ClockThứ Năm, 18/10/2018 06:30

Thay thế cây xanh ở đường Lý Thường Kiệt

TTH - Cây muồng Xiêm sẽ được trồng thay thế cây so đo cam hai bên vỉa hè ở đường Lý Thường Kiệt , TP. Huế.

Cẩn trọng với cây so đo cam

Hiện trạng cây so đo cam trên đường Lý Thường Kiệt

Loài cây xâm hại

Năm 2010, kết hợp với việc tôn tạo vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế đã quyết định chọn trồng cây so đo cam suốt dọc cả hai vỉa hè, với mong muốn sau khi định hình, đến mùa khoe sắc, hai hàng cây sẽ làm cho con đường Lý Thường Kiệt nổi bật một sắc thái riêng.

Đến năm 2014, TP cũng đã đồng ý cho thay thế một số cây so đo cam còi cọc, hư hỏng. Từ đó đến nay, hiện trạng cây so đo cam trên đường Lý Thường Kiệt đã càng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập.

Về mặt sinh trưởng, cho thấy hai hàng cây không đồng đều về cả kích cỡ lẫn hình thái. Suốt một quãng thời gian tám năm mà hai hàng cây vẫn chưa định hình, hầu hết không phát huy khả năng tôn tạo cảnh quan và che bóng. Nhiều cây cụt ngọn, trơ cành, thậm chí đổ thân, tạo cảnh quan không mấy đẹp mắt giữa lòng đô thị.

Về mặt quản lý môi trường, cây so đo cam đã chính thức được xếp vào “Danh mục các loài ngoại lai xâm hại xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam” trong Thông tư 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của liên Bộ TN&MT và NN&PTNT. Ngày 3/10/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị định 114/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ thực vật để xử phạt các trường hợp vi phạm và buộc tiêu huỷ theo quy định, trong đó có các loài cây ngoại lai xâm hại.

Căn cứ vào thông tư và nghị định trên,  ngày 13/01/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có Công văn số 11/BVTV gửi Sở NN&PTNT cảnh báo việc trồng loài cây ngoại lai xâm hại trên trục đường Lý Thường Kiệt, kiến nghị tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các đơn vị liên quan có kế hoạch cô lập và diệt trừ.

Không chỉ dưới góc nhìn sinh học, sinh thái, cảnh quan mà cả sự ràng buộc tính pháp quy nhà nước thì cây so đo cam không có lý do gì để được tồn tại. Và lẽ ra, nó phải được thay thế từ lâu, nhưng do thận trọng, cần có thời gian trải nghiệm nên đến nay TP. Huế  mới có quyết tâm thực hiện.

Cân nhắc kỹ lưỡng

Việc chọn lựa một loài cây để trồng thay thế cũng là một giải pháp cần cân nhắc kỹ lưỡng. Vì thế, Chủ tịch UBND TP. Huế đã chỉ đạo cho Trung tâm Công viên cây xanh (TTCVCX) nghiên cứu trình ý tưởng chọn loài.

Ngày 1/10/2018 vừa qua, UBND TP. Huế đã tổ chức buổi họp để nghe đề xuất chủng loại cây trồng thay thế và lấy ý kiến của các bên liên quan. Buổi họp do ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế chủ trì với sự tham dự đầy đủ của đại diện các phòng ban liên quan, các đại diện của Sở NN&PTNT, UBND phường Vĩnh Ninh, UBND phường Phú Nhuận, Khoa Lâm nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế và chuyên gia cây xanh.

Toàn thể đại biểu tham dự cuộc họp đều thống nhất với quyết định di dời cây so đo cam ra khỏi đường Lý Thường Kiệt, đồng thời đóng góp ý kiến thảo luận một cách tích cực cho việc chọn lựa loài cây thay thế.

Căn cứ kết quả đánh giá kiến trúc cảnh quan và điều kiện môi trường thổ nhưỡng, TTCVCX đã đề xuất chọn một trong hai phương án cây thay thế là cây muồng Xiêm và cây nhội (muối).

Các thành viên dự họp đề xuất và thảo luận thêm các cây bằng lăng, dái ngựa, sấu, muồng hoa đào, tếch, giáng hương.

Ý kiến thảo luận đã phân tích kỹ về các đặc điểm sinh học (sinh trưởng, phát triển), sinh thái, nguồn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc đối với từng loài để xuất để giúp lãnh đạo thành phố suy nghĩ, tính toán chọn lựa thích hợp. Đồng thời lưu ý công tác truyền thông để cộng đồng nắm bắt mục tiêu, phương hướng của việc chỉnh trang cây xanh đường Lý Thường Kiệt nhằm tránh những suy nghĩ lệch lạc gây ngộ nhận trong cộng đồng khiến công tác chỉnh trang cây xanh này gặp những khó khăn không đáng có.

Chúng tôi cũng rất tâm đắc với ý kiến của ông Nguyễn Văn Thành được nhắc đi nhắc lại là TTCVCX cần đẩy mạnh tiến độ rà soát, hiệu chỉnh để dự án “Thay thế, chỉnh trang cây xanh đường phố” sớm được thực hiện.

Xây dựng phương án trồng, chống đỡ, chăm sóc

Theo kết luận của Chủ tịch UBND TP. Huế, căn cứ vào phân tích của chuyên gia và ý kiến của các thành viên buổi họp, sẽ chọn ưu tiên phương án 1 (cây muồng Xiêm). Tuy nhiên, để có thêm cơ sở vững chắc, TTCVCX cần phải tham khảo thêm kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lân cận nhằm tham mưu TP ra quyết định thực hiện. Cần phân đoạn tuyến đường để trồng thay thế từng đợt một; khi trồng thay thế phải thống nhất chọn cây đồng bộ, cùng kích cỡ, đúng quy cách chất lượng, đảm bảo có bầu đúng tiêu chuẩn; phải xây dựng rõ phương án kỹ thuật trồng, chống đỡ, chăm sóc để đảm bảo cây sống khoẻ, sinh trưởng tốt; phối hợp với chuyên gia cây xanh để có phương án chọn cây, trồng cây và chăm sóc tốt nhất.

Bài, ảnh: Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão

Việc cắt tỉa cây, mé cành là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người dân và bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng trong mùa mưa bão. Vì vậy, Trung tâm Công viên cây xanh Huế và Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) đã chủ động thực hiện nhiệm vụ này.

Cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão
Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách

Cứ mỗi lần nghe tin sắp có bão lớn là nhiều người ăn ngủ không yên. Người ở nhà dưới cấp 4, nhà tạm thì lo nhà sập. Người ở nhà trên cấp 4 một tí thì lo gió làm tốc mái, lo cây đổ đè sập nhà, làm đứt đường dây điện chiếu sáng, đứt dây điện thoại, gây tai nạn chết người. Người ở nhà kiên cố, nhà rường thì lo sạt mái ngói. Người có xe ô tô đậu ngoài đường thì lo cây đổ đè hư hỏng.

Bảo vệ cây xanh bằng nhiều cách
Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai cắt tỉa cây xanh và gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 20/9.

Gia cố cây xanh trước mùa mưa bão
Đừng làm đau cây xanh

Hiện nay, không ít cây xanh dọc các tuyến đường ở TP. Huế bị bao vây bởi xà bần bê tông, đinh, tấm bảng quảng cáo, dây treo... dưới gốc hay trên thân cây. Chỉ vì sự "vô cảm", thiếu ý thức của một số người mà nhiều cây xanh vốn có dáng đẹp, giúp làm sạch, làm mát cho đô thị trở nên nhếch nhác, èo uột.

Đừng làm đau cây xanh

TIN MỚI

Cung cấp Cây bàng đài loan Giá rẻ
Return to top