ClockThứ Ba, 06/06/2023 08:20

Tài chính toàn diện: Không để ai bị bỏ lại phía sau - Bài 2: Cú hích từ chuyển đổi số

TTH - Nếu phát triển mạng lưới các tổ chức tín dụng về khu vực nông thôn giúp người dân tiếp cận nhanh với các lĩnh vực tài chính ngân hàng, thì với sự bứt tốc của thanh toán số lại giúp cho người dân có những trải nghiệm mới với các dịch vụ tài chính nói chung.

Tài chính toàn diện: Không để ai bị bỏ lại phía sau - Bài 1: Không bỏ rơi thị trường nông thôn

leftcenterrightdel
 Cán bộ ngân hàng hỗ trợ khách hàng thanh toán số

Chuyển khoản nghe!

Chuyển khoản nghe! Chuyển khoản hí! Có QR, VNpay không?... Là những câu nói hết sức quen thuộc khi hiện nay các ngân hàng đều phát triển các dịch vụ ngân hàng số. Không chỉ có vậy, hình thức ví điện tử (Momo, Zalo Pay, Viettel Pay…), tài khoản điện tử Mobile Money (tiền di động) của các nhà mạng lớn đang triển khai mạnh mẽ.

Dạo một vòng quanh các cơ sở, địa điểm dịch vụ như ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm… đều có thể thanh toán online. Trong đó, thanh toán qua mã QR được giới trẻ ưa chuộng hơn cả bởi nó dễ dàng chi tiêu và cũng không cần nhập nhiều những thông tin phức tạp. Với sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ này, không chỉ ở thành phố mà tại các khu chợ quê, người dân nông thôn cũng chuộng các hình thức thanh toán qua mã QR.

Bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch thì thanh toán qua QR cũng nhanh chóng hơn và không phải khai báo nhiều thông tin, tối ưu hiệu quả làm việc. Ngoài ra, việc các cơ sở kinh doanh liên kết với ngân hàng triển khai các chương ưu đãi khi thanh toán qua VNpay, hay thanh toán chuyển khoản, thanh toán qua thẻ tín dụng với nhiều khuyến mãi hấp dẫn cũng tăng lượng khách hàng thanh toán trên dịch vụ này.

Chị Nguyễn Hoàng Song Nhi, TP. Huế chia sẻ, 2 năm trở lại đây, tôi hầu như không có thói quen mang hay rút tiền mặt nhiều. Đôi khi, tôi chỉ dắt túi 200 đến 500 ngàn đồng cần cho các khoản chi không thể quét mã. Bởi từ việc ngồi nhâm nhi cốc cà phê với bạn bè tới mua sắm, đi chợ chỉ cần thao tác đơn giản trên điện thoại là đã hoàn tất việc thanh toán. Tôi không cần tốn thời gian đi rút tiền mặt tại cây ATM như trước. Không chỉ có vậy trong quá trình thanh toán, mình còn nhận được các chương trình khuyến mãi, chiết khấu hàng tháng, tham gia các chương trình tích điểm, dự thưởng… nói chung là lợi cả đôi đường.

Việc các ngân hàng phát triển mạnh dịch vụ thanh toán trực tuyến vào các chợ truyền thống, các cửa hàng dịch vụ đang có tác dụng mạnh mẽ.

Điển hình như thời gian gần đây, Agribank Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai các đợt ra quân phủ sóng VietQR. Theo đó, Agribank triển khai đến từng điểm giao dịch đơn vị chấp nhận thẻ và dưới sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, khách hàng đã chủ động khởi tạo mã VietQR gắn với tài khoản thanh toán của mình tại Agribank. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng thanh toán và nhận tiền mà không cần ghi nhớ số tài khoản và tên tài khoản. Bằng phương thức quét mã VietQR trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, khách hàng có thể thanh toán một cách nhanh chóng, đảm bảo độ chính xác, bảo mật cao và hoàn toàn miễn phí.

Theo đại diện Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế, với việc thúc đẩy thanh toán thông qua ngân hàng điện tử, lượng giao dịch qua ngân hàng điện tử của Agribank Thừa Thiên Huế trong năm 2022 tăng trưởng hơn 15% với gần 25.000 tài khoản đăng ký mới. Số lượng điểm chấp nhập thanh toán thẻ của Agribank bao gồm POS và QR cũng tăng với hơn 300 điểm.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng và hỗ trợ thanh toán qua thẻ tín dụng cũng được các ngân hàng áp dụng tạo nên thói quen tiêu dùng mới. Song song với việc phát hành thẻ, các ngân hàng còn áp dụng mở thẻ theo hình thức liên kết giữa tài khoản của ba mẹ với các con (thẻ phụ) vừa kích thích tiêu dùng vừa hỗ trợ cha mẹ trong việc lên kế hoạch tài chính cho con cũng như dạy con quản lý tài chính, chi tiêu hiệu quả.

Chính quyền nhập cuộc

Không chỉ các tổ chức tín dụng, các nhà mạng… chính quyền cũng đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy thanh toán số. Và, Thừa Thiên Huế được xem là một điểm sáng. Khi mới đây, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được tích hợp lên nền tảng Hue-S nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo thuận tiện cho người dân trong việc áp dụng thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động. Thông qua, ứng dụng Hue-S, các dịch vụ hành chính công, học phí, viện phí, dịch vụ công ích… đã được tích hợp và thanh toán dễ dàng.

Một chiếc điện thoại có ứng dụng Hue-S và liên kết tài khoản ví điện tử, người dân có thể thanh toán hóa đơn tiền nước, tiền dịch vụ vệ sinh môi trường… định kỳ một cách nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi. Ngoài giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, người dùng còn nhận được khuyến mãi từ nhà cung cấp dịch vụ hay ngân hàng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp hạn chế lượng tiền mặt lưu thông, giảm thiểu lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế cũng như kiểm soát chi tiêu tốt hơn.

Với sự phát triển mạnh mẽ dịch vụ thanh toán số, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn những năm qua đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch qua kênh Mobile banking đạt khoảng 70.171 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2021; qua kênh Internet banking đạt khoảng 63.762 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm 2021. Ngoài ra, số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn mở tài khoản thanh toán và phát sinh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng, chiếm khoảng 67,6% trong tổng số doanh nghiệp có tài khoản mở tại ngân hàng.

Theo nhận định của ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hoạt động chuyển đổi số ngày càng được phát triển đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Trong giai đoạn vừa qua, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán, tích hợp số hóa và công nghệ số vào các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Hiện nay, 100% các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện đa kênh cung cấp các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking; 100% ngân hàng đã có phương án triển khai giải pháp định danh điện tử eKYC cho khách hàng mở tài khoản thanh toán trên hệ thống thanh toán trực tuyến của đơn vị.

Thành công nhất phải kể đến hiệu quả của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực hành chính công khi có sự tham gia đồng bộ của chính quyền, các sở ngành và sự nhập cuộc của các tổ chức tín dụng. Hiện, các ngân hàng thương mại đã phối hợp các đơn vị triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Đối với dịch vụ thu thuế, các ngân hàng thương mại phối hợp với Kho bạc Nhà nước mở tài khoản chuyên thu ngân sách Nhà nước tại hầu hết các huyện, thị, thành phố; thu ngân sách Nhà nước qua Mobile banking, qua POS đặt tại Kho bạc Nhà nước. Cùng với đó, các gói sản phẩm hỗ trợ thu thuế được các ngân hàng thương mại triển khai như: PV-Tax, dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7... Dịch vụ thu tiền điện, nước, thu học phí, thu viện phí, chi trả an sinh xã hội, thông qua ủy nhiệm chi qua ngân hàng, qua tài khoản ATM cho người hưởng lương cũng có bước tăng trưởng.

Theo ông Châu Khắc Thái, rào cản lớn nhất trong thanh toán số chính là phí sử dụng dịch vụ và các yếu tố bảo mật. Tuy nhiên, hiện nay bài toán này đã được giải quyết triệt để khi các ngân hàng đang triển khai nhiều gói sản phẩm với các chương trình ưu đãi cho các đối tượng khách hàng như: miễn, giảm phí dịch vụ đối với toàn bộ các dịch vụ về tài khoản và thẻ. Đồng thời, phối hợp các tổ chức trung gian thanh toán triển khai nhiều hình thức thanh toán hướng tới các khu dân cư thuộc huyện, thị xã trong tỉnh, khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

(Còn nữa)

Bài 3: Phá các rào cản tiếp cận tín dụng

Bài, ảnh: Hoàng Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số

Với quân số chiếm hơn một nửa toàn lực lượng, tuổi trẻ Công an tỉnh đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo trong nhiệm vụ chuyển đổi số, thể hiện rõ trong triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.

Gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Thực hiện báo cáo ESG tiêu chuẩn hàng hóa phái sinh hct
Return to top