Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 diễn ra ngày 25/2. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tham dự hội nghị tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
Phải đi tắt, đón đầu
Thông tin tại hội nghị, năm 2022, công tác CĐS đạt được một số kết quả trên nhiều mặt về nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực CĐS; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá khách quan, thẳng thắn chỉ ra những kết quả nổi bật, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn trong quá trình CĐS.
Theo đó, một số cơ quan, đơn vị, địa phương và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định đúng vị trí, vai trò, giá trị mà CĐS mang lại; chưa sẵn sàng cho việc CĐS và chưa dành nguồn lực tương xứng cho CĐS; hoặc thực hiện CĐS nhưng chưa có nhiều hiệu quả, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhận thức, hiểu biết, kỹ năng số của đa số người dân còn hạn chế, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin ngày càng khó khăn, phức tạp.
Năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, CĐS tiếp tục được đẩy mạnh. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục gắn với kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đạt những kết quả tích cực. Đã có trên 177 triệu hồ sơ xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng trên 23 triệu so với cuối năm 2022; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh-thường trú-cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử-xóa đăng ký thường trú-trợ cấp mai táng phí…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, CĐS là xu thế, đã và đang được đẩy mạnh trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời nhấn mạnh, CĐS ở Việt Nam phải có tư duy đi tắt, đón đầu, đi trước, về trước, phát triển đột phá; quán triệt quan điểm dữ liệu là tài nguyên quý của quốc gia cần khai thác, phát huy để trở thành nguồn lực, động lực phát triển trong kỷ nguyên số, người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể trong CĐS.
Muốn CĐS thành công phải tập trung nguồn lực
Cần nhiều nguồn lực cho chuyển đổi số
Bắt nhịp với xu thế, quá trình CĐS của tỉnh những năm qua có nhiều chuyển biến rõ nét. Tỉnh đã chia sẻ bài toán, sáng kiến, cách làm về CĐS thông qua Tuần lễ CĐS qua các năm và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu triển khai chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh.
Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước tại Thừa Thiên Huế được đầu tư đồng bộ, mạng diện rộng được kết nối 100% cấp xã qua mạng truyền số liệu trong cơ quan Đảng và Nhà nước; trung tâm dữ liệu được đầu tư để triển khai các hệ thống phục vụ chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân. Nền tảng phát triển ứng dụng, nền tảng tích hợp, chia sẻ liên thông (LSGP) đã kết nối thông với nền tảng tích hợp chia sẻ liên thông quốc gia (NGSP).
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã đưa vào sử dụng 73 cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành; triển khai hệ thống số hóa dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, số hóa dữ liệu phục vụ việc triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến, dịch vụ đô thị thông minh. Các dữ liệu liên quan đến các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, lao động thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông... cũng được số hóa.
Đặc biệt, sự thành công từ nền tảng Hue-S đã tạo ra điểm nhấn đáng chú ý. Từ thành công của dịch vụ phản ánh hiện trường ban đầu, đến nay Hue-S được mở rộng, tích hợp thêm nhiều dịch vụ đô thị thông minh và chính quyền số, bao gồm các dịch vụ: Thông báo cảnh báo, giáo dục đào tạo, chống bão lũ, chống dịch bệnh, taxi, dịch vụ thiết yếu, y tế sức khỏe, giao thông, dịch vụ du lịch, môi trường, tài nguyên, quy hoạch đất đai…
Ngoài ra, cuối tháng 12/2010, 11 hạng mục của dự án GISHue chính thức đưa vào sử dụng. Phát triển dịch vụ bản đồ số tích hợp trên nền tảng số Hue-S; nghiên cứu, tích hợp nền tảng bản đồ số Map4D. Năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã đầu tư xây dựng Cổng thông tin dịch vụ đô thị thông minh, đây là nơi giao tiếp, kết nối với các hệ thống thông tin khác để tạo nên hệ thống dịch vụ (services/API).
Đánh giá về những khó khăn, lãnh đạo tỉnh cho rằng, kinh phí triển khai các hoạt động CĐS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của tỉnh. Do vậy, cần được sự tiếp tục và tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ nguồn lực từ các cơ quan Trung ương cho hoạt động CĐS của địa phương.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản thống nhất với báo cáo, ý kiến tại hội nghị, giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện và sớm trình thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Bài, ảnh: LÊ THỌ