ClockThứ Hai, 03/07/2023 14:09

Ma trận sở hữu chéo: Tăng rào cản liệu có xử lý dứt điểm?

Tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng kéo theo nguy cơ nợ xấu, tăng vốn ảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng và niềm tin nhà đầu tư.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tớiGắn hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với phát triển kinh tế-xã hộiDòng vốn đầu tư đổ về châu ÁTái cấu trúc tài chính toàn cầu để giúp các quốc gia đối phó với biến đổi khí hậuNhà đầu tư “nắm đằng chuôi”?Phát huy hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN) 

Tình trạng sở hữu chéo, thao túng hoạt động ngân hàng, cho vay "sân sau"... đang diễn biến phức tạp và ngày một tinh vi, lách luật, bất chấp nhiều giải pháp kiểm soát của cơ quan quản lý.

Tính chất phức tạp của sở hữu chéo làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng, làm sai lệch về quản trị ngân hàng và đánh giá rủi ro.

Tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng kéo theo nguy cơ nợ xấu, tăng vốn ảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống ngân hàng và niềm tin nhà đầu tư.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được đưa ra thảo luận tại Quốc hội mới đây đã quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân, tổ chức và người có liên quan, đồng thời sửa đổi các giới hạn cấp tín dụng...

Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật này liệu đã đủ mạnh để xử lý dứt điểm sở hữu chéo?

Tăng rào cản kỹ thuật

Nhìn lại năm 2012 khi vụ bầu Kiên - tức ông Nguyễn Đức Kiên - thao túng ngân hàng liên quan đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) bị phanh phui, thị trường tài chính ngân hàng trong nước đã có một phen "rúng động."

Đã hơn 10 năm qua đi, những chiêu trò lách luật để sở hữu chéo ngày một tinh vi hơn, bất chấp nhiều giải pháp kiểm soát đã được áp dụng.

Không khó để nhận thấy vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hồi tháng 10/2022 đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ rủi ro chéo trong hệ thống tài chính ngân hàng.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), đã có nhiều quy định nhằm ngăn chặn sở hữu chéo và trên giấy tờ, sổ sách, không phát hiện ra tình trạng sở hữu chéo. Nhưng thực tế tình trạng này vẫn tồn tại một cách rất tinh vi.

Chiêu thức phổ biến nhất là mỗi người sở hữu một lượng nhỏ cổ phần nhưng cấu kết thao túng hoặc nhờ người đứng tên... khiến pháp luật rất khó kiểm soát.

"Sở dĩ xảy ra việc lách luật như trên là do khả năng kiểm soát thu nhập, dòng tiền chưa mạnh, một số cơ quan chức năng không có đầy dủ thẩm quyền điều tra mà phải phối hợp với các cơ quan khác như thuế hoặc công an khiến việc kiểm soát không hiệu quả," ông Độ chỉ rõ.

Đồng quan điểm, ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nhìn nhận thực tế sở hữu chéo thể hiện qua góp vốn, cổ phần chỉ là bề nổi đang được nhiều tổ chức phù phép, cơ cấu, đứng tên cá nhân tổ chức khác, tận dụng ghi nhận doanh thu lợi nhuận ảo, từ đó tăng vốn ảo, chiếm dụng vốn, thao túng cổ phiếu...

"Chính từ mối quan hệ phức tạp giữa doanh nghiệp và ngân hàng nên khi xảy ra rủi ro dễ xuất hiện hiệu ứng domino, rủi ro lan truyền, tức rủi ro không chỉ xảy đến với hoạt động ngân hàng, mà còn nhanh chóng lan ra các tổ chức khác do liên quan đến nguồn vốn kinh doanh, đầu tư...," ông Đồng cho hay.

Đứng trước thực tế này, Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan tương ứng từ các mức 5%, 15% và 20% xuống còn 3%, 10% và 15%.

Đồng thời dự thảo luật cũng điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan tương ứng từ không được vượt quá 15% và 25% xuống còn 10% và 15% vốn tự có của ngân hàng.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ đánh giá quy định giảm tỷ lệ sở hữu sẽ là hàng rào kỹ thuật gây khó cho sở hữu chéo. Bởi với quy định mới, để kiểm soát doanh nghiệp-ngân hàng, cần phải cấu kết với nhiều đối tượng hơn, phần nào sẽ làm khó và hạn chế ở mức độ nào đó tình trạng sở hữu chéo.

Tiến sỹ Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) nhận định việc quy định tỷ lệ sở hữu, giới hạn hạn mức cấp tín dụng trước đã có áp dụng, nay đưa chi tiết vào luật sẽ giúp giảm sở hữu chéo do minh bạch hơn và giảm rủi ro.

Gỡ nút sở hữu

Nhìn nhận việc giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu, giảm hạn mức cấp tín dụng sẽ có tác động ngăn chặn sở hữu chéo, nhưng nhiều ý kiến cho rằng chỉ riêng quy định trên là chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng sở hữu chéo hiện nay.

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN) 

Ông Nguyễn Đức Ngọc, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng song hành cùng các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu, cần tập trung làm rõ, mở rộng phạm vi nhóm người liên quan. Hiện các quy định mới xử lý đến công ty con, cần mở rộng hơn nữa đến các công ty "cháu-chắt..."

Ngoài ra, theo quy định hiện tại, cổ đông sở hữu tỷ lệ từ 5% là cổ đông lớn và mới có trách nhiệm công bố thông tin.

Câu hỏi ông Ngọc đặt ra là khi giảm tỷ lệ xuống còn 3% thì trách nhiệm công bố thông tin của nhóm cổ đông này sẽ ra sao? Và chế tài xử lý thế nào cho 2% giảm đi của cổ đông?

"Muốn cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu, cơ quan quản lý cũng cần xây dựng cơ chế chi tiết cho phần tỷ lệ giảm đi sẽ được xử lý, mua/bán ra sao?" ông Ngọc nói.

Cùng mối quan tâm, ông Hà Sỹ Đồng đề xuất mở rộng đối tượng công bố thông tin với cá nhân, tổ chức sở hữu từ 1% cổ phần trở lên, đồng thời tăng giám sát nội bộ và khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài, mở room thu hút vốn ngoại, khuyến khích mua bán sáp nhập để tránh sở hữu chéo...

Còn theo quan điểm của Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, giải pháp quan trọng nhất để chặt đứt sở hữu chéo là phải công khai, minh bạch thu nhập và có cơ quan chức năng giám sát được dòng tiền.

"Sở hữu chéo không phải chỉ xảy ra tại Việt Nam, nhưng ở các nước khác, kinh nghiệm là đề cao tính minh bạch, cơ quan thuế có đủ quyền lực kiểm soát được thu nhập, dòng tiền để từ đó ngăn chặn sở hữu chéo. Đồng thời pháp luật quy định rõ ràng và xử lý mạnh tay các hoạt động mang tính sở hữu chéo, thao túng doanh nghiệp-ngân hàng," ông Độ chia sẻ.

Nêu ý kiến về Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận Luật này giống như một bộ luật để các tổ chức tín dụng dựa vào trong hành xử và khẳng định cần phải quy định đủ mạnh nhằm chấm dứt triệt để tình trạng sở hữu chéo.

"Nghị quyết của Trung ương lần này nói là chấm dứt sở hữu chéo giữa các ngân hàng, mạnh như thế chứ không phải nói hạn chế nữa đâu. Quan trọng không phải là 5% hay 3% mà trong luật của các nước, khi sở hữu cổ phần trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo để người ta biết được nhóm người liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Căn nguyên vấn đề và biện pháp ngăn chặn

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng sở hữu chéo đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.

Đó là khi một người tham gia sở hữu tại hai tổ chức tín dụng hoặc đồng thời sở hữu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, dẫn đến việc có thể bắt tay, thông đồng, luân chuyển vốn trái pháp luật.

Luật pháp quy định không cho phép những người như Chủ tịch của hội đồng thành viên hoặc thành viên của hội đồng thành viên, những người giữ cổ phần lớn của tổ chức này lại đồng thời sở hữu một tổ chức khác.

Nhưng trên thực tế, người ta có rất nhiều cách để lách luật như nhờ người đứng tên sở hữu hộ hoặc thậm chí các thành viên có quen biết trong gia đình thành lập các công ty mẹ - công ty con; thậm chí là thuê người không quen biết gì để đứng danh là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc công ty còn toàn bộ quá trình điều hành, vận động là do một người thực hiện.

Sở hữu chéo bị núp bóng che đậy bởi những quan hệ như trên nên không dễ dàng gì phát hiện ra được, ông Hoàng Văn Cường nhận định.

Để đảm bảo an toàn hệ thống, đã có những quy định về hạn mức cấp tín dụng cho mỗi cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên khi sở hữu chéo, sẽ xảy ra tình trạng lũng đoạn ngân hàng, khiến ngân hàng cho doanh nghiệp vay không theo các quy định hoặc không trực tiếp dồn tiền cho doanh nghiệp vay mà có thể thông qua các doanh nghiệp con rồi từ đó, doanh nghiệp con lại dồn tiền về cho doanh nghiệp mẹ.

Như vậy, thực chất ngân hàng huy động tiền gửi của người dân xong lại dồn hết tiền cho vay doanh nghiệp sân sau nào đó.

Rủi ro sẽ còn tăng cao hơn nữa khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ hoặc khoản nợ rơi vào nợ xấu. Khi đó, người ta có thể dùng chính ngân hàng để cho doanh nghiệp trá hình-doanh nghiệp con vay tiền, sau đó doanh nghiệp này lại chuyển tiền về cho doanh nghiệp mẹ, từ đó tiền lại trở về ngân hàng để trả nợ.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, như vậy về cơ bản, dòng tiền của ngân hàng lại về ngân hàng nhưng thực ra nợ vẫn chưa được trả. Ngoài ra, giữa các tổ chức tín dụng khi sở hữu chéo còn xảy ra tình trạng lấy vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn vượt quá quy định dẫn đến nguy cơ mất an toàn hệ thống tín dụng rất cao.

Hệ lụy là khi tổ chức tín dụng khủng hoảng sẽ không có khả năng hoàn trả vốn cho người dân và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Hiện nay, việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu, giới hạn cấp tín dụng đã được đưa vào Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường, về lý thuyết, đây là biện pháp đúng và căn cơ để hạn chế tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng người ta có thể nhờ người trong gia đình, người thân quen đứng ra sở hữu cổ phần hoặc dùng các chiêu trò phân chia tài sản, lập ra nhiều công ty con để vay vốn rồi gom lại thành một khoản vay lớn về doanh nghiệp sân sau.

Như vậy về mặt sổ sách, pháp lý, tỷ lệ sở hữu, hạn mức cấp tín dụng vẫn không vượt quá giới hạn dù luật đã quy định giảm tỷ lệ này xuống. Nhưng thực tế, quyền lực chi phối hoạt động ngân hàng vẫn theo điều hành của một người nào đó và dòng vốn vẫn tập trung vào một doanh nghiệp sân sau.

Vì vậy, song song với việc giảm kiểm soát các tỷ lệ trên, còn cần tăng cường kiểm soát để phát hiện sớm các giao dịch có liên quan đến nhau, lặp đi lặp lại.

Ví dụ dòng tiền từ ngân hàng cấp về công ty A lại được công ty A chuyển sang công ty B, rồi ngay lập tức lại dồn về công ty C hoặc tiền chuyển cho ngân hàng A' nào đó lại vẫn về công ty C.

Khi những giao dịch lặp đi lặp lại đó bị phát hiện sẽ lộ ra những vấn đề trong lưu chuyển dòng tiền.

Đồng thời, chính những người trong ban kiểm soát của ngân hàng cũng phải tăng cường vai trò kiểm soát độc lập trong nội bộ. Nếu cứ để chủ sở hữu thâu tóm, điều phối hoạt động ngân hàng thì khi xảy ra rủi ro, ban kiểm soát cũng phải gánh chịu trách nhiệm.

Chưa kể tới xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Cần ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý để giúp sớm phát hiện các quan hệ về mặt sở hữu, từ đó đưa ra cảnh báo, phán đoán sớm và ngăn chặn sớm các quan hệ thân hữu, bắt tay với nhau để thực hiện thao túng và hạn chế sở hữu chéo.

Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Cường nhận định sở hữu chéo không phải câu chuyện của riêng Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên thế giới có nhiều phương thức huy động vốn nhất là huy động qua thị trường vốn, trái phiếu, chứng khoán... chứ không phụ thuộc duy nhất vào nguồn vốn ngân hàng. Do đó, mức độ mong muốn, tìm cách sở hữu chéo không quá cấp thiết.

Song song đó là các quy định pháp luật xử lý rất nghiêm đối với các cá nhân nhận sở hữu hộ và cả người nhờ nhận sở hữu nên không dễ dàng gì sử dụng những quan hệ thân tín để thực hiện việc sở hữu trá hình./.

Theo TTXVN/Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rà soát việc tư vấn về trái phiếu và chứng chỉ quỹ

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản 2845/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) về việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), chứng chỉ quỹ của tổ chức tín dụng (TCTD).

Rà soát việc tư vấn về trái phiếu và chứng chỉ quỹ
Tiết kiệm online, lợi đủ đường

Cuối năm là thời điểm vàng để các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường huy động vốn. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, huy động vốn qua kênh online được các nhà băng khuyến khích...

Tiết kiệm online, lợi đủ đường

TIN MỚI

Return to top