ClockThứ Sáu, 04/02/2022 13:30

Phục hồi xanh

TTH - Dịch bệnh, thiên tai là tác động kép đối với nền kinh tế nước ta năm 2020-2021, nhưng cũng là động lực, cơ hội để Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng chọn con đường phát triển xanh, bền vững hơn.

Phục hồi sản xuất công nghiệp theo các nhóm ‘nguy cơ’Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2021: Bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tếDoanh nghiệp kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tếKinh tế vĩ mô ổn định: Nền tảng cho kỳ vọng phục hồi

Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia, nhất là với những nước đang phát triển như Việt Nam. Nước biển dâng, xâm thực bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hạn hán, mưa lũ bất thường, sạt lở núi, bờ sông diễn ra thường xuyên hơn… Đó là hệ lụy của quá trình con người tác động, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức để phục vụ nhu cầu của cuộc sống. Vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế cuối năm 2020 là lời cảnh báo không gì thuyết phục hơn. Trong thời gian tới, khi vốn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, môi trường suy thoái và rủi ro thiên tai và khí hậu ngày càng tăng sẽ khiến tiềm năng tăng trưởng càng bị suy yếu.

Thách thức, tác động của biến đổi khí hậu vẫn đang ngổn ngang thì “bão” cô-vít ập tới, bồi thêm cho nền kinh tế những tổn thất nặng nề. Đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa không chỉ ở phạm vi từng doanh nghiệp, quốc gia mà trên phạm vi rộng thế giới. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, nhà máy phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, người lao động mất việc… khiến đời sống kinh tế, xã hội bị xáo trộn. Tuy vậy, dịch bệnh cũng là chất xúc tác thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; chuyển từ phương thức bán lẻ trực tiếp sang thương mại điện tử… Đó là bước chuyển, hướng đến nền kinh tế không cần tiếp xúc trực tiếp - nền kinh tế số. Công nghệ số đang trở thành chìa khóa cho phát triển, giảm bớt nhiều chi phí, nhân lực, tài chính và tiêu hao vật tư, nguyên nhiên liệu trong quá trình vận hành sản xuất, tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa với việc giảm sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất các loại nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Một tác động khác, trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam ký kết, tham gia nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 12/2018; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với Liên minh châu Âu vào tháng 6/2020; và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 14 nước láng giềng châu Á vào tháng 11/2020. Điều này vừa tạo cơ hội phát triển mới khi hàng hóa Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi trong chính sách thuế quan khi xuất khẩu vào thị trường các đối tác, nhưng cũng tạo ra áp lực phải thay đổi phương thức sản xuất, quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, truy xuất nguồn gốc, vệ an sinh toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội đối với người lao động… theo thông lệ quốc tế.

Trong ngổn ngang thách thức đó, hướng đến nền kinh tế thịnh vượng, tăng trưởng xanh, bền vững đang trở thành xu hướng tất yếu, được nhiều quốc gia lựa chọn. Việt Nam là một trong những quốc gia đang đẩy mạnh mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chất lượng, hướng tới nền kinh tế xanh để phục hồi hậu COVID-19.

Không phải đợi đến bây giờ, từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và năm 2014 phê duyệt Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh. Ngày 1/10/2021, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra 3 mục tiêu lớn: giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết mạnh mẽ thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris để Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thừa Thiên Huế cũng sớm đặt ra mục tiêu này khi xác định xây dựng Huế trở thành đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường” có các ngành kinh tế phát triển theo hướng xanh hóa; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện; có lối sống thân thiện với môi trường.

Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ quan điểm, định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Thời gian qua tỉnh đã tập trung phát triển theo hướng này, với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chọn du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn; trong kêu gọi đầu tư, quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, quản lý, sử dụng tài nguyên; khuyến khích các công nghệ sản xuất tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế phát thải khí nhà kính, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Với những thách thức, yêu cầu, cơ hội để khôi phục, phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững, tăng theo chiều sâu, hướng tới nền kinh tế xanh, cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư cho tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực như du lịch xanh, công nghiệp xanh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp xanh chắc chắn sẽ là vấn đề được chú trọng. Trước mắt, trong các gói kích thích kinh tế để phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng cần ưu tiên cho lĩnh vực này, nhất là đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng “xanh hóa”, thân thiện với môi trường. Với các doanh nghiệp, phục hồi sản xuất theo hướng xanh cũng chính là con đường phát triển bền vững để hội nhập quốc tế hiệu quả hơn.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan

Ngày 21/12, tại di tích Hải Vân Quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Đà Nẵng tổ chức lễ Công bố hoàn thành dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Hải Vân Quan.

Công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn, tu bổ di tích Hải Vân Quan
Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

TIN MỚI

Return to top