|
Mô hình trang trại bò an toàn |
Mặc dù bước đầu hình thành một số mô hình chăn nuôi ATSH, hữu cơ của các công ty, doanh nghiệp, hộ cá nhân nhưng nhìn chung lâu nay phương thức chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh được nhận định, đánh giá thiếu an toàn. Hầu hết các hộ chăn nuôi GSGC quy mô nhỏ lẻ đều chưa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kể cả các trang trại quy mô lớn.
Thực tế cho thấy, GSGC bị bệnh, chết rải rác vẫn còn xảy ra tại một số địa phương trong thời gian qua. Kể cả tại trang trại được đánh giá cao về việc chấp hành phương thức, kỹ thuật nuôi an toàn, nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Mặc dù sau đó, dịch bệnh đã được khống chế, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát bất cứ lúc nào.
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi và thú y liên tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn ngừa dịch bệnh trên đàn GSGC. Trong đó, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin toàn tỉnh đạt 80% trong diện tiêm. Các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, những nơi có nguy cao, ổ dịch cũ… được triển khai thường xuyên nhằm ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra trên cả nước, đặc biệt vẫn còn 20 tỉnh (đến ngày 17/6) vẫn chưa qua 21 ngày khiến nguy cơ tái dùng phát dịch trên địa bàn tỉnh rất cao. Trước tình hình này, phương thức chăn nuôi ATSH, hữu cơ được xác định là hướng đi phù hợp, tất yếu đối với ngành chăn nuôi và thú y.
Trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ, theo phương thức truyền thống, thông thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh thì chăn nuôi hữu cơ, ATSH của một số doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối. Mô hình chăn nuôi lợn, gà, bò hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm (TĐQL) tại một số địa phương, kể cả miền núi A Lưới mấy năm nay vẫn đảm bảo an toàn, không có dấu hiệu xảy ra dịch bệnh.
Ông Tôn Thất Thạnh, phụ trách chăn nuôi thuộc TĐQL khẳng định, chăn nuôi ATSH, hữu cơ là hướng đi tất yếu trên toàn thế giới. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, chăn nuôi hữu cơ lần đầu tiên được áp dụng do TĐQL thực hiện. Với phương thức, mô hình chăn nuôi lợn, bò hữu cơ hoàn toàn sử dụng thức ăn sạch, hữu cơ, an toàn, quá trình nuôi không sử dụng bất cứ các loại hóa chất nào.
Đến nay, TĐQL đã hình thành các chuỗi mô hình nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn có hiệu quả, trong đó có chăn nuôi gia súc thu hút hàng trăm hộ gia đình tham gia với tổng đàn lợn trên 3.500 con, trong đó lợn nái gần 500 con và lợn thịt trên 3.000 con. Mới đây, TĐQL liên kết với các hộ ở huyện miền núi A Lưới triển khai thí điểm chăn nuôi 40 con bò hữu cơ và tại Tổ hợp 4F.
Thông qua mô hình chăn nuôi của TĐQL góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhiều hộ chăn nuôi và người tiêu dùng trong việc thay đổi tư duy sản xuất, sử dụng nông sản hữu cơ, sạch, an toàn. Dưới sự dẫn dắt, hỗ trợ của TĐQL, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đang tổ chức chăn nuôi GSGC hữu cơ, ATSH. Nhiều người tiêu dùng từng bước hướng đến sự lựa chọn sản phẩm an toàn, hữu cơ như là điều tất yếu. Đây là lợi thế, cơ hội để chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu an toàn sang chăn nuôi hữu cơ, ATSH.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh GSGC diễn biến phức tạp, khó lường thì chăn nuôi GSGC ATSH, hữu cơ là hướng đi tất yếu hiện nay. Ngành chăn nuôi và thú y đang tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi trong việc tái đàn lợn đảm bảo ATSH. Chăn nuôi ATSH, hữu cơ, tiên tiến ít dùng nước, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh trong chăn nuôi nhằm giảm phát thải khí nhà kính là điều kiện bắt buộc. Mô hình sản xuất công nghiệp khép kín, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại, doanh nghiệp, khuyến khích phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng tuần hoàn, hữu cơ đang từng bước nhân rộng.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 42 hộ và hai hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, liên kết chăn nuôi GSGC hữu cơ theo chuỗi giá trị với 300 con lợn nái, 6.000 con lợn thịt. Ngoài ra, còn có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, liên doanh, liên kết với các công ty theo chuỗi giá trị như Công ty Mavin, 3F Việt, Quế Lâm, Bảo Nguyên, Lam Điền, Hoàng Vân, C.P. Việt Nam, Greenfeed. Có một trang trại lợn hữu cơ tại Tổ hợp chăn nuôi 4F với quy mô 100 con lợn nái, 2.200 con lợn giống, lợn thịt.