Chằm nón cũng có thể đưa vào tour trải nghiệm du lịch cộng đồng khi Thủy Thanh xây dựng nhãn hiệu tập thể
Cùng với sen Huế, áo dài truyền thống Huế, làng du lịch cộng đồng Thanh Toàn sẽ là đối tượng được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tạo lập NHTT. Nỗ lực này nhằm thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác NHTT làng du lịch cộng đồng Thanh Toàn, nâng cao giá trị, danh tiếng của sản phẩm mang NHTT trên thị trường, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân trong việc sử dụng NHTT.
Xã Thủy Thanh có nhiều lợi thế để phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng. Chỉ cách trung tâm TP. Huế khoảng 8km, nhưng vùng quê này còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống rung động lòng người, như: không gian làng mạc, cánh đồng lúa, sông ngòi, các thiết chế văn hóa dòng tộc và nếp sinh hoạt bình dị của con người…Với sự hỗ trợ của Sở Du lịch, tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Thủy Thanh đã củng cố lại hoạt động của Nhà trưng bày Nông cụ, thành lập bản đồ và các tour du lịch cộng đồng về làng.
Người dân Thủy Thanh ngày càng mạnh dạn hơn với các hoạt động dịch vụ du lịch. Một số hộ gia đình chủ động kết nối và tổ chức các tour du lịch cộng đồng, tạo nguồn thu nhập chính cho gia đình. Trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2017, điểm du lịch cộng đồng Thanh Toàn là một trong ba đơn vị được nhận giải Khu du lịch cộng đồng ASEAN. Giải thưởng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, làm hài lòng du khách của các hộ dân, các đơn vị làm du lịch, địa phương, doanh nghiệp du lịch.
Người có ý tưởng đề nghị xây dựng NHTT cho làng du lịch cộng đồng Thanh Toàn là ông Nguyễn Đình Ân, Giám đốc Công ty cổ phần Huế Của Ta, đồng thời là Giám đốc HTX dịch vụ du lịch Thanh Toàn. Với kinh nghiệm của một hướng dẫn viên, lại được tham gia tư vấn cho ILO khi tổ chức này hỗ trợ người dân Thủy Thanh phát triển du lịch cộng đồng, Nguyễn Đình Ân đã nhìn thấy những giá trị văn hóa hiếm nơi nào có của Thủy Thanh. Để những giá trị ấy thực sự là động lực thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững, giải pháp lý tưởng nhất là xây dựng NHTT và được xác lập sở hữu trí tuệ.
"Xây dựng NHTT, làng du lịch Thanh Toàn sẽ được nhận diện và chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ sở quan trọng để những ai tham gia tạo lập sản phẩm phát triển thương hiệu. Sản phẩm của làng trước khi ra thị trường được gắn mác, xác định nguồn gốc rõ ràng. Mặt khác, nếu làng được xây dựng NHTT về hoạt động du lịch, chắc chắn người dân sẽ có ý thức, có động lực để tham gia lĩnh vực này tốt hơn”, ông Nguyễn Đình Ân nói.
“Nhưng nếu người dân không coi mình là chủ thể của chính NHTT ấy thì sự xác lập này không có ý nghĩa cho sự thúc đẩy phát triển du lịch”, ông Nguyễn Đình Ân nhấn mạnh. Ông Ân phân tích: NHTT sẽ có bộ tiêu chí cụ thể cho sản phẩm. Nếu người dân không coi mình là chủ thể để cùng hoàn thiện, phát triển những tiêu chí đó, mạnh ai nấy làm thì đối tượng hưởng lợi cuối cùng không phải là cộng đồng.
NHTT lợi ích nhiều thứ, vai trò chủ thể của người dân cũng được xác định cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số người dân xã Thủy Thanh - những người đang trực tiếp kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực trung tâm chợ quê - nhà trưng bày nông cụ - cầu ngói Thanh Toàn, họ hiểu rất mơ hồ về khái niệm này. Người "chưa biết đó là chi", người thì "có nghe sơ sơ". Thậm chí, khi chúng tôi trao đổi về vấn đề này, một cán bộ lãnh đạo của xã Thủy Thanh còn "thật thà": Có biết HTX dịch vụ du lịch Thanh Toàn đăng ký việc này với Sở Khoa học và Công nghệ và đã được phê duyệt. Cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ nắm lại và có thông tin.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN