ClockThứ Hai, 05/02/2024 12:53

Có thương hiệu hẵng bàn đến thị trường

TTH - Một sản phẩm hay dịch vụ muốn trở thành hàng hóa, gia nhập thị trường đòi hỏi phải có xuất xứ, được chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu rõ ràng. Nhiều sản phẩm “nguyên bản” của Huế đã và đang được bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) để ra khỏi “ao làng”, vươn đến các thị trường rộng lớn hơn.

Đưa một ý “thiện” vào văn hóa kinh doanh tại HuếDu lịch - Điểm sáng nổi bật, định vị rõ nét thương hiệu Việt Nam“Thương hiệu Huế” nhìn từ Quy hoạch tỉnh

 Đăng ký nhãn hiệu sở hữu trí tuệ, bánh ép Huế Food đã vươn ra thị trường quốc tế

Khai thác giá trị tài sản công

Sự kiện 6 món ăn của Huế trong số 121 món ăn trên cả nước vừa được Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tôn vinh và trao chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I - 2022 là khởi đầu cho việc quảng bá ẩm thực Huế ra thế giới. Đó đều là những món ăn quen thuộc với người dân, du khách: bún bò Huế, chè bột lọc bọc heo quay, cơm hến, bánh lọc, vả trộn hoa màu chay, cơm hấp lá sen chay. Là thiên đường ẩm thực với nhiều món ăn đặc trưng tuyệt vời, kỳ vọng của Huế là đưa ẩm thực Huế vào “Bếp ăn của Việt Nam” và “Bếp ăn của thế giới”. Đây cũng là trăn trở mà ngành du lịch đang nỗ lực đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” cho 22 món ăn đặc trưng và có vùng nguyên liệu đảm bảo, tiến tới đăng ký bản quyền và quản lý hiệu quả món ăn Huế.

Tự hào về “kho vàng” ẩm thực Huế, tại một diễn đàn bàn về tạo lập quyền SHTT, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành đang xây dựng các tiêu chí về quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực” để phát huy giá trị các nhà hàng đảm bảo đủ tiêu chuẩn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Huế - Kinh đô ẩm thực”. “Việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu “Huế - Kinh đô ẩm thực” sẽ định hình chiến lược xây dựng Huế trở thành thủ phủ, kinh đô ẩm thực, góp phần đưa Huế trở thành điểm đến có lực hút mạnh từ các yếu tố văn hóa cốt lõi mà du khách không thể bỏ qua khi đến Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP hay sản phẩm du lịch, địa điểm du lịch, dịch vụ... của địa phương, doanh nghiệp muốn phát triển trước hết cần phải được thị trường biết đến. Nhưng quan trọng hơn cả là phải được thị trường tín nhiệm. Để được tín nhiệm cần phải chứng minh được danh tiếng, chất lượng và khả năng gìn giữ bảo đảm về danh tiếng và chất lượng đó. Trong lĩnh vực SHTT rộng lớn, có một số giải pháp hết sức phù hợp để có thể hỗ trợ cho các sản phẩm hàng hóa, du lịch, dịch vụ. Đó chính là giải pháp về nhãn hiệu chứng nhận. Và ngành khoa học công nghệ tỉnh đang khuyến khích, thúc đẩy các thành phần, tổ chức tham gia.

Một số tour du lịch cộng đồng gắn với từng địa danh ở Huế đã trở thành thương hiệu, như: trải nghiệm Festival Huế, Huế Festival nghề truyền thống, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, phố cổ Bao Vinh, nhà vườn Phú Mộng - Kim Long, làng hương Thủy Xuân, chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn, chợ phiên Nam Đông, A Lưới, Rú Chá, Đầm Chuồn, Thuận An biển gọi... Làng cổ Phước Tích nằm ở cực bắc của tỉnh thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền là một trong số điểm đến đặc trưng và là tour du lịch trải nghiệm đang rất hút khách. Vì nơi đây có quần thể di tích nghệ thuật kiến trúc độc đáo với những ngôi nhà rường cổ được chạm khắc những họa tiết hoa văn cực kỳ tinh xảo, có nghề làm gốm truyền thống, có những hàng chè tàu xanh mướt. Bao quanh làng cổ Phước Tích còn có đình, chùa, miếu, di tích văn hóa Chăm Pa, cây cổ thụ, bến nước, sân đình... Để các thế mạnh của điểm du lịch làng cổ Phước Tích được phát huy, chính quyền đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Hương xưa làng cổ Phước Tích” để vừa bảo tồn và phát huy giá trị về văn hóa, kinh tế, xã hội. Quan trọng hơn là khi Phước Tích được bảo hộ về thương hiệu cùng với cách làm du lịch dịch vụ chuyên nghiệp, bài bản và đồng bộ sẽ tạo ra giá trị về kinh tế, văn hóa, môi trường nơi đây.

Có người từng ví, những sản phẩm khi được xây dựng và bảo hộ thương hiệu thì mặc nhiên trở thành “những mỏ vàng không bị bỏ hoang”, đem lại nhiều giá trị lớn cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Thương hiệu “Hương xưa làng cổ Phước Tích” hay “Chợ quê cầu ngói Thanh Toàn và nhiều sản phẩm, dịch vụ công khác trên mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng sẽ là “nồi cơm Thạch Sanh” khi được xác lập bản quyền và biết phát huy, dụng đúng công, tâm.

Tạo lập nhãn hiệu gắn thương hiệu “Huế”

Danh tiếng của một sản phẩm, khu du lịch có thể được hình thành như một món quà được tự nhiên ban tặng hoặc lịch sử bồi đắp. Nhưng việc gìn giữ, duy trì và lan tỏa danh tiếng ấy cần rất nhiều yếu tố, nguồn lực, công cụ khác nhau cùng cộng hưởng. Đó cũng là quan điểm của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hồ Thắng khi cho rằng, SHTT dần khẳng định vị thế của một công cụ pháp lý, kinh tế quan trọng, đóng vai trò bệ đỡ trong chiến lược duy trì, thậm chí nâng cao, lan tỏa danh tiếng, đồng thời được sử dụng như tấm lá chắn giúp bảo vệ danh tiếng có được của một sản phẩm, khu du lịch của địa phương.

Trong bối cảnh cạnh tranh, cần tìm ra những điểm đặc trưng, lợi thế sáng tạo từ chính cộng đồng mà đối thủ cạnh tranh khó sao chép, đó là tài nguyên tự nhiên, văn hóa, xã hội và con người của khu vực địa lý. Chẳng hạn sen Huế, mè xửng Huế, tôm chua Huế, dầu tràm Huế, thanh trà Huế, bún bò Huế, nón lá Huế, Hoàng mai Huế... đều là những tài sản trí tuệ của cộng đồng người Huế, của đất Huế và là sản phẩm, đặc sản để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên sự khác biệt về những dấu hiệu nhận biết vốn dĩ đã được mặc định mang thương hiệu “Huế”.

Việc xác định đối tượng quyền SHTT tương ứng với mỗi loại tài sản trí tuệ của từng địa phương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi xây dựng mô hình quản lý và phát triển. Đến nay, Thừa Thiên Huế đã được cấp hơn 1.300 giấy chứng nhận nhãn hiệu, 95 nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể và 4 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra có hàng trăm văn bằng bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp và sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp cho các tri thức truyền thống, văn hóa của tỉnh và các sản phẩm công nghiệp sản xuất tại địa phương... 

Nhiều sản phẩm, đặc sản đang tiếp tục được lập hồ sơ đăng ký cấp bảo hộ quyền SHTT. Đặc biệt, ngoài 2 sản phẩm là nón lá Huế và dầu tràm Huế đã được cấp chỉ dẫn địa lý - loại hình bảo hộ quyền SHTT cao nhất, phức tạp nhất, đầu năm 2024, chỉ dẫn địa lý cho Hoàng mai Huế và thanh trà Huế đã được cấp văn bằng chứng nhận. Khi các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi phát huy lợi thế cạnh tranh, hình thành một ngành sản xuất phát triển theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chặn sim rác ra thị trường

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) yêu cầu từ sau ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.

Chặn sim rác ra thị trường
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4

TIN MỚI

Return to top