ClockThứ Bảy, 01/04/2023 10:28

Khi sản phẩm được bảo hộ thương hiệu

TTH - Để không ngừng phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), cơ quan quản lý đang rất khuyến khích, đốc thúc doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất đăng ký, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Một khi tham gia vào hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT), cơ hội đem lại cho DN, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, hội nhập là rất lớn.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tửCoi trọng bản quyền, thương hiệu để nông sản Việt vươn xaChú trọng sản phẩm ở địa phương

leftcenterrightdel
Vịt rút xương là một trong những nhóm sản phẩm đang được doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu để tăng thị phần, giá trị 

Đa dạng nhóm sản phẩm cần bảo hộ

Thời gian qua, Sở KH&CN và các sở, ngành, các địa phương từng bước triển khai khá đồng bộ các nội dung phục vụ xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương. Qua đó, tạo điều kiện cho nhiều nhãn hiệu của các tổ chức và cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh các đặc sản trên địa bàn có điều kiện phát triển như đăng ký về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản, làng nghề của địa phương. Từ đó, nhiều sản phẩm có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập, như: nón lá Huế, dầu tràm Huế, bún bò Huế, vải dèng huyện A Lưới, áo dài Huế, sen Huế, Huế - Kinh đô ẩm thực.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Với những sản phẩm du lịch độc đáo, đắt giá mà địa phương đang sở hữu, việc tạo lập, quản lý, khai thác TSTT lại càng cấp thiết. Việc hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển TSTT cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn ở bước xác lập, tạo dựng. Một số sản phẩm đặc sản trên địa bàn tuy đã được xây dựng thương hiệu, nhưng việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn như nón lá Huế, hoa giấy Thanh Tiên, gốm Phước Tích...

Sở Du lịch đang xúc tiến dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô ẩm thực" cho các đặc sản ẩm thực Huế của tỉnh và tập trung đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho khoảng hơn 20 món ăn đặc trưng và có vùng nguyên liệu đảm bảo, nhằm tiến tới đăng ký bản quyền và quản lý hiệu quả món ăn Huế. Phong Điền đang thực hiện "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Hương xưa Làng cổ Phước Tích" cho làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa". TX. Hương Thủy cũng đang tiến hành "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho điểm đến du lịch "Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn". Đây là cơ hội vừa xây dựng được thương hiệu vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của điểm đến du lịch. Sâu xa hơn nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư trong khu vực điểm đến du lịch, những làng nghề, ngành nghề truyền thống, chủ lực...

Cần nhiều chủ thể tham gia

Cuối năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1133 về việc ban hành danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc nhóm đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống, ngành nghề nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ giai đoạn 2022-2025 và các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh. Có 8 nhóm các sản phẩm chủ lực, gồm: ẩm thực; thủy, hải sản vùng đầm phá; chế biến; nông sản, chăn nuôi; lâm nghiệp; dược liệu; thủ công, mỹ nghệ, làng nghề; du lịch, dịch vụ, cây cảnh.

Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển TSTT cho các sản phẩm chủ lực địa phương, Chương trình phát triển TSTT và hoạt động SHTT góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, dịch chuyển từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền SHTT được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.

Bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương thời gian qua không chỉ giúp quy tụ, nâng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, nhiều người tiêu dùng đã biết đến và lựa chọn, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể. Chẳng hạn như áo dài Huế, sen Huế, thanh trà Huế... hiện giờ đã tăng giá bán, sức tiêu thụ và thị trường tiêu thụ được mở rộng hơn.

Sự kết nối chặt chẽ giữa Chương trình Phát triển TSTT và Chương trình OCOP cũng đã thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP. Trong đó, phát triển TSTT gắn với khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống kinh đô Huế như áo dài Huế, nón lá Huế, sen Huế, bánh Huế, tinh dầu Huế... là mô hình điểm, điển hình.

Thực tế, năng lực hấp thụ công nghệ của DN còn hạn chế, nhiều kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và DN chưa được chặt chẽ; liên kết theo chuỗi giá trị giữa nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh còn yếu. Phát triển TSTT trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn là khâu yếu. Vì thế, để thúc đẩy phát triển TSTT, hoạt động SHTT cần có sự tham gia tích cực của tất cả các chủ thể trong xã hội. Trong đó, viện nghiên cứu, trường đại học, các cá nhân hoạt động sáng tạo, nhất là các DN đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo ra và khai thác TSTT.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp

Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều người lao động (NLĐ) đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định, góp phần ổn định thị trường lao động cũng như đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

“Phao cứu sinh” cho lao động thất nghiệp
Return to top