Người dân Quảng Điền tranh thủ thu hoạch cá ban đêm để tránh thiệt hại do nắng nóng
Rủi ro
Gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông Bồ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ ông Lê Quang Thạnh ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) cảm thấy sự “rủi ro thường trực” như những năm gần đây. Cứ vào mùa nắng nóng, hay mưa lũ, ông Thạnh lại nơm nớp âu lo trước tình cảnh cá chết, lũ cuốn bất cứ lúc nào.
Sau vài ngày cá lồng nuôi trên sông Bồ thuộc các xã Hương Toàn (TX. Hương Trà), Quảng Thọ (Quảng Điền) bị chết, thiệt hại hơn chục tấn, vào những ngày đầu tháng 7, cá nuôi trên sông Đại Giang của 35 hộ thuộc thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân (TX. Hương Thủy) cũng chết hàng loạt, thiệt hại hơn 40 tấn cá trắm, mè, chép.
Bà Nguyễn Thị Tằm ở thôn Hòa Phong nan giải: “5 lồng cá nuôi trên sông Đại Giang gần như là sinh kế chính của gia đình. Mấy năm nay cá thường xuyên bị chết được xác định do nắng nóng, thiếu ôxy, môi trường nước thay đổi gây thiệt hại từ 20-25 triệu đồng/năm”.
Không chỉ cá lồng nuôi trên các sông mà nhiều hộ dân còn “đánh liều” nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển trong mùa nắng nóng. Hậu quả tôm nuôi trên cát thường bị chết, vì nắng nóng, nhiệt độ cao, dịch bệnh. Mùa hè này, tại vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền) có đến hàng chục ha ao hồ nuôi tôm, chủ yếu của các hộ ở xã Phong Hải, Điền Hòa, Điền Lộc…
Người dân Quảng Thọ chăm sóc cá lồng mùa nắng nóng
“Đầu tháng 7, tôm nuôi tại nhiều ao hồ có dấu hiệu chết lai rai và mới đây đã bắt đầu chết hàng loạt, thiệt hại lớn”, chủ hồ nuôi tôm Nguyễn Hải Đăng ở thôn Hải Đông, xã Phong Hải (Phong Điền) thông tin.
Chi cục Thủy sản khuyến cáo, người dân cần chú ý các biện pháp kỹ thuật chống nóng cho thủy sản, tăng và duy trì độ kiềm trong ao, nâng cao sức đề kháng cho tôm và thường xuyên kiểm tra (trước và sau cơn mưa dông) để có các biện pháp xử lý kịp thời khi có các hiện tượng bất lợi xảy ra. Dự báo thủy văn về mực nước, dòng chảy trên các sông trong thời gian đến ít biến đổi và giảm thấp. Các hộ nuôi cá lồng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật tạo dòng chảy, tăng cường tạo ôxy, giải phóng khí độc (NH3, H2S,...) cho cá nuôi nhằm hạn chế rủi ro và thiệt hại.
Thời vụ và con giống
Theo Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, ông Hoàng Trọng Hiệu, quá trình nuôi thủy sản, việc ứng phó với nắng nóng khi thủy sản bị chết là giải pháp tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại, không mang tính bền vững. Thường khi xảy ra tình trạng cá chết, người dân chỉ đưa lồng ra xa bờ hơn, tổ chức các biện pháp tạo ôxy, vệ sinh môi trường lồng bè… cũng chỉ là biện pháp “cầm cự” trong khi chờ thương lái đến thu mua thủy sản.
Các biện pháp bảo vệ thủy sản trong mùa mưa lũ của người dân lâu nay cũng chỉ mang tính ứng phó nhất thời. Trước khi lũ xảy ra, người dân thường giằng neo lồng vào những gốc cây, hạn chế nguy cơ lũ cuốn trôi. Tuy nhiên biện pháp này chỉ ứng phó với những trận lũ nhỏ, lũ tiểu mãn, còn lũ lớn chảy xiết, các lồng bè khó có thể trụ được. Đó là chưa kể khi nước đầu nguồn đổ về gây ô nhiễm môi trường, thủy sản thường không kịp thích nghi, chết hàng loạt gây thiệt hại lớn.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, để đảm bảo theo yêu cầu, khuyến cáo của các chuyên gia, ban ngành chức năng, chính quyền địa phương cần sớm quy hoạch vùng nuôi; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định về khung lịch thời vụ, con giống, mật độ nuôi hợp lý. Chính quyền địa phương có biện pháp quản lý vùng nuôi, khung lịch thời vụ, nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời các hộ nuôi không đúng quy định…
|
Bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, trước hết cần tập trung quy hoạch vùng nuôi thủy sản nói chung một cách hợp lý, đảm bảo về cơ sở hạ tầng như điện, nước, đê bao, thủy lợi, giao thông… Riêng với khu vực nuôi cá lồng trên các sông cần phải khảo sát các điều kiện như độ sâu cần thiết, hợp lý, môi trường đảm bảo không bị ô nhiễm.
Theo TS. Mạc Như Bình, Khoa Thủy sản, Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế, ngoài quy hoạch vùng nuôi, cơ sở hạ tầng, các địa phương, ban ngành cần phải tính toán ngay về khung lịch thời vụ nuôi, đảm bảo tránh cả mùa nắng nóng và lũ lụt. Lâu nay nuôi cá lồng trên các sông như cá trắm, mè, chép (8-9 tháng thu hoạch), thường người dân thả giống từ đầu năm (tháng 2), đến cuối năm mới thu hoạch. Với lịch thời vụ này sẽ “dính” cả thời điểm nắng nóng và bão lũ.
Ông Bình hiến kế: Với tôm nuôi trên cát ven biển chỉ nên tập trung vào hai thời điểm, thích hợp nhất là thả giống vào tháng 8, đến tháng 12 thu hoạch; sau khi thu hoạch xong tiến hành cải tạo ao hồ, xuống giống ngay và đến tháng 4-5 năm sau thu hoạch sẽ tránh được mùa nắng nóng cao điểm. Đối với cá lồng nuôi trên các sông Bồ, Đại Giang, Ô Lâu, kể cả các hồ thủy lợi, thủy điện… nên thả giống ngay sau khi mùa lũ đi qua, đến tháng 5-6 năm sau tiến hành thu hoạch sẽ tránh được cả nắng nóng và lũ lụt.
Lưu ý đến kích cỡ con giống khi thả, vì các loại cá lồng, trắm cỏ, chép, diêu hồng… thường 8-9 tháng mới thu hoạch nên phải mua giống kích cỡ lớn hơn so với trước đây nhằm đảm bảo nuôi sau 6-7 tháng cho thu hoạch.
Bài, ảnh: Hoàng Triều