như rau, củ, quả... Đối với lĩnh vực này việc ứng dụng công nghệ cao hiện nay còn rất nhiều hạn chế, lý do chủ yếu do nhóm đối tượng người sản xuất lĩnh vực trồng trọt chưa có điều kiện tiếp cận và triển khai việc ứng dụng công nghệ cao, ngại thay đổi và đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới phương thức.
Ông Hồ Đăng Khoa nhận định, chuỗi sản phẩm an toàn được hình thành cũng đồng thời nâng cao vị thế trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà kinh doanh đối với sản phẩm mình cung ứng ra thị trường, tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm do mình sản xuất, nếu giám sát ngẫu nhiên sản phẩm không đạt điều kiện an toàn thực phẩm thì áp dụng tài xử phạt hành chính và phương tiện truyền thông đại chúng nếu xảy ra vi phạm.
Bài, ảnh: Hà Nguyên