ClockThứ Ba, 09/04/2019 09:37

Xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 4,2 tỷ USD

TTH.VN - Để đạt mục tiêu xuất khẩu tôm từ 4,1 - 4,2 tỷ USD trong năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã yêu cầu các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm khai thác tốt nhất các cơ hội cho ngành tôm.

Cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Trung QuốcMục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD: Làm thế nào để tôm Việt có thẻ vàng, thẻ xanh vào Mỹ, châu Âu?Giá tôm tăng, Việt Nam đẩy mạnh nuôi tôm có kiểm soátCơ hội mới nâng kim ngạch xuất khẩu

Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Cụ thể, đối với các địa phương, doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu tổ chức nghiên cứu, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại kế hoạch ngành tôm năm 2019; đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị tôm, coi đây là yếu tố sống còn để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị.

Các địa phương, doanh nghiệp cần áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác ở tất cả các khâu của các loại hình sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất, giữ được môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm tốt nhất, bền vững nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu địa phương, doanh nghiệp tăng cường kiểm soát chất lượng của toàn chuỗi giá trị từ con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, đến quy trình sản xuất, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Đồng thời, các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa đến chế biến sâu, tận dụng tối đa công suất của các nhà máy hiện có để tạo ra sản phẩm tôm có giá trị gia tăng cao, đa dạng, phù hợp với người tiêu dùng; tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm, củng cố thị trường truyền thống, mở các thị trường mới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong phối hợp, hỗ trợ ngành tôm phát triển bền vững.

Cụ thể, Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy sản tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp... để có biện pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời; giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất ngay các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ tôm, đặc biệt là các giải pháp phát triển xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 trước bối cảnh nguồn cung thế giới tăng cao do được mùa, giá tôm sụt giảm từ 10 - 30% nhưng ngành tôm Việt Nam đã kịp thời có giải pháp ứng phó, chia sẻ khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Qua đó, sản lượng tôm nước lợ đạt trên 762.000 tấn, tăng 6,3% so với năm 2017, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Năm 2019, ngành tôm được dự báo là sẽ đối mặt với những thách thức mới như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo sẽ sụt giảm, dẫn đến lượng tiêu thụ tôm có thể giảm trong khi lượng tôm tồn kho vẫn còn. Biến đổi khí hậu và thời tiết đang có những diễn biến khó lường như hiện tượng El nino, hạn hán, xâm nhập mặn... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất tôm. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ có tác động đến các thị trường nhâp khẩu tôm của Việt Nam.

Bên cạnh những thách thức, ngành tôm vẫn có cơ hội với nền tảng về tiềm năng, lợi thế tự nhiên, với đội ngũ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu. Cùng đó, với sự quyết tâm vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống từ Trung ương đến địa phương; những quy định mới, tiến bộ, phù hợp với thực tế của Luật Thủy sản 2017 sẽ tạo đà cho sản xuất phát triển. Ngoài ra, các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết có hiệu lực sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực

Trong những năm gần đây, tầm quan trọng của vaccine đã và đang được nhấn mạnh. Đại dịch COVID-19 đã phơi bày khoảng cách về năng lực của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi nói đến đảm bảo tiếp cận vaccine kịp thời. Tương tự như các khu vực khác, ASEAN đã nhận ra nhu cầu cấp thiết phải tăng cường hệ sinh thái/cơ sở hạ tầng vaccine bằng cách sử dụng sáng kiến An ninh và Tự lực vaccine (AVSSR) để đối phó với những vấn đề này.

ASEAN hướng đến mục tiêu an ninh và tự lực vaccine cho khu vực
Return to top