ClockChủ Nhật, 16/02/2020 16:08

Vào mùa biển mới

TTH.VN - Đã thành tục lệ, dịp tết là lúc những ngư dân đi biển “lấy ngày”. Năm nay trời thuận, sau đợt “hái lộc” khá thành công bây giờ ngư dân chuẩn bị bước vào mùa vụ mới với nhiều hy vọng.

Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dânTrúng vụ ghẹ giáp tếtCơ cấu thời vụ nuôi thủy sảnNhiều tàu cá “nằm bờ” vì thiếu lao độngCòn tàu, còn tất cả

Ngư dân Thuận An chuẩn bị cho hành trình vươn khơi mới

“Biển là nhà…”

Hạn ngạch khai thác xa bờ được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp cho Thừa Thiên Huế đã lấp đầy. Chính điều này khiến những ngư dân có nhu cầu đóng mới tàu cá không được thỏa nguyện vọng. Mặc dù vậy, họ vẫn có cách để nâng cao năng lực khai thác bằng việc đầu tư trang thiết bị, nâng cấp tàu cá, thậm chí thay tàu.

Gần 20 năm bám biển, anh Trần Công Hiếu (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) mưu sinh bằng con tàu có công suất 800 CV. Thời thế đổi thay, tàu của anh dần lạc hậu ở thời buổi mà công nghệ tàu cá phát triển như vũ bão. Trước thực tế đó, anh quyết định đăng kí đóng mới tàu cá có công suất khoảng  1.000 CV nhưng không được bởi giấy phép khai thác xa bờ mà trung ương cấp bây giờ đã hết. Anh Hiếu quyết định loại thải chiếc tàu cũ gắn bó với mình gần 2 thập kỷ để có giấy phép đóng tàu mới. Và, con tàu mới cứng, công suất 1.000 CV chính thức “đạp” nước vào cuối năm 2019.

“Sau Tết Canh Tý 2020, tàu của tôi sẽ bắt đầu một hành trình vươn khơi mới với nhiều hy vọng. Gia đình tôi bao đời nay lấy biển làm nhà nên khi đóng tàu mới tôi được gia đình ủng hộ. Ngoài số tiền từ việc bán con tàu cũ và tích cóp của bản thân, tôi phải vay ngân hàng, mượn người thân để đủ kinh phí đóng tàu và mua trang thiết bị”, anh Hiếu chia sẻ.

Tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), ngư dân tất bật chuẩn bị các nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi. Trong toàn tỉnh, Thuận An là địa phương có các đội tàu hậu cần nghề cá hùng hậu, hình thành nên những khu chợ sôi động trên biển. “Chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới, không chỉ tôi mà nhiều ngư dân khác đã cải hoán, nâng cấp tàu cá. Mỗi con tàu sau một năm dài đánh bắt đều hỏng hóc phải lên đà, tu sửa. Năm này, ngoài nâng cấp giàn đèn mới cứng, tôi còn trang bị thêm máy dò cá để tăng hiệu quả khai thác. Đá, xăng dầu và các loại nhu yếu phẩm khác đã đặt sẵn ở các đại lý, chỉ chờ ngày tàu xuất bến”, ông Nguyễn Văn Bình (tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An) nói.

Không phải bây giờ mà nhiều năm rồi, câu chuyện lao động biển sau tết là vấn đề đau đầu đối với các chủ tàu. Thực trạng thiếu lao động đi biển không chỉ diễn ra ở Thừa Thiên Huế mà hầu như khắp cả nước. Để  giải quyết vấn đề này, nhiều chủ tàu phải đặt hàng lao động từ trước tết bằng việc ứng trước tiền lương cho họ để trang trải cho những ngày tết. “Bây giờ, nhân lực đối với tàu rất quan trọng, bởi lao động nghề biển đang già hóa. Để thu hút được quân thì tàu cá đó phải ăn nên làm ra, đảm bảo được sinh kế của họ. Tuy nhiên, dù thừa hay thiếu , tàu cá cũng phải vươn khơi, bởi khối tài sản tiền tỉ không thể “đắp chiếu” ”, ông Bình cho biết.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng những tàu cá hy vọng một năm đánh bắt thành công

Nỗ lực vượt khó

2019 là năm khai thác, đánh bắt không mấy hiệu quả của ngư dân. Mặc dù sản lượng đánh bắt tăng so với năm 2018 nhưng những khó khăn về đầu ra lẫn giá cá chạm đáy khiến thu nhập của ngư dân bị ảnh hưởng đáng kể. Có thời điểm nhiều tàu cá thua lỗ vào vụ Nam khi cá nục dọng giảm chỉ còn 7-9 nghìn đồng/kg. Hàng nghìn tấn cá trong các kho lạnh của các cơ sở thu mua bị tồn đọng dài ngày.

Để giải quyết những khó khăn này, nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ, đa dạng hóa các nghề đánh bắt xa bờ. Ngoài các tàu đánh bắt, những tàu hành nghề dịch vụ hậu cần cũng trang bị ngư lưới cự, lưỡi câu, giàn đèn để bạn tàu có thể nâng cao thu nhập. “Những năm biển được mùa, những tàu hậu cần nghề cá chúng tôi làm việc hết công suất, không có thời gian chong đèn ban đêm để đánh bắt. Song, những năm trở lại đây, sản lượng đánh bắt không như ý muốn nên chúng tôi gặp khó khăn, nhiều chuyến biển trở về, bạn tàu không có thu nhập. Để bổ sung thu nhập cho lao động trên tàu, ngoài dịch vụ thu mua, tàu tui còn đầu tư thêm hệ thống câu mực, máy dò cá để đánh bắt. Ngoài ra, chúng tôi phải tìm mọi cách để mở rộng thị trường, đặt hàng, thu mua nguồn hải sản từ các tàu cá tỉnh bạn”, ông Trần Văn Dũng (thị trấn Thuận An) chia sẻ.

Đối với tàu đánh bắt, việc mở rộng ngư trường là yếu tố quan trọng để tăng sản lượng khai thác, góp phần vào việc bám biển bền vững. Ngư dân Nguyễn Văn Bình (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) bảo rằng, chính trong những thời điểm khó khăn, sự can trường của những con người bên chân sóng sẽ giúp họ níu lấy tình yêu với biển, kế thừa nghiệp ngư mà cha ông để lại. “Dù khó khăn thế nào thì ngư dân phải bám biển. Những năm qua, bởi khai thác không hợp lý nên thủy sản dần cạn kiệt, mùa vụ mới, ngoài mở rộng ngư trường chúng tôi phải có những phương pháp khai thác hợp lý để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đầu tư trang thiết bị để đánh bắt là cần thiết nhưng tình yêu với nghề nghiệp còn quan trọng hơn”, ông Bình tâm sự.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh thông tin, trong năm 2019, trước khi có văn bản về cấp giấy phép đánh bắt xa bờ đối với tàu cá thì toàn tỉnh có 7 chiếc tàu có công suất lớn được ngư dân đóng mới. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản lượng khai thác trong năm 2019 của ngư dân toàn tỉnh đạt hơn 40.000 tấn cho thấy bà con đã có nhiều nỗ lực. Bắt đầu năm mới, ngư dân vẫn đang trong quá trình khai thác vụ cá Bắc. Với sự mạnh dạn đầu tư về trang thiết bị, hy vọng những vụ cá trong năm nay sẽ bội thu”, ông Giang chia sẻ.

L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật”

Chiều 1/11, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp với Đoàn trường THPT Thuận An (TP. Huế) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật” cho học sinh của trường để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) năm 2024.

Hội thi “Rung Chuông vàng - Tìm hiểu pháp luật”
Chưa triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn

Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn một số tồn tại như chưa triển khai việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đồng bộ ở các địa phương, chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi và thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu.

Chưa triển khai đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn
Đảm bảo tiến độ khu tái định cư cho dự án cầu vượt cửa biển Thuận An

Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ Dự án (DA) khu tái định cư B5 thuộc hạ tầng Khu đô thị mới Thuận An (TP. Huế) nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng di dời bởi DA tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu vượt cửa biển Thuận An.

Đảm bảo tiến độ khu tái định cư cho dự án cầu vượt cửa biển Thuận An
Return to top