Thương hiệu gạo hữu cơ Phong Điền được người tiêu dùng đón nhận
Năm 2016, mô hình sản xuất lúa hữu cơ bắt đầu được triển khai trên diện tích trồng lúa truyền thống tại xã Phong Hiền và giao cho HTX Nông nghiệp An Lỗ thực hiện. Từ diện tích ban đầu 8ha/vụ, đến nay HTX đã phát triển lên 16 ha/vụ, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 40 tấn gạo hữu cơ.
Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ, ông Nguyễn Ba cho rằng, khác với sản xuất lúa truyền thống (gieo mạ trực tiếp và phun thuốc diệt cỏ lên đồng ruộng), sản xuất lúa hữu cơ thực hiện theo phương pháp gieo mạ trên khay (khay nhựa), sau đó đưa đi cấy bằng máy, làm cỏ bằng máy và chỉ sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học bằng thảo mộc nên bảo vệ được môi trường và không gây tác hại cho người nông dân, tạo sản phẩm sạch cho người sử dụng. So với sản xuất lúa truyền thống thì lúa hữu cơ có lợi nhuận thấp hơn do năng suất chưa cao, từ 1,5- 2 tạ/500m2.
Theo ông Ba, quy trình sản xuất lúa hữu cơ những năm đầu thường có năng suất thấp do diện tích đất trước khi sản xuất lúa hữu cơ bị tác động bởi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên chưa có độ mùn, sau vài năm sẽ cải thiện và năng suất cao dần. Hơn nữa, những năm đầu người dân chưa quen với phương pháp sản xuất hữu cơ nên tốn công, mất sức, sau 3 năm triển khai, người dân đã làm quen với các thiết bị máy móc, thuần thục cách gieo mạ nên sang năm 2019, chắc chắn năng suất sẽ cao hơn.
Ông Trương Khiết trú tại xã Phong Hiền chia sẻ, trước đây sản xuất lúa truyền thống người nông dân thường xuyên tiếp xúc với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ ngày chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, bà con yên tâm hơn vì chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bằng thảo mộc, đồng thời sử dụng gạo hữu cơ nên khá yên tâm về chất lượng. Mặc dù năng suất chưa cao bằng sản xuất lúa truyền thống, song đa số người dân đều ủng hộ và chuyển dần diện tích trồng lúa truyền thống sang hữu cơ để bảo vệ sức khỏe và có cơ hội sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch bảo vệ sức khỏe gia đình.
Để mở rộng diện tích lên 20ha/vụ vào năm 2019, hiện UBND xã Phong Hiền đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhằm cách ly với diện tích ruộng truyền thống, tránh những tác động của phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật gây tác động đến môi trường. Cùng với việc mở rộng diện tích, đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất, HTX Nông nghiệp An Lỗ đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các trường mầm non trên địa bàn huyện và các đại lý gạo trong tỉnh nên sản xuất chừng nào tiêu thụ hết chừng đó.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền Nguyễn Văn Dũng cho rằng, ưu điểm của mô hình sản xuất lúa hữu cơ đó là giảm thiểu tác hại đến môi trường do trong quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người dân. Qua 3 năm triển khai, hiện sản phẩm gạo hữu cơ được người tiêu dùng đón nhận, người nông dân hào hứng tham gia sản xuất.
Ông Dũng cho biết, để triển khai thực hiện mô hình này, địa phương đã đầu tư trên 3 tỷ đồng trang bị máy cấy, máy làm cỏ, khay nhựa và tổ chức nhiều khóa tập huấn làm mạ khay, hỗ trợ vốn xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, vật tư, phân bón… Đây là nguồn hỗ trợ của UBND huyện và ngân sách địa phương. Hiện, xã đang vận động người dân chuyển dần từ sản xuất lúa truyền thống sang hữu cơ nhằm bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời xây dựng đề án sản xuất các sản phẩm nông sản sạch khác đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho, mô hình sản xuất lúa hữu cơ triển khai thí điểm tại xã Phong Hiền đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Song, mô hình này cần nguồn kinh phí rất lớn nên huyện chưa thể nhân rộng tại các địa phương khác, mà đang vận động người dân trong xã mở rộng diện tích, áp dụng đúng các phương pháp gieo trồng để tạo thương hiệu gạo hữu cơ Phong Điền. Hiện, UBND huyện đã hỗ trợ trên 200 triệu đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm tại khu vực An Lỗ nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ cũng như các loại nông sản sạch, đặc sản làng nghề do người dân trên địa bàn huyện sản xuất đến với người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Thanh Hương