ClockThứ Hai, 07/12/2015 14:27

Tân trang tàu biển

TTH - Sau thời gian dài lênh đênh trên biển, những chiếc tàu cá lại trở về nằm trên bờ để bàn tay tài ba của những người thợ bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi, bám biển an toàn tiếp theo.
Những người thợ bảo dưỡng đang thay các lớp gỗ mục bằng xơ tre, sau đó bịt kín bằng dầu rái để nước không thể vào trong tàu

Làm mới những con tàu

Ông Phan Hữu Doãn, Phó Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận cho biết: Trung bình, mỗi tháng có 20 -30 tàu thuyền vào bến của công ty để sửa chữa, bảo dưỡng. Tổ sửa chữa của công ty gồm 14 thợ làm việc thường xuyên. Họ được chia ra các nhóm phụ trách công việc của mỗi tàu. Cũng có khi thợ do chủ tàu chỉ định dựa vào tay nghề của họ. Sự tỉ mẩn, cộng với kinh nghiệm của họ chính là chỗ dựa tin cậy cho những chiếc tàu vươn khơi.
Con tàu TTH 93456 của ngư dân Mai Văn Rê (thị trấn Thuận An, Phú Vang), sau 6 tháng lăn lộn với biển cả, không biết bao nhiêu lần mang lại cho anh và bạn thuyền những nụ cười mãn nguyện với cá tôm đầy khoang. Nhưng chính con tàu cũng mang trên mình đầy “vết tích” của biển, với hàng ngàn con hàu bám quanh thân tàu, những mảng sơn bị bong tróc, xỉn màu và những vết xây xước do va đập vào đá. Anh Rê cho biết, trong đợt bảo dưỡng này anh sẽ sơn mới lại toàn bộ con tàu, sửa chữa những bộ phận hỏng hóc; đồng thời thay mới và nâng cấp một số ngư cụ, ước tính chi phí gần 100 triệu. “Đây không phải là số tiền nhỏ, nhưng con tàu chính là tài sản lớn nhất, là linh hồn của người ngư dân vì thế nó cũng cần phải được chăm chút và đầu tư thỏa đáng. Tàu được trang bị thiết bị hiện đại, hoàn thiện thì sản lượng đánh bắt sẽ cao và hơn hết là việc an toàn của những chuyến vươn khơi cũng được đảm bảo”, anh Rê tâm sự.
Có mặt tại bến của Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận (thị trấn Thuận An, Phú Vang) vào đầu giờ chiều, cũng là lúc những người thợ tất bật cho tàu TTH 33123 lên đà (kéo tàu lên bờ). Đây chính là công việc vất vả nhất của những người thợ bảo dưỡng tàu. Bằng kinh nghiệm và sự đồng sức, đồng lòng, sau gần một buổi ngâm mình dưới nước cuối cùng những người thợ cũng kéo được tàu lên bờ. Công việc tiếp theo của những người thợ bảo dưỡng đó là rọc, đẽo những mảng hàu bám quanh tàu để chuẩn bị gia cố thân tàu. Cứ thế không ai bảo ai, mỗi người một việc những người thợ cùng nhau “thay áo mới” cho những con tàu mới lên đà “Đáng lẽ ra lên đà bảo dưỡng từ tháng trước, nhưng mấy chuyến vừa rồi đi biển trúng nên cố đi thêm vài chuyến coi như lấy tiền để sửa chữa. Suốt bảy tháng ngâm mình trong nước biển, rong rêu, hàu bám kín quanh tàu. Mỗi lần bảo dưỡng mất khoảng một tuần, nếu không nâng cấp máy móc thì chi phí bảo dưỡng tầm 20 triệu. Giờ trông nó cũ kỹ vậy thôi, chứ chỉ cần bốn đến năm ngày bảo dưỡng là lại nhìn như mới. Bảo dưỡng xong là có thể tiếp tục chinh chiến với biển cả được rồi”, anh Hai chủ tàu cá TTH 33123 vui vẻ nói.
Giúp ngư dân yên tâm vươn khơi
Không thể nhớ hết số tàu, thuyền từng tham gia bảo dưỡng, nhưng với bất cứ con tàu nào ông cũng làm việc bằng tất cả tâm huyết, sự tỉ mẩn, cẩn thận nhất. Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề, ông Cường (64 tuổi, ở thị trấn Thuận An, Phú Vang) cho biết, công việc của những người thợ bảo dưỡng tàu không vất vả bằng những người thợ đóng tàu, nhưng đổi lại cần phải có sự khéo léo, tỉ mỉ và chịu khó. Thợ bảo dưỡng tàu cũng có các tên gọi khác nhau tương ứng với các công đoạn như thợ tàu - phụ trách việc kéo tàu lên bờ; thợ mộc - người gia cố lại phần gỗ của tàu; thợ sơn - đảm nhận rửa vỏ tàu, gỡ hà, phết sơn; thợ xảm - lo việc trết xơ tre, phết dầu rái; thợ keo - phủ keo lên thân tàu để chống nước, gỉ, rêu mốc... Nhưng thông thường những người thợ làm lâu năm có thể làm tốt hai, ba thậm chí tất cả các công đoạn.
Theo ông Hoàng Minh Hồng (52 tuổi), đối với việc bảo dưỡng tàu thì công đoạn nào cũng quan trọng vì đều liên quan đến độ an toàn của những chuyến vươn khơi, nhưng quan trọng nhất vẫn là công đoạn xảm (làm kín chỗ nối không cho nước vào trong tàu). Thường thì sau thời gian dài ngâm trong nước mặn một số chỗ gỗ bị mục, thợ xảm sẽ đục hết lớp gỗ mục bỏ đi, sau đó bịt kín bằng xơ tre, tiếp theo là quét bằng một lớp dầu rái để nước không thể thấm vào thân tàu.
Trung bình mỗi ngày thợ bảo dưỡng được trả 200 ngàn đồng. Riêng thợ mộc được trả công cao hơn 250-300 ngàn/ngày, vì để làm được thợ mộc giỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật nhất định. Là những người thợ bảo dưỡng tàu, hơn ai hết họ biết rằng chất lượng công việc của mình quyết định sự bền vững của con tàu. Tàu thuyền đảm bảo kỹ thuật, chắc chắn thì ngư dân mới yên tâm bám biển. Chính sự tỉ mẩn, cẩn thận trong từng khâu của những người thợ bảo dưỡng góp phần tạo nên những con tàu chắc chắn, vững chãi trên các ngư trường.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo vệ “lá phổi xanh”

Dù gặp nhiều thiệt thòi nhưng cán bộ bảo vệ rừng, kiểm lâm vẫn chấp nhận gian nan, bám rừng để bảo vệ “lá phổi xanh”, các loài động vật hoang dã trong những ngày nghỉ lễ.

Bảo vệ “lá phổi xanh”
Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada

Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ và Canada được kỳ vọng sẽ góp phần giới thiệu hình ảnh, tiềm năng của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại của các đối tác Mỹ và Canada vào Thừa Thiên Huế.

Quảng bá hình ảnh, tiềm năng địa phương tại Hoa Kỳ và Canada
Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè

Thành phố Huế đã và đang hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế bắt đầu từ những dự án (DA) chỉnh trang vỉa hè, hạ lề các tuyến đường ở khu vực trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Ưu tiên nguồn lực chỉnh trang vỉa hè
Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Sau khi xảy ra liên tiếp các vụ tấn công mã hóa dữ liệu, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đầu tư hơn vào an toàn thông tin. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã ráo riết chỉ đạo công tác này.

Bảo mật dữ liệu trong dịp nghỉ lễ 30 4 - 1 5
Return to top