Chăm sóc rau màu đầu năm
Nhộn nhịp
Trước đây, cứ đến mồng 4 tết, nghe tiếng phèng la (nhạc khí gõ bằng đồng thau) vang lên là ba mẹ, anh chị tôi lại mang theo cuốc, mạ… ra đồng đầu năm. Bẵng đi khá lâu, tục nghe tiếng phèng la ra đồng đầu năm dường như không còn nữa, thay vào đó, mọi người lại chủ động việc nhà chọn giờ tốt, ngày tốt ra đồng.
Chị Phạm Thị Vân, xã Điền Hải, huyện Phong Điền vụ này ra đồng đúng ngày mồng 5 tết. Chị bảo: “Tết đưa ông bà về ăn tết thì phải đợi đưa ông bà đi mình mới ra đồng. Năm nay, gia đình làm gần 6 sào ruộng. Đầu vụ do mưa, rét nên chậm thời vụ so với dự tính, gần cuối năm mới xong việc gieo cấy. Vì thế, những ngày đầu năm mới, gia đình chị phải tranh thủ cấy dặm lại những đám lúa bị chết, sạ chưa đều. Chồng chị thì tranh thủ cho nước vào ruộng để chiều đến sẽ tiến hành làm cỏ.
Cánh đồng ngày đầu năm khá đông vui, nông dân tất bật với việc làm cỏ, bón phân, dặm và điều tiết nước cho cây lúa. Sau tết nắng ấm là thời điểm thuận lợi để bà con nông dân bón thúc, giữ nước, giúp cây lúa đẻ nhánh đều. Cùng với đó, nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa, bởi nếu lơ là, ruộng bị khô nước hoặc bị sâu bệnh phá hoại sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cả một vụ.
Tại vùng trọng điểm lúa Quảng Điền, cánh đồng lúa cũng nhộn nhịp tiếng nói cười, những lời chúc đầu năm. Với hơn 4.500 ha lúa vẫn hoàn thành gieo cấy trước tết, hiện hơn nửa diện tích đã đẻ nhảnh, số diện tích còn lại người dân đang tiến hành tỉa, dặm.
Thăm một vòng các xứ đồng trong huyện, ông Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền chia sẻ, thời điểm sau tết nắng ấm những vùng lúa gieo sạ sớm cây lúa đã bén rễ mạnh, đẻ nhiều cây con ở gốc lúa chính, vùng mới gieo sạ, lúa đang bén rễ. Bên cạnh việc tỉa dặm ở những xứ đồng mới gieo sạ trước tết người dân cần tăng cường bón thúc cho lúa xanh, đẻ nhánh đều. Với những trà gieo sớm cần đưa nước vào ruộng, tỉa dặm, bón 30% lượng phân NPK chuyên dùng cho lúa. Để đảm bảo lúa đạt năng suất cao, huyện đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn bà con tuân thủ đúng lịch thời vụ, nhất là trong các công đoạn chăm sóc. Cùng với đó, động viên bà con tích cực bám đồng ngay từ những ngày đầu của năm mới này.
Với những vùng rau, người dân cũng tập trung chăm sóc, thu hoạch đầu năm tranh thủ thời điểm rau đang được giá. Anh Trần Văn Cư, thôn Thành Trung, Quảng Thành nhanh tay nhổ đám cải cho vào rổ để vợ bó kịp chuyển cho các mối hàng. Năm nay, 3 sào rau của gia đình thu hoạch đúng dịp tết, rau phát triển tốt giá lại cao gấp đôi ngày thường. “Rau được giá, gia đình tôi ăn tết cũng vui hơn. Sau 3 ngày cho mình thảnh thơi sau 1 năm miệt mài lao động, chúng tôi cũng tranh thủ ra đồng, chăm sóc rau cho kịp vụ mới. Nhìn quanh ai cũng phấn khởi cả, hi vọng vùng rau này sẽ được phấn khởi cả năm”- Anh Cư nói.
Chủ động phòng bệnh
Nắng ấm đầu xuân, cây lúa phát triển mạnh cũng là lúc nhiều đối tượng hại lúa xuất hiện như: chuột, sâu bọ cùng các loại bệnh như đạo ôn, trắng lá… phát triển mạnh. Việc thăm đồng trong giai đoạn này sẽ giúp phát hiện sớm các loại sâu bệnh để chủ động phòng trừ kịp thời, giúp cây lúa cho năng suất cao và giảm chi phí sản xuất.
Ông Lê Văn Thứ, Giám đốc HTX Đông Phú (Quảng Điền) cho biết: “Vụ này, HTX phải gieo cấy lại hơn 63 ha do ngập úng, mặc dù đã hoàn thành lịch thời vụ theo đúng kế hoạch nhưng do người dân không thay đổi cơ cấu giống theo khuyến cáo nên sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến năng xuất. Chưa kể, năm nay không có lụt nên chuột phát triển mạnh, chỉ tính riêng những ngày nghỉ tết chuột đã phá hư hỏng nặng trên 3 ha, các diện tích còn lại đều gây lại nhưng với tỷ lệ thấp hơn...".
Theo ông Thứ, để đảm bảo năng suất lúa, việc trước mắt HTX sẽ tập trung diệt chuột, vào ngày mồng 6 tết sẽ tiến hành đợt diệt chuột thứ 7. Nếu được, chính quyền các cấp nên huy động các đoàn thể, người dân tham gia diệt chuột cùng HTX sẽ góp phần hạn chế chuột gây hại trên cánh đồng, đảm bảo một mùa vụ thắng lợi.
Theo cảnh báo cảnh báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình sinh vật gây hại trước, trong và sau tết diễn biến phức tạp. Trên cây lúa có 785 ha nhiễm ốc bươu vàng với mật độ 1-3 con/m2, nơi cao 15-20 con/m2, trong đó diện tích nhiễm trung bình 380 ha, diện tích nhiễm nặng 50 ha. Chuột phát triển mạnh với diện tích nhiễm 165 ha, tỷ lệ hại 3-5%, nơi cao tỷ lệ hại 30-50%, trong đó diện tích nhiễm trung bình 40 ha, diện tích nhiễm nặng 5 ha. Các đối tượng sinh vật gây hại khác như: bệnh đạo ôn, dòi đục nõn, rệp muội,… gây hại mật độ và tỷ lệ bệnh thấp. Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên các giống nhiễm (Nếp, Xi23, X21, ...) khi thời tiết nắng ấm, đêm và sáng có sương mù.
Các địa phương, HTX cần quan tâm chỉ đạo sản xuất trồng trọt và quản lý các đối tượng sinh vật gây hại sau Tết Nguyên đán. Nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo đẩy nhanh tiến độ chăm sóc, tỉa dặm và bón phân thúc, điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sinh vật gây hại.
Bài, ảnh: Hoàng Loan