ClockChủ Nhật, 26/07/2020 06:12

Tái cơ cấu trên mỗi con tàu

TTH - Giá trị thủy hải sản giảm sút; năng lực đánh bắt của nhiều tàu cá thụt lùi khiến ngư dân lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Gỡ nợ tàu “67” - kỳ 2: Tạo điều kiện để ngư dân trả nợ

Các tàu cá đánh bắt xa bờ đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh cần trang bị phương tiện hiện đại hơn

So với các ngành kinh tế khác, sản xuất biển dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn được duy trì. Mặc dù vậy, những năm gần đây, giá trị thủy, hải sản lại giảm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở cấp đông giảm lượng thu mua do không đủ công suất kho lạnh để trữ hàng, mặt khác thiếu thị trường tiêu thụ nên giá cá tiếp tục giảm.

Tại Thừa Thiên Huế, từ đầu năm 2019, giá xăng dầu tăng cao (chiếm tỷ trọng lớn chi phí đầu vào khai thác xa bờ) khiến chi phí sản xuất xa bờ tăng. Trong lúc đó, giá sản phẩm thủy sản lại giảm gần một nửa do thị trường Trung Quốc hạn chế nhập tiểu ngạch, nên doanh thu giảm khiến nghề cá xa bờ gặp khó.

Đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu giảm, giúp ngư dân giảm chi phí đầu tư sản xuất nhưng giá thủy sản cũng giảm nên tiếp tục khó khăn.

Hiện nay, nhiều chủ tàu chấp nhận để tàu nằm bờ vì hiệu quả đánh bắt thấp, một số quyết tâm vươn khơi vì khoản nợ ngân hàng hối thúc từng ngày.

Ngư dân thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) chuẩn bị cho chuyến vươn khơi mới

Hơn 20 năm bám biển, ngư dân Nguyễn Văn Bình chỉ ra nguyên nhân khiến năng lực nhiều tàu cá thụt lùi là do thiếu lao động, yếu đầu tư cải hoán khiến việc duy trì sản lượng đánh bắt khá khó khăn. “Đóng tàu to thì chi phí cải hoán, sửa chữa sau mỗi chuyến biển cũng lớn. Nếu thua lỗ sau một chuyến đánh bắt, ngoài mất bạn tàu thì còn một khoản nợ ngân hàng vẫn phải trả, đồng thời cũng tốn thêm chi phí duy tu, bảo dưỡng tàu, cho nên nhiều ngư dân gặp khó”, ông Bình nói.

Ngoài sự cạnh tranh trên ngư trường và sản lượng hải sản không còn được như trước, theo ngư dân, trong thời buổi hiện đại hóa tàu cá như là bắt buộc, nhiều tàu cá trang bị ngư lưới cụ chưa phù hợp là lý do dẫn đến sự thua lỗ trong quá trình đánh bắt. Chiếc tàu cá mang số hiệu TTH-99999 TS của ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) là tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh. Ông Chiến đóng tàu theo Nghị định 67, hạ thủy vào năm 2016.

Qua chiều năm lênh đênh mặt nước, có những chuyến biển thu về lợi nhuận đáng kể nhưng càng về sau, chi phí vận hành hoạt động tàu càng lớn và ngư lưới cụ không phù hợp khiến hiệu quả đánh bắt không như ý, nhiều vụ cá tàu phải nằm bờ. “Khoản nợ ngân hàng hàng năm là rất lớn, và bây giờ chi phí để tái đầu tư trang thiết bị và ngư lưới cụ cũng khó xoay xở nên đành vươn khơi trên nền tảng cũ. Với tàu tôi, nguyên nhân bởi mắt lưới nhỏ khiến việc đánh bắt vùng biển khơi khó, dù vậy để đổi vàng lưới khác phải mất cả tỷ đồng”, ông Chiến chia sẻ.

Không phủ nhận một bộ phận tàu cá đang ăn nên làm ra, nhưng không ít ngư dân đang “vật lộn” với sóng biển, thậm chí nợ ngân hàng không thể trả nổi.

Hiện nay, tỉnh không ban hành chính sách hỗ trợ thủy sản riêng mà đã nằm trong chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, các địa phương cần tiếp tục động viên, hỗ trợ tối đa ngư dân nâng cao năng lực sản xuất theo đúng các quy định, từ đó góp phần tăng thu nhập, có điều kiện để trả các khoản vay từ ngân hàng theo quy định, mặt khác tái cơ cấu sản xuất trên một con tàu cụ thể là rất cần thiết.

Tái cơ cấu sản xuất trên mỗi con tàu nghĩa là ngư dân cần thay đổi tư duy đánh bắt. Việc đánh bắt tận diệt, dã cào vẫn tồn tại khiến nguồn lợi hải sản khó tái sinh, do vậy cần chuyển đổi cải hoán những tàu có phương thức khai thác tận diệt sang nghề phù hợp. Ngư dân cũng cần giảm cường lực khai thác trong ngắn hạn, để nguồn lợi thủy sản có thời gian phục hồi.

Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Đặng Tiến Tùy chia sẻ: “Ngư dân cần biết cách hạch toán ngay trên một con tàu và liên kết hợp tác sản xuất giữa tàu đánh bắt với tàu hậu cần nghề cá. Đồng thời, chú trọng thay đổi công nghệ đánh bắt. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, khuyến cáo những điều này đến ngư dân. Một số tàu cá đã mạnh dạn trang bị thiết bị hiện đại và đa dạng hóa ngư lưới cụ”.

Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thiện khung pháp lý, các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017, được phía EC đánh giá cao. Những khuyến nghị của EC để xóa “thẻ vàng” cũng trùng với lợi ích trong phát triển thủy sản Việt Nam.

Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nhằm đảm bảo hiệu quả cho ngư dân tham gia khai thác hải sản, việc phát triển các nghề đánh bắt đối tượng có giá trị kinh tế cao là rất cần thiết nên ngư dân cũng cần thay đổi ngư lưới cụ phù hợp.

“Chúng tôi cũng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản, tài nguyên biển. Sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững là tiêu chí quan trọng của tàu đánh bắt xa bờ. Việc tái cơ cấu lại sản xuất không phải chỉ ngay lúc này mà còn cả trong tương lai”, ông Giang nói.

Bài, ảnh: LÊ THỌ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chạm khắc trên da mộc

Bằng đôi bàn tay khéo léo cùng những nét chạm khắc sống động, phối màu hài hòa, tinh tế, Ngô Phương Dung (33 tuổi, TP. Huế) đã tạo nên những bức tranh sống động trên chất liệu da mộc. Mỗi chiếc ví, giỏ xách sau khi được cô “thổi hồn” vào đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật mang đậm phong cách và cá tính riêng biệt.

Chạm khắc trên da mộc
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

Theo dự báo, năm nay, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng đột biến, nguy cơ cháy, nổ đường dây đối với hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện thiếu an toàn trong khu dân cư.

Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện
Return to top