ClockChủ Nhật, 25/12/2022 09:06

Khi ngân hàng chuyển hướng bán lẻ

TTH - Tín dụng bán lẻ là sự lựa chọn tối ưu cho các ngân hàng thương mại (NHTM) trong bối cảnh room hạn chế, chi phí vốn không còn duy trì ở mức thấp.

Ngân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nướcNới room tín dụng, ngân hàng hạ lãi suất cho vayThì đã nới trần tín dụng

Dịch vụ bán lẻ của ngân hàng nhờ vào số hóa và tự động hóa

Từ “chữ ký tươi” đến định danh điện tử (eKYC) 

Ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Thừa Thiên Huế thông tin: Mục tiêu NHNN, đến năm 2025, tối thiểu 50% khoản vay nhỏ lẻ được số hóa hoàn toàn và đến năm 2030, con số sẽ là 70%. Để đẩy nhanh quá trình này, cuộc đua chuyển đổi số (CĐS) của các ngân hàng diễn ra ngày càng rầm rộ. Theo đó, tín dụng bán lẻ đang là miếng bánh béo bở được tất cả ngân hàng nhắm tới, và đẩy mạnh số hóa cho vay để gia tăng thị phần.

Khảo sát của NHNN tỉnh với hơn 25 NHTM trên địa bàn, hiện tỷ lệ giao dịch trên kênh số chiếm khoảng 90% tổng số lượng giao dịch tại ngân hàng. Theo đại diện MB Huế, yêu cầu tăng trải nghiệm online của khách hàng tăng rất nhanh. Đồng thời, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi đây không còn là miếng bánh của riêng ngân hàng. Điều này buộc ngân hàng phải CĐS mạnh mẽ trong mọi hoạt động. Một số ngân hàng đã lấy bán lẻ làm trọng tâm, tập trung vào "mảnh đất màu mỡ" này trong nhiều năm qua và đã gặt hái được kết quả ấn tượng. Điển hình như VIB, MB, ACB, HDbank, Techcombank, Sacombank…

Những năm qua, khi hành lang pháp lý về số hóa hoạt động cho vay chưa được hoàn thiện, các ngân hàng đã chạy đua đầu tư nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu khách hàng để chuẩn bị cho việc chào bán các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số. Mới đây, NHNN đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN (TT39) về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng. Theo đó, dự thảo bổ sung hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.

Quy định của dự thảo TT39 khiến các NHTM hết sức phấn khởi. Thời gian qua, nền tảng công nghệ của các ngân hàng đều có thể đáp ứng việc cấp tín dụng trên nền tảng số hóa thay vì nền tảng truyền thống, nhưng do hành lang pháp lý chưa chắc chắn, nên nhiều ngân hàng vừa cho vay, vừa thấp thỏm sợ phạm luật.

TT39 và các văn bản pháp luật hiện hành đều yêu cầu các hợp đồng, thỏa thuận cho vay phải có “chữ ký tươi”. Chính vì vậy, dù các TCTD có hệ thống chấm điểm tín dụng, xếp hạng khách hàng, phê duyệt hồ sơ tín dụng tự động…, nhưng chưa thể áp dụng số hóa toàn bộ hoạt động cho vay.  

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã “vận dụng linh hoạt” để số hóa hoạt động cho vay. Tuy nhiên, do hành lang pháp lý chưa vững chắc, ngân hàng đứng trước rủi ro pháp lý (nếu tranh chấp xảy ra, hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu). Do đó, việc sửa đổi TT39 bổ sung phương thức cho vay điện tử là rất cần thiết, giúp các NHTM có cơ sở phát triển sản phẩm này một cách rộng rãi.

Không phụ thuộc vào giao dịch truyền thống

Quy định mới sẽ giúp các NHTM nới dài cánh tay cấp tín dụng bán lẻ, mà không phải dựa quá nhiều vào các phòng giao dịch vật lý. Không chỉ ngân hàng, các công ty tài chính cũng sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động cho vay qua kênh số hóa.

VIB bắt tay với một tập đoàn công nghệ châu Âu triển khai CDP (nền tảng dữ liệu khách hàng). Nền tảng này cho phép VIB xây dựng một chân dung hoàn chỉnh về khách hàng, giúp ngân hàng hiểu rõ và đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt nhất.

“Sau đại dịch COVID-19, thói quen của khách hàng đã thay đổi hoàn toàn, họ rất ít khi đến các điểm giao dịch vật lý của ngân hàng và thường xuyên tương tác trên mạng xã hội và các nền tảng số. Điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải thay đổi, phải dùng công nghệ để hiểu rõ về khách hàng của mình hơn và tương tác với họ trên các nền tảng số. Hầu hết các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022 để cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu biên lãi ròng (NIM)”, lãnh đạo một ngân hàng nói.

Để cải thiện NIM và phân tán rủi ro, trong năm 2022 và thời gian tới, VietinBank tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tối ưu và nâng cao hiệu quả cân đối vốn thông qua chuyển dịch tích cực cơ cấu dư nợ cho vay sang các phân khúc sinh lời cao là khách hàng vừa, nhỏ và bán lẻ; chuyển dịch tích cực cơ cấu thu nhập, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi.

Sau khi tái cơ cấu, ABBank sẽ đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân, tập trung tăng dư nợ vào các sản phẩm cho vay mua nhà, sản xuất, kinh doanh, các loại hình dịch vụ (bảo hiểm, chuyển tiền quốc tế, trái phiếu). Đồng thời, triển khai mô hình phân khúc khách hàng ưu tiên, khai thác sâu khách hàng đại chúng.

Chiến lược cho vay nhỏ lẻ của Sacombank xuống tận các chợ, tiểu thương, trường học được đẩy mạnh từ những năm trước và sẽ tiếp tục mở rộng, vì đây chính là mảng tín dụng tiềm năng, đóng góp tích cực vào lợi nhuận. Tỷ lệ dư nợ cho vay của khối khách hàng cá nhân hiện chiếm trên 50% tổng dư nợ của Sacombank.

Trong mảng bán lẻ, VIB là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất trên thị trường và ngân hàng này hướng đến vị trí dẫn đầu thị trường bán lẻ. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VIB đạt khoảng 25%. Riêng cho vay bán lẻ đóng góp gần 90% danh mục tín dụng; trong đó, 95% có tài sản đảm bảo.

Đến quý III/2022, kết quả kinh doanh vừa được các ngân hàng công bố cho thấy, lợi nhuận tăng trưởng nhờ chiến lược phát triển tín dụng nhỏ lẻ. Tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng bán lẻ đóng góp gần 70% tổng dư nợ tín dụng của VPBank. Dư nợ bán lẻ của VIB thuộc nhóm hàng đầu trong khối NHTM cổ phần. Thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng tăng. Danh mục tín dụng của Techcombank tiếp tục chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân. ACB tập trung vào mảng bán lẻ với tỷ lệ hơn 90%...

Bài, ảnh: BẠCH QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Từ 1/1/2025: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

Doanh nghiệp (DN) sẽ không tốn bất kỳ khoản phí và lệ phí nào liên quan thủ tục cập nhật thông tin địa giới hành chính của DN. Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị My My, Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư với Báo Thừa Thiên Huế. Bà My cho biết thêm:

Từ 1 1 2025 Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin đăng ký kinh doanh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top