ClockThứ Năm, 31/03/2022 09:37

Bộ Công Thương triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản luôn là ưu tiên của Chính phủ và các bộ, ngành; trong đó có Bộ Công Thương.

Đồng hành với nông dân vượt đại dịch COVID-19Hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản, thủy sảnNông sản lên “sàn” - tín hiệu mới trong chuyển đổi số nông nghiệpUBND tỉnh yêu cầu tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sảnĐầu tư 440 tỷ đồng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sảnXúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản

Xe nông sản chờ thông quan qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài. Ảnh tư liệu: Quang Duy/TTXVN

Hiện nay, tình hình tiêu thụ nông sản rất tốt bởi 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 7,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ. Đặc biệt, số lượng xe hàng còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn đã giảm đi nhiều và chỉ còn khoảng 1.000 xe.

Tiêu thụ nông sản khả quan

Chia sẻ về tăng trưởng xuất khẩu chung và nông sản nói riêng tại buổi họp báo thường kỳ quý I do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/3, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Trong quý I/2022, tăng trưởng xuất khẩu chung của các mặt hàng là 10%, riêng tăng trưởng xuất khẩu nông sản đạt 19%. Đặc biệt, gạo, cà phê, thủy sản còn có tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa, từ 38-50%.

Thế nhưng, tình hình tiêu thụ nông sản vẫn gặp một số khó khăn ở một số nhóm hàng và một số thời điểm cụ thể. Chẳng hạn như mặt hàng trái cây xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ biên giới sang Trung Quốc.

Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về chuyển hoạt động thương mại biên giới từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng thành lập Ban chỉ đạo giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ là thành viên.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để gia tăng số lượng mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch trong thời gian tới.

Không những thế, Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn doanh nghiệp thay đổi phương thức giao nhận và tận dụng các phương thức khác ngoài đường bộ như đường sắt, đường biển.

Theo ông Trần Thanh Hải, tại thời điểm này, số lượng xe hàng còn nằm ở khu vực biên giới đã giảm đi rất nhiều. Việc này do chính sách chống dịch của Trung Quốc chưa thay đổi làm khả năng thông quan bị giảm đi nhiều, khiến doanh nghiệp hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu.

Song song với đó là các doanh nghiệp nhận thức được rằng cần thay đổi phương thức vận chuyển, phương thức giao hàng hóa nên số lượng xe tại thời điểm này còn ùn tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn còn khoảng hơn 1.000 xe.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, địa phương tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nói riêng; trong đó, có việc biên soạn tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp tìm thị trường, bạn hàng, các điều cần lưu ý khi tham gia hoạt động xuất khẩu, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xuất bản cuốn Cẩm nang hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch và huy động hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh mở rộng các thị trường khác, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Mỹ sang các khu vực thị trường khác như Mỹ la tinh, Trung Đông, Đông Bắc Á...

Tại buổi họp báo, ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra rằng: Mặc dù Bộ Công Thương đang khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch nhưng hoạt động thương mại biên giới vẫn tồn tại với những ưu điểm riêng.

Đây là phương thức mà các địa phương, doanh nghiệp có thể sử dụng nhưng để cân đối tỷ lệ và phát huy hiệu quả của các phương thức này trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, trao đổi với các hiệp hội, địa phương để đẩy mạnh việc chuyển đổi sang chính ngạch.

Lý giải nguyên nhân tại sao năm nào cũng có hiện tượng ùn tắc, hoặc không tiêu thụ được các sản phẩm và người dân, doanh nghiệp không xuất khẩu chính ngạch, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Cần phải nhìn nhận đó là một thực tế, bởi sự manh mún trong hoạt động sản xuất kinh doanh, sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà sản xuất, nông dân… còn nhiều bất cập, chưa đạt được ở nước khác.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam là một trong những nước có xuất khẩu tăng trưởng cao nên muốn có sự tăng trưởng bền vững thì xuất khẩu chính ngạch phải tốt.

Dù vậy, thực tế vẫn còn tồn tại hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Đây là cả một quá trình và để giải quyết được nên một mặt phải khuyến khích người dân, người sản xuất, nông dân, kể cả các doanh nghiệp hoạt động theo chính ngạch, nhưng mặt khác cũng phải tập trung tháo gỡ khó khăn do chính nội tại hiện nay.

Chính phủ, Bộ Công Thương đã điện đàm trực tiếp, làm việc với các cấp lãnh đạo của Trung Quốc. Các địa phương ở biên giới cũng phải làm việc với nhau, vì quyền hạn của các địa phương mà có biên giới với Trung Quốc khác với địa phương của Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải có sự quan hệ khăng khít, đảm bảo hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Liên quan đến kế hoạch tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân trong mùa vụ 2022, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã chỉ đạo giao 1 số đơn vị chức năng thuộc Bộ; trong đó, có Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, các Vụ Thị trường ngoài nước… tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả trong và ngoài nước.

Đơn cử, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng là đơn vị tích cực triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trước đây, trong giai đoạn mới đổi tên là "Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam" và hàng loạt các hoạt động hỗ trợ, kết nối, đưa sản phẩm nông sản tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương vừa triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.

Cụ thể như việc đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho quy trình nuôi trồng và chăm bón. Hơn nữa, Bộ Công Thương cũng giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam.

Bởi việc hình thành bản đồ sẽ cung cấp thông tin chính thức, giới thiệu khách hàng tiềm năng cho sản phẩm nông sản từng địa phương, và thông qua môi trường mạng, hoàn toàn có thể kết nối trực tiếp từng địa phương, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất.

Mặt khác, Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều khóa đào tạo hỗ trợ liên quan đến nâng cao kỹ năng bán hàng lẻ cho hộ nông dân, hợp tác xã như bán hàng livetream, trực tuyến.

Nhận định xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, một trong những biện pháp hiệu quả trong thời gian vừa qua là ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online và kết nối, ký hợp tác với những "người bạn khổng lồ" như Amazon Global Selling, với 300 triệu khách hàng trên thế giới.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại cũng làm việc với Alibaba nhằm kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiêu thụ các sản phẩm. Vì vậy, cần tăng cường các biện pháp này để hỗ trợ bà con nông dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; trong đó, có nông sản.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, không phải chỉ khi có dịch mới bắt buộc phải tổ chức các sự kiện về xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu online mà đây sẽ là xu hướng bắt buộc phải tuân theo.

Thế nhưng vẫn có một số mặt hàng, hoạt động xúc tiến thương mại bắt buộc phải trực tiếp như hội chợ triển lãm ở các nơi trên thế giới đòi hỏi phải có mặt, giới thiệu trực tiếp để đưa mặt hàng trực tiếp đến người khách hàng.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2020 -2030".

Bởi thế, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành cơ quan địa phương, cơ quan xúc tiến thương mại liên quan, tích cực triển khai đưa ứng dụng số, nền tảng số trong việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản nhằm giúp bà con nông dân chủ động chào bán sản phẩm.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

TIN MỚI

Return to top