ClockThứ Bảy, 05/06/2021 13:30

Quỹ vắc-xin

TTH - 1,4 triệu dân, Hải Dương dự kiến nếu tiêm đủ vắc- xin cần đến từ 300 – 550 tỷ đồng. Thừa Thiên Huế chừng hơn 1 triệu dân, nếu tiêm vắc xin đủ cho người dân cũng cần đến vài trăm tỷ đồng.

Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiêm vắc- xin“Nhiệm vụ thế kỷ” - vận chuyển vắc-xin COVID-19 cần huy động tới 8.000 máy bay

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, là cách tốt nhất để vượt qua đại dịch hiện nay. Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Để sang một bên chuyện vắc- xin hiện chưa cung cấp đủ trên toàn thế giới để chỉ bàn đến chuyện kinh phí. Hải Dương đang kêu gọi cộng đồng thành lập một quỹ vắc- xin cho người dân là điều đáng nghĩ.

Thế giới đã đưa ra thị trường một liều vắc- xin chừng vài USD Mỹ. Nhưng muốn sử dụng nó cần đến cả trăm USD vì nhiều chi phí liên quan. Thế mới biết, đại dịch đưa đến cho con người nhiều điều phức tạp. Những nước giàu, người giàu bao giờ cũng có lợi thế hơn trong cuộc “chạy đua” vắc- xin này.

Dịch bệnh là một “cơ chế” rất khác với nhiều thứ khác. Một món hàng hàng hiệu, anh giàu chỉ mình anh sử dụng được. Còn “cái món” dịch bệnh, anh không thể đi một mình mà yên thân được. Đây chính là lúc cần quan tâm đến cộng đồng hơn bao giờ hết.

Thế giới có nước giàu nước nghèo. Người thì có người giàu người nghèo, nhưng vắc- xin thì không phân biệt giàu hay nghèo. Muốn người nghèo tiếp cận được vắc- xin, cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Thế giới có mối quan hệ song phương, đa phương. Về y tế, có những tổ chức tầm cỡ như WHO lo liệu điều này trên quy mô toàn cầu, còn từng quốc gia, từng địa phương cũng phải tự mình lo liệu. Đây chính là lúc cần có quỹ vắc- xin theo kiểu như Hải Dương đang kêu gọi. Mục đích của quỹ là kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng. Hải Dương mới kêu gọi đã quyên góp được 70 tỷ đồng, tức là được chừng 20% số tiền cần thiết.

Thừa Thiên Huế cũng đã mở tài khoản riêng để kêu gọi hỗ trợ, ủng hộ phòng chống dịch COVID-19. Đây chính xác là lúc “lá lành đùm lá rách”. Mà suy xét lại, với dịch bệnh, lá lành “đùm” lá rách cũng chính là lá lành “đùm” chính mình.

Một nguồn kinh phí điều phối từ ngân sách là điều hiển nhiên. Song, từng thành phần trong xã hội cũng cần chung tay để thành lập quỹ vắc- xin. Người có thu nhập trung bình phải tự lo cho mình. Người giàu, những doanh nghiệp ăn nên làm ra cần một sự đóng góp. Để lo cho ai? Cho những người thu nhập thấp hoặc là quá thấp, ít có điều kiện tự lo được cho mình. Làm được như vậy, Nhà nước cũng được “rảnh rang” hơn để tiết kiệm ngân sách, sử dụng nguồn lực vào việc khác. Xây dựng một con đường, một trường học, một bệnh viện… một công trình phúc lợi nào đó – cũng là cho đất nước, xã hội, cộng đồng.

Thành lập quỹ vắc- xin cũng là một giải pháp hướng đến mục tiêu chống đại dịch. Giờ thì thế giới đang còn thiếu vắc- xin, nhưng rồi vắc- xin sẽ có nhiều hơn trong những nỗ lực sản xuất nguồn cung. Khi chúng ta chủ động được nguồn tiền, chúng ta sẽ “phủ kín” được vắc- xin cho cả cộng đồng.

Ở Việt Nam, để chống dịch và thực tế đã chống dịch hiệu quả, những nơi cách ly tập trung được dựng lên và chi phí cho các khu cách ly này là vô cùng lớn, chưa kể những nguồn lực bị mất đi khác, ngay cả ở phía người dân. Dốc toàn lực vào việc chống dịch, cả một hệ thống chính trị cũng đã tiêu tốn nhiều ngân sách. Người dân thực hiện nghiêm túc những khuyến nghị chống dịch được Nhà nước đưa ra cũng đã là một đóng góp lớn để chống dịch. Giờ thì chúng ta cần một sự đóng góp cụ thể hơn.

Tôi tin, một lời “hiệu triệu” đóng góp để thành lập quỹ vắc- xin sẽ nhận được sự ủng hộ và là sự cần thiết trong lúc này.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp tăng thu ngân sách

Sáu tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của TP. Huế tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức dẫn đến thu ngân sách (TNS) đạt thấp. Để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024, Chi cục Thuế thành phố tiếp tục triển khai đánh giá, phân tích nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu để đề ra các giải pháp, phương án thu phù hợp.

Giải pháp tăng thu ngân sách
Thêm giải pháp chống thất thu ngân sách

Việc tập hợp các thông tin hộ kinh doanh đã mã hóa và lưu trữ dưới dạng số hóa trên chức năng bản đồ số hộ kinh doanh được triển khai trên ứng dụng eTax Mobile sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước tra cứu, phản hồi thông tin một cách dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.

Thêm giải pháp chống thất thu ngân sách
Return to top