ClockThứ Hai, 20/03/2023 14:53

Tạo động lực chuyển đổi số trong doanh nghiệp

TTH - Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai hỗ trợ, đồng hành.

Xung kích chuyển đổi sốChuyển đổi số doanh nghiệp bắt đầu từ thanh toán sốChuyển đổi số để tạo ra giá trị mới

leftcenterrightdel

Tiktok Việt Nam hướng dẫn doanh nghiệp trong tỉnh bán hàng trên nền tảng số 

Được Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế đồng hành, hỗ trợ, Công ty Thêu may Đoan Trang áp dụng thành công việc số hóa, ghi nhận dữ liệu hoạt động hàng ngày, kết nối các trang thông tin, sàn thương mại điện tử góp phần thúc đẩy nền kinh tế số. Cụ thể, Công ty Thêu may Đoan Trang đã xây dựng được Website thông tin DN. Từ website đó, bộ giải pháp tích hợp đồng thời hệ thống văn phòng điện tử Hue Office, giúp DN dễ dàng quản lý tập trung tất cả các gian hàng của doanh nghiệp cùng lúc trên nhiều sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Đoan Trang, Giám đốc Công ty Thêu may Đoan Trang chia sẻ, sau khi sử dụng bộ giải pháp chuyển đổi số (CĐS) không chỉ giúp công ty tăng kênh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mà còn rất tiện lợi, tinh gọn trong quản lý điều hành công ty.

Cũng nhờ ứng dụng thành công hệ thống bán hàng bằng phần mềm công nghệ, anh Tôn Thất Thành, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản SunFarm quản lý được tất cả các khâu từ kho sản phẩm đến thị trường, chỉ cần những thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, hoặc máy tính. Theo anh Tôn Thất Thành, thông qua phần mềm bán  hàng đang áp dụng, anh có thể quản lý hiệu quả hai khâu quan trọng nhất trong phân phối sản phẩm, đó là quản lý được nhân viên bán hàng và tỷ lệ khách hàng. “Từ tỷ lệ phần trăm khách sỉ, khách lẻ mà phần mềm tự động cập nhật, giúp tôi có thể đưa ra được những quyết định chính xác trong chiến lược, sản xuất, kinh doanh cho DN. Nhờ vậy, doanh thu tăng từ 40 đến 50% trên năm”, anh Thành chia sẻ.

Ứng dụng thành công CĐS, giúp DN quản lý các sản phẩm, mặt hàng, đơn hàng, doanh thu trên nhiều nền tảng, ứng dụng TMĐT trở nên dễ dàng thông qua việc quản lý tập trung, đồng bộ tất cả các gian hàng của DN. Có những bộ công cụ còn kết nối, trình diễn thông tin sản phẩm dịch vụ của mỗi DN trên các trang thông tin... góp phần tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ DN trong kinh doanh, thương mại điện tử, tạo môi trường công khai, cạnh tranh lành mạnh cho các DN phát triển.

leftcenterrightdel

Doanh nghiệp tìm hiểu các bộ giải pháp về CĐS để áp dụng trong doanh nghiệp 

CĐS là cơ hội cho DN nhỏ và siêu nhỏ phát triển nhanh hơn, tuy nhiên, không ít DN vẫn đang chật vật tìm đường CĐS phù hợp. Bà Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty TNHH Bảo Châu, chuyên kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh phường Đông Ba, TP. Huế tỏ ra lo lắng khi nhắc đến CĐS. Bà Châu cho biết, không CĐS thì sợ tụt hậu, bị bỏ lại phía sau, mà thực hiện CĐS thì không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào cho hiệu quả. “Công ty tôi đã từng áp dụng một vài phần mềm nhưng không thành công”, bà Châu cho biết.

Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, thực tế hiện nay, bên cạnh những DN CĐS thành công, thì cũng không ít DN thất bại. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà CĐS mang lại; chưa sẵn sàng cho việc CĐS và chưa dành nguồn lực tương xứng cho CĐS; hoặc thực hiện CĐS nhưng chưa có nhiều hiệu quả.

Đồng hành, hỗ trợ DN trong thực hiện CĐS, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn trong kế hoạch “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023” được ban hành đầu tháng 3 này có nhiều nội dung ưu tiên hỗ  trợ DN thực hiện CĐS. Cụ thể,  hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và duy trì tài khoản trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tổng kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo kế hoạch này là 5 tỷ đồng.

Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã ở tỉnh đến năm 2025. Chương trình hỗ trợ này nhằm đẩy nhanh việc CĐS trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã ở tỉnh thông qua việc sử dụng các nền tảng số. Qua đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, hợp tác xã sẽ tối ưu hóa hoạt động, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực của địa phương.

Ông Dương Tuấn Anh cho biết, hiệp hội đã và đang tận dụng những chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN trong CĐS của tỉnh,  chủ động liên hệ với các sở, ban, ngành liên quan để áp dụng triển khai cho doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động nắm bắt nhu cầu của DN trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn hỗ trợ DN tiếp cận những chính sách hỗ trợ CĐS một cách hiệu quả nhất. “Tuy nhiên bản thân các DN cũng phải nhận thức được CĐS trong DN là xu thế tất yếu, phải chủ động và có trách nhiệm CĐS cho DN thì lúc đó mới giúp DN có quyết tâm CĐS thành công”, ông Dương Tuấn Anh nói.

Bài, ảnh: Hải Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top