Đầu năm 2020, tham dự phiên đấu giá đất do Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phú Vang phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Chuỗi Giá Trị tổ chức tại UBND xã Phú Thượng mới thấy, đất nền vẫn chưa thôi “sốt”. Cụ thể, các cơ quan, doanh nghiệp chỉ tổ chức đấu giá khoảng 20 lô đất nhưng lượt hồ sơ nộp đấu gấp 3 lần con số đó. Bình quân mỗi hồ sơ có từ 1-2 người đến đấu và đi cùng nên hội trường hôm đó chật cứng người.
So với phiên đấu giá cách đó không lâu mà chúng tôi có dịp tham dự, lần này, hội đồng đấu giá không tổ chức đấu theo lô (tức là đưa ra mức giá sàn từng lô để người dân đấu) mà đấu theo mét vuông. Khi người dân tham gia đấu theo các bước giá tính trên mét vuông rồi nhân với diện tích sẽ cho ra giá đấu trúng. Người đấu trúng là người trả giá cao nhất ở bước cuối cùng khi không còn ai khác đấu sau ba lần đấu giá viên nhắc lại công khai ở hội trường. Cách làm này vừa minh bạch, vừa giúp người đấu giá có cơ hội cân nhắc các mức đấu của mình và cũng phần nào loại bỏ được sự đầu cơ của một bộ phận “cò đất”.
Đáng chú ý là giá đất đấu trúng cao gấp đôi thậm chí gấp ba so với giá sàn. Cụ thể, một mét vuông đất ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, Phú Vang có mức giá khởi điểm từ 1,9 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng. Song, mức giá đấu trúng hôm đó với cả 10 lô đều gấp từ 2-3 lần, với tương đương từ trên 6,3 triệu đồng đến hơn 7 triệu đồng/m2. Ở thôn Trung Đông cũng tương tự, với mức giá khởi điểm 3,6 triệu đồng/m2 đều được đấu trúng bình quân trên 9 triệu đồng/m2 và tất cả các lô đều có người đấu trúng.
Hội đồng đấu giá hôm đó còn cho rằng, mức giá người dân đấu trúng khiến họ khá bất ngờ, bởi giá được đẩy lên khá cao và không chỉ phiên đấu giá này mà một số phiên đấu giá gần đây, mức giá đấu trúng thường cao hơn giá khởi điểm khá nhiều.
Qua tìm hiểu, gần đây, gần như 100% hồ sơ đấu trúng đều đến nộp tiền thuế và tiền đất sau khi có thông báo của cơ quan liên quan. Điều đó cho thấy, rõ ràng nhu cầu về đất đai là có và thị trường mua bán đất dù không sôi động nhưng giá đất vẫn chưa hạ nhiệt nhiều.
Ngoài phân khúc đất nền, thì chung cư thu nhập thấp cũng không kém sôi động khi lượng khách hàng có nhu cầu mua vẫn còn nhiều. Nhà đầu tư chung cư Vicoland - Chi nhánh Huế cho biết, họ luôn được hỏi có còn chung cư để bán cho khách hàng hay không, trong khi những căn hộ cuối cùng được bán từ cách đây hơn 1 năm.
Chung cư Xuân Phú cũng tương tự. Riêng nhà đầu tư chung cư thu nhập thấp Aranya dù đang triển khai thêm block mới nhưng lượng khách hàng đăng ký quá lớn, họ buộc phải tổ chức bốc thăm và nhiều khách hàng đã không may mắn với lá thăm không được đặt chỗ mua căn hộ.
Có một thực tế khác cũng cần nhìn nhận là việc bán chung cư thu nhập thấp dạng trao tay cũng diễn ra, dù đây là việc Nhà nước không cho phép khi thời hạn mua chưa đủ 5 năm, song một số chủ căn hộ vẫn bất chấp, bởi nguồn lãi kiếm được kha khá, khi mỗi căn hộ mua bán trao tay họ lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Một số dự án nhà ở thương mại như The Manor Crown, Royal Park… cũng hết hàng từ lâu và việc mua bán lại hiện vẫn khá sôi động, với giá bán cũng tăng nhiều so với khi khách hàng đặt mua căn hộ. Ví như một căn hộ chung cư ở The Manor Crown trước đây được chào bán khoảng dưới 1 tỷ đồng, song bây giờ đều trên 2 tỷ đồng, tùy tầng.
Sở Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản ở Huế dù không nóng như một số địa phương, song người đầu tư và người có nhu cầu mua đất nền, chung cư thương mại, thu nhập thấp vẫn có. Ngoài Huế, một số người đầu tư ở các nơi khác vẫn đến mua bất động sản cho thấy, thị trường bất động sản Huế dù chững lại so với 2019, song vẫn cơ bản giữ giá, nhất là ở các khu đất, chung cư gần trung tâm TP. Huế.
Linh Đan