ClockThứ Sáu, 27/11/2015 11:00

Theo chồng ra khơi

TTH - "Đồng cam cộng khổ" cùng chồng bám biển, nhiều phụ nữ từng đối mặt với cảnh chìm thuyền, thoát chết chỉ trong gang tất. Thế nhưng, đó cũng là những giây phút họ cảm nhận được niềm hạnh phúc gia đình.

Chị Thủy kiểm tra lưới cá trước chuyến ra khơi

Cùng chồng đối mặt tử thần

Chiều ngày mưa, chúng tôi có dịp dừng chân lại thôn Tân Lập (thị trấn Thuận An). Lẻ loi trên con thuyền nằm bờ, chị La Thị Thủy (vợ của ngư dân Hồ Văn Ánh) đang dọn dẹp, kiểm tra lại lưới cá. Từ bờ đến chiếc thuyền neo đậu phải nhờ sự hỗ trợ của chiếc ghe nhỏ. Cuộc trao đổi của chúng tôi vọng qua lại giữa khoảng cách người trên bờ, kẻ dưới nước. Chị Thủy vừa làm vừa kể bằng giọng nói đậm chất làng biển: “Nhiều người thấy phụ nữ đi mần nghề thì họ cười, nhưng tui nói thiệt, ở quê tui 10 người đàn bà thì hết 9 người theo chồng ra khơi. Tui cũng 15 năm lênh đênh trên thuyền cùng chồng rồi. Với những người dân làng biển này, đi biển cùng chồng cũng là một bí quyết để giữ gìn hạnh phúc”.
Câu chuyện kể xen lẫn những tiếng cười, chị Thủy bảo, đi biển là một niềm vui. Người sinh ra ở làng biển không vươn khơi thì “uổng công tạo hóa”, nhưng đã đi biển, phải chấp nhận đối mặt cảnh nguy hiểm. Trong ký ức nữ ngư dân này, phải hơn chục lần chị cùng chồng lâm vào cảnh chìm thuyền nhưng may mắn được mọi người cứu giúp. Có lần thì vớt được thuyền, nhưng nếu xui xẻo, thì chỉ cần giữ được mạng, rồi hai vợ chồng lại quay về tìm cách xoay xở đóng thuyền mới, tiếp tục nghề “thu phục con cá”. Kỷ niệm nào khiến chị nhớ mãi trong suốt những ngày tháng đi biển? – chúng tôi hỏi. Giọng chị chùng xuống: “Năm 2011, lúc đó khoảng 3 giờ sáng đang trên đường trở về thì bị vấp sóng lật thuyền. Hai vợ chồng chưa hết vui vì đêm đánh bắt được nhiều cá đã thấy mình ngụp lặn dưới nước, cả người ướt lạnh. May được nhiều người đi làm nghề về vớt lên. Lần đó mất luôn chiếc thuyền. Thật tình mần nghề sợ thì có sợ, nhưng nghĩ cảnh có vợ có chồng vẫn hơn. Nếu như để chồng đi một mình, tui ở nhà không yên tâm”.
Dù mới 3 năm cùng chồng đi đánh bắt gần bờ nhưng cũng đủ để người phụ nữ tuổi 25 Trần Thị Mùi cảm nhận được hiểm nguy của biển. Chỉ vào đứa con đang ôm trên mình, chị bắt đầu lục lại kí ức: “Trước đây em đi may ở TP Hồ Chí Minh rồi ra đây lấy chồng. Chồng làm nghề biển nên em cũng tập đi theo dù không biết bơi. Lần đó, đang mang bầu 7-8 tháng, đi bủa lưới ngoài cửa biển thì bị chìm, may gặp ban ngày nên được họ tới cứu. Em khiếp, nghỉ ở nhà một năm rồi vì miếng cơm manh áo và thương chồng nên đi lại. Đứa con này cũng là chứng nhân của tình cảm vợ chồng em trên biển”. Cuộc sống lênh đênh theo sóng nước, nhưng họ được ở gần nhau, yên tâm và cảm nhận được nguồn động viên ở bên cạnh.
Tình yêu với biển
Ngồi cạnh những nữ ngư dân nhiều lần đối mặt với sóng dữ, chúng tôi cảm nhận được nguồn sức mạnh nội lực từ họ. Sự mạnh mẽ không đến từ vóc dáng bề ngoài mà trong những lời nói “cứng như đá” trong câu chuyện về biển. Nữ lão ngư 63 tuổi Hà Thị Bảy khẳng định: “Nhiều người nói đàn ông đi biển, đàn bà ở nhà bán cá nhưng ở đây thì trên biển sức đàn bà cũng ngang ngửa đàn ông, họ làm chi thì tụi tui cũng làm nấy. Thậm chí đi đánh về chồng nghỉ ngơi, tụi tui vẫn còn sức để đi bán. Vượt qua những hiểm nguy, nhiều cặp vợ chồng ở đây mới thương và gắn bó tình cảm cùng nhau hơn”.
Trải lòng kể về những nỗi niềm trên con sóng, những phụ nữ làng biển tâm sự, đi biển cũng là một niềm vui, thậm chí đi mãi sẽ ghiền. Hạnh phúc cùng chồng vượt qua từng con sóng, niềm vui khi kéo những mẻ lưới đầy cá bù đắp lại nỗi lo khó nhọc trong hành trình mưu sinh và đưa con đi đến tận cùng của sự học. Chị Hồ Thị Hương (45 tuổi) nói chậm rãi: “Cha mẹ mô cũng lo cho con. Giờ chừ chuyện học của con cái là chuyện quan tâm nhất. Nói thiệt, tụi tui ít học vì rứa mà khổ. Đã khổ rồi thì quyết tâm cho con đi học. Cực mà sắm được cho tụi nó quyển sách, quyển vở đến trường với bạn cũng vui rồi”.
Trò chuyện cùng lão ngư Lê Hữu Tây (trú tại thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An), một người có tiếng can đảm vươn khơi, ông tâm sự, những người đàn ông đi biển gặp nguy hiểm thì đơn giản, nhưng phụ nữ đi biển là cả một sự vượt khó đáng khen. “Nơi tui ở đây chừ hầu như không còn phụ nữ đi biển nữa. Chỉ có anh em tui vươn khơi kiếm con cá về. Nghề đi biển ni vui thì vui nhưng cũng cực lắm nên thấy những chị em phía thôn Tân Lập mà nể. Ở đó phụ nữ đi biển cả làng. Có lẽ cũng nhờ đó mà tui thấy tình cảm vợ chồng họ đượm thắm”.
Chị Trần Thị Yến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Lập chia sẻ, trong thôn có gần 200 hộ dân thì khoảng 90% phụ nữ cùng chồng đi làm nghề biển. “Phụ nữ ở đây khá đảm đang, vừa cùng chồng gánh vác chuyện mưu sinh nhưng cũng lo chu toàn gia đình”.
Trời những ngày biển động, chúng tôi thấy những người phụ nữ ôm bên mình chiếc đài báo gió. Họ kể, từ tháng 2-7 âm lịch là thời gian thường xuyên có mặt trên biển, những tháng còn lại phải đợi trời yên biển lặng mới lên thuyền đi làm nghề. Bất chấp những nguy hiểm rình rập phía trước, họ vẫn luôn cố gắng vươn khơi bởi đằng sau những chuyến biển ấy, hạnh phúc gia đình lại được thắp lên, tương lai của con cháu họ sẽ được ổn định.
Bài, ảnh: Lê Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề phòng giông sét khi vào vụ sản xuất

Thời điểm kết thúc vụ đông xuân, chuẩn bị vụ hè thu cũng là lúc nông dân đối diện với giông sét trên đồng khi thu hoạch nông sản. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cảnh báo, người dân cần chủ động phòng tránh, không được chủ quan, làm đồng khi đang có giông sét, tránh rủi ro do bị sét đánh có thể dẫn đến tử vong.

Đề phòng giông sét khi vào vụ sản xuất
Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách

Cùng với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương hay vốn ủy thác từ chính quyền các cấp sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, nguồn vốn huy động từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức cũng góp một phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Huy động tiền gửi tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách
Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho hàng nghìn lao động với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi người lao động (NLĐ).

Nhiều doanh nghiệp vẫn chậm đóng bảo hiểm xã hội
Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số

Với mục tiêu đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong hành trình thoát nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện A Lưới thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, Tổ tiết kiệm và vay vốn chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tiếp sức đồng bào dân tộc thiểu số
Return to top