ClockThứ Ba, 17/01/2023 06:30

Sao la gần hơn

TTH - Từ sinh vật đặc hữu được xem là kỳ lân châu Á, sao la ngày càng được cộng đồng quan tâm nhiều hơn. Không chỉ trở thành linh vật trong SEA Games 31, hình ảnh và tên gọi sao la còn trở thành thương hiệu kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Khu Bảo tồn Sao La: Ghi nhận nhiều loài quý hiếm

Lực lượng tuần tra bảo vệ tại Khu Bảo tồn Sao La

Những sản phẩm mang tên “Sao la”

Tại Huế, chuỗi sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang tên Sao la của Công ty TNHH Liên Minh Xanh đều sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên trồng ở thượng nguồn sông Hương. Lấy Sao la đặt tên cho dòng sản phẩm, lãnh đạo Liên Minh Xanh cho hay, muốn sử dụng hình ảnh loài động vật đặc hữu của dải Trường Sơn, góp phần truyền thông bảo vệ loài thú nói trên trước nguy cơ tuyệt chủng. Điều này thể hiện qua sự hợp tác với các hộ dân nhằm phát triển nguồn nguyên liệu là các loại cây dược liệu, qua đó nâng cao sinh kế của cư dân sống dựa vào những khu rừng nơi sao la sinh trưởng, bảo vệ và khôi phục sinh cảnh cho loài vật quý hiếm này. Một phần lợi nhuận từ sản phẩm “Sao la” được đóng góp vào các quỹ bảo tồn thôn, bản của các cộng đồng dân tộc sống trên dãy Trường Sơn.

Nhắc đến “Sao la”, người ta liên tưởng ngay đến những từ khóa: “quý hiếm”, “loài thú móng guốc nhạy cảm”, “bảo vệ môi trường sống”… Khi chọn Sao la làm biểu tượng và thương hiệu, Công ty CP Thương mại Sao la (Hải Phòng) cũng thiết lập các yếu tố đặc thù trong hoạt động kinh doanh. Sao la Apartment và Sao la Hotel hạn chế sử dụng túi ni lông, trang bị một số vật dụng cá nhân có tính tái sử dụng cho khách, sử dụng túi rác hữu cơ… Các chương trình kêu gọi bảo vệ tài nguyên, giữ lại dấu chân sao la, giữ gìn đa dạng sinh học… công ty đều xem đó là những hoạt động truyền thông ý nghĩa, góp phần tích cực trong xây dựng thương hiệu, hình ảnh Sao la.

Anh Nguyễn Quyết Thắng, Founder và CEO (nhà sáng lập và Giám đốc điều hành) Công ty CP thương mại Sao la chia sẻ: “Sao la rất nhạy cảm với môi trường xung quanh, vì vậy, chúng tôi muốn khách hàng của mình lưu trú trong an toàn, bình yên, môi trường trong lành”.

Không chỉ ở Việt Nam, phía đông nam châu Âu, Sao la coffee shop – một cửa tiệm cung cấp đồ ăn nhẹ, thức uống ở Romania được nhiều du khách yêu thích trên trang Trip advisor. Hình ảnh sao la in trên khắp nơi trên đồ dùng của quán. Doru và Alexandru – hai người quản lý thống nhất lấy tên Sao la để nhấn mạnh sự hiếm hoi của doanh nghiệp mình - như loài kỳ lân châu Á - trên con phố Calea Plevnei 7 Piata Kogalniceanu. Rất nhiều thực khách yêu thích cà phê ở Sao la coffee shop, có người để lại lời phản hồi cho rằng, cà phê ở đây là đặc sản ngon nhất họ từng thưởng thức ở Thủ đô Bucharest!

Gần gũi hơn, thân thuộc hơn

Sao la - loài thú bí ẩn nhất thế giới được giới khoa học ghi nhận 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam, phát hiện sao la được xem là sự kiện tiêu biểu cho đa dạng sinh học của Việt Nam. Loài vật này ngày càng trở thành niềm tự hào của người dân cả nước. Nhờ sao la, Việt Nam trở thành điểm nổi bật trên bản đồ đa dạng sinh học của thế giới, nằm trong nhóm dẫn đầu của 200 vùng đa dạng sinh học cao toàn cầu.

Gần 20 năm qua (sau khi xuất hiện tại Hương Thủy và A Lưới), vẫn chưa ai nhìn thấy sao la trong tự nhiên, chủ yếu ghi nhận qua bẫy ảnh, vì thế sự tồn tại của nó ngày càng bí hiểm. Quy mô quần thể này hiện chưa xác định, song theo chuyên gia và các nhà khoa học nhóm SWG thuộc tổ chức IUCN do WWF-Việt Nam điều phối, ước chừng sao la còn khoảng 20 cá thể, thậm chí ít hơn, phân bố rải rác khắp các khu vực rừng thuộc dãy Trung Trường Sơn.

Thừa Thiên Huế là nơi ghi nhận sự xuất hiện của sao la khá nhiều, kể cả những lần chạm mặt của người dân địa phương, nhất là vùng A Roàng, Hương Nguyên (A Lưới)… Với sự hỗ trợ của WWF, 2 khu bảo tồn (KBT) Sao la được thành lập tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề án xây dựng Trung tâm Nhân giống và tái thả để bảo tồn sao la và các loài động vật có giá trị bảo tồn cao đặt tại Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Khu Bảo tồn Sao La Thừa Thiên Huế có diện tích hơn 15.000 hecta rừng tự nhiên. Với những hoạt động bền bỉ trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La tỉnh đánh giá, nhận thức bảo vệ rừng, động vật hoang dã của người dân nâng lên rõ rệt. Cộng đồng địa phương và công chúng đã quan tâm đến việc bảo vệ, cung cấp thông tin về sự xuất hiện sao la cùng các loài quý hiếm khác. Anh Viên Xuân Liên, cán bộ Khu Bảo tồn Sao La, người ba lần giáp mặt với sao la (trước năm 2000) có 17 năm gắn bó với công việc. Nơi anh ở còn có đường mòn Sao La dành cho du khách thích khám phá. “Tôi hy vọng sẽ có ngày gặp lại con thú có đốm sao trên má bởi những lần vào rừng sâu tuần tra, vẫn thấy dấu vết nó ăn. Bằng linh cảm của một người gắn bó nhiều năm với núi rừng, tôi tin ngày ấy sẽ đến gần”, anh nói.

Theo ông Nguyễn Quang Hòa Anh, Quản lý chương trình Đa dạng Sinh học, WWF-Việt Nam, từ việc đặt tên sản phẩm, địa danh, thương hiệu kinh doanh… loài thú bí ẩn này dần trở nên gần gũi, thân thuộc hơn trong cuộc sống của con người. Đặc biệt, với những hiệu ứng tích cực được lan tỏa rộng rãi sau sự kiện SEA Games 31, chúng ta đã thấy được sự cam kết, đồng lòng và mức độ quan tâm rộng rãi của bộ, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng người dân địa phương đối với “kỳ lân châu Á”.

Khi tìm kiếm thông tin trên Google, mức độ quan tâm về sao la đang gia tăng. WWF-Việt Nam nói rằng sẽ thiết lập 4.500 điểm đặt máy bẫy ảnh để cố gắng ghi nhận hình ảnh sao la tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trong 7 tỉnh ở Việt Nam. Nhiều hoạt động truyền thông tiếp tục tổ chức, đặc biệt tại các khu vực có khả năng sao la sinh sống để huy động sự tham gia của cộng đồng bảo tồn sao la. “Chúng tôi khuyến khích các các cá nhân, tập thể chia sẻ thông tin về sao la và hy vọng sẽ tiếp tục đón nhận những cam kết hỗ trợ và hành động vì sao la từ cộng đồng và các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Hòa Anh cho hay.

Bài: Tuệ Ninh

Ảnh: Tuệ Ninh - KBT Sao la

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường

Ngày 30/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Huế tổ chức hội nghị đối thoại, tuyên dương điển hình trong hoạt động bảo vệ môi trường và Tổng kết Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong quản lý chất thải rắn, xử lý rác hữu cơ và giảm thiểu rác thải nhựa” giai đoạn 2023 – 2024. Dự án do Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Tổ chức WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) thực hiện. ​

Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường
Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững

Đó là nội dung được trao đổi thảo luận tại hội thảo “Giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững Trung Trường Sơn” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức tại TP. Huế vào ngày 5/6. Tham dự có lãnh đạo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) các sở ban, ngành đơn vị liên quan của 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam.

Dựa vào thiên nhiên để phát triển bền vững
Tập huấn về giáo dục môi trường và giảm rác thải nhựa

Sáng 4/6, Khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức khóa tập huấn về giáo dục môi trường, giảm rác thải nhựa đại dương cho giáo viên và cán bộ cốt cán tại các tỉnh/thành vùng duyên hải miền Trung.

Tập huấn về giáo dục môi trường và giảm rác thải nhựa

TIN MỚI

Return to top