ClockThứ Sáu, 26/08/2016 05:51

Xanh hóa vùng cát Ngũ Điền

TTH - Ai đã từng sinh sống ở vùng cát Ngũ Điền (Phong Điền) chắc hẳn rất vui khi vùng cát hoang vu ngày nào, giờ đã phủ màu xanh của những cánh rừng keo, dương liễu. Rừng không chỉ chống cát bay, sa mạc hóa mà còn chắn gió, bảo vệ mùa màng.

Tiến sĩ Hà Xuân Vấn, hiện công tác tại Trường đại học Kinh tế Huế, không bao giờ quên kỷ niệm một thời giảng dạy tại vùng Ngũ Điền cách đây 40 năm. Một trong những kỷ niệm mà đến nay vẫn còn hằn in trong ký ức của thầy là mỗi lần đến lớp, phải băng qua độn cát mênh mông. “Vùng cát Ngũ Điền hồi đó không một bóng cây. Cứ mỗi lần đi bộ qua độn cát, các giáo viên phải mang theo một chùm lá cây, vừa che nắng, che cát bay vào mắt và lót đôi chân mỗi khi nóng quá sức chịu đựng…”, thầy Vấn kể.

Rừng che chắn đường làng, bảo vệ mùa màng

Ngay cả chúng tôi, cách đây chừng hai mươi năm, cũng từng nếm trải “vị đắng” của cát và gió Lào mỗi khi băng qua độn cát để đến trường. Nguyễn Mạnh - bạn tôi, hiện công tác tại UBND xã Phong Hải (Phong Điền) đến nay vẫn còn ám ảnh. “Ngán nhất là vào lúc tan học, khoảng 11 giờ trưa. Đói bụng còn chịu được, chứ cát nóng bỏng chân, lại không có một cây cối nào tỏa bóng mát, khiến nhiều bạn chưa kịp đi bộ về đến nhà đã bị chảy máu mũi. Hồi đó, chúng tôi mong muốn, giữa vùng cát mênh mông ấy, chỉ cần lác đác vài bóng cây thôi cũng có thể làm vơi dịu cái nắng sau mỗi buổi tan trường…”, Mạnh tâm sự.

Nếm mùi gian khổ một thời, nên giờ đây, bất cứ ai đã từng đến Ngũ Điền, hay sinh sống ở đây, đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng cát hoang vu ngày nào. Mới đây, có dịp dẫn thầy Hà Xuân Vấn về thăm lại bạn bè, học sinh và trường cũ,  Ngay cả khi đã đặt chân trên vùng cát Ngũ Điền, thầy vẫn không nhận ra đây chính là nơi một thời “chinh chiến”. “Ngũ Điền hôm nay thay đổi nhiều quá!. Tôi không những vui trước đời sống đi lên của bà con, mà còn ấn tượng cả màu xanh ngắt của cây rừng phủ kín vùng cát trắng”, thầy Vấn xúc động.

Rừng trên cát ở Ngũ Điền

Chừng 5-7 năm trở lại đây, vùng cát hoang vu rộng lớn hàng ngàn ha, trải dài từ xã Phong Hải đến cuối xã Điền Hương (Phong Điền), đã phủ xanh những cánh rừng keo, dương liễu. Hai bên đường quốc phòng ven biển được xây dựng cách đây hơn 5 năm, cũng đã phủ xanh bằng những loại cây này. Cán bộ văn phòng UBND xã Phong Hải - Nguyễn Mạnh nói: “Giờ đây, không chỉ có đường sá đi lại thuận lợi, mà hai bên đường còn có cây cối xanh tốt, tạo cảnh quan, bảo vệ đường và tỏa bóng mát”.

Chủ tịch UBND xã Phong Hải-Phan Khánh cho biết, thực hiện chủ trương trồng rừng chắn sóng, chống cát bay, khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương từng bước mở rộng diện tích rừng trên cát. Tổng diện tích rừng toàn xã đến nay khoảng 100 ha, giao cho cho một số đơn vị, doanh nghiệp, Đồn Biên phòng Phong Hải và người dân quản lý, bảo vệ. Các doanh nghiệp khai thác titan trồng phục hồi hàng chục ha rừng trên địa bàn, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn xã khoảng 50%... góp phần phòng, chống sạt lở bờ biển, che chắn, bảo vệ cho hơn 100 ha ao hồ nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.

Ông Hoàng Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Môn chia sẻ, địa phương được hưởng chính sách từ dự án trồng rừng 661, triển khai từ năm 2001. Từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ dân tham gia trồng, tạo thuận lợi cho địa phương phát triển rừng trồng trên địa bàn. Cùng với rừng phòng hộ do xã quản lý, trên địa bàn có khoảng 300 ha keo được bàn giao cho 200 hộ trồng và bảo vệ. Đến nay, độ che phủ rừng trên cát tại Điền Môn khoảng 40%, không chỉ bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn mang lại thu nhập cho người dân. Bình quân mỗi ha ước tính khoảng 30-40 triệu đồng. Theo ông Hoàng Ngọc Bảo, chức năng chính của trồng rừng trên cát, ven biển chủ yếu là phòng hộ, bảo vệ sản xuất, khu dân cư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền  Nguyễn Văn Cho cho biết, vùng cát nội đồng, ven biển là tiểu vùng sinh thái khắc nghiệt, có nguy cơ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Mối đe dọa lớn nhất hiện nay là tình trạng sạt lở bờ biển, hiện tượng cát bay, hoang mạc hóa… 10 năm trở lại đây, thông qua các chương trình, dự 661, việc khắc phục hậu quả khai thác titan, các địa phương, doanh nghiệp, người dân vùng Ngũ Điền đã trồng rừng keo, phi lao… Tình trạng cát bay, cát nhảy, hiện tượng hoang mạc hóa ở vùng Ngũ Điền được đẩy lùi. Toàn vùng có khoảng 450 ha ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, bò, dê… đã và đang hình thành, phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc vực dậy tiềm năng kinh tế vùng cát Ngũ Điền trong mấy năm gần đây, một phần nhờ sự che chắn, bảo vệ từ những cánh rừng.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hệ thống vùng ở Ngũ Điền (Phong Điền) nói riêng và các xã Quảng Ngạn, Quảng Công (Quảng Điền), Hải Dương (TX Hương Trà) và các xã ở Phú Vang, Phú Lộc một thời bị hoang hóa, giờ đây đã được phủ xanh cây rừng. Tính từ năm 2000 đến nay, các địa phương đã trồng và chăm sóc khoảng 4.600 ha rừng trên cát ven biển và vùng cát nội đồng. Đồng thời trồng cây bảo vệ đê cát ven biển và ven phá với chiều dài 5.210m…

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện

Đó là khẩu hiệu được Bệnh viện Trung ương Huế cụ thể hóa từ phát động của Bộ Y tế. Nhiều hoạt động xây dựng môi trường trong lành, thân thiện, góp phần khống chế dịch bệnh, mang lại cả lợi ích cho thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Xanh như công viên, sạch như bệnh viện
“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng
Return to top