ClockThứ Tư, 23/09/2020 15:37

Phát triển sản phẩm OCOP ở Hương Trà

TTH - Sau hơn 1 năm triển khai, dù có nhiều nỗ lực, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại Hương Trà vẫn lúng túng...

11 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOPChương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Lúng túng, chậm tiến độChuẩn hóa OCOP

Sản phẩm bưởi cốm Hương Thọ được gắn sao, tem truy xuất nguồn gốc, có mã số, mã vạch

“Đánh thức” sản phẩm lợi thế

Bưởi cốm là cây ăn quả đặc sản của Hương Thọ. Từ 2015, bưởi cốm Hương Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2019, thực hiện chương trình OCOP, xã Hương Thọ chọn cây bưởi cốm làm sản phẩm để xây dựng thương hiệu. Đây là niềm vui lớn với người trồng bưởi ở xã vùng gò đồi phía Tây Hương Trà, kỳ vọng chương trình OCOP sẽ nâng tầm cho sản phẩm lợi thế của địa phương trên thị trường.

Giám đốc HTXNN Hương Thọ Lương An hồ hởi: Mới đây, bưởi cốm Hương Thọ được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, “gắn sao” thông qua các tiêu chí: đạt chất lượng sản phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm…

Hiện, địa phương có trên 30ha trồng bưởi cốm, trong đó có 1 vùng chuyên canh 5ha ở thôn Liên Bằng được chăm sóc theo hướng VietGAP. Tuy vậy, lâu nay, các hộ trồng bưởi chủ yếu bán cho thương lái chứ chưa liên kết với HTX, cũng như chưa đưa được vào hệ thống siêu thị.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương Nguyễn Hữu Dảnh thông tin: Với hơn 50 hộ sản xuất nước mắm, gần 10 hộ đầu tư bài bản, có “tên tuổi”, nghề làm nước mắm ở Hải Dương mang lại thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trước đó, nước mắm Làng Dừa của Hải Dương được công nhận nhãn hiệu tập thể.

Anh Nguyễn Ba Tài, chủ cơ sở sản xuất nước mắm ruốc Hương Giang chia sẻ: Sản phẩm của gia đình làm bao nhiêu tiêu thụ bấy nhiêu. Bà con rất mong được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi giúp mở rộng quy mô, nâng cao giá trị cho các sản phẩm, giúp làng nghề ngày càng phát triển.

Còn lúng túng

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2020 được triển khai trên địa bàn TX. Hương Trà với mục tiêu góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến nay, Hương Trà có 2 sản phẩm được hoàn thiện, nâng cấp tiêu chuẩn hoá sản phẩm là Bưởi cốm Hương Thọ và nước mắm ruốc Hương Giang, xã Hải Dương. Kết quả, 2 sản phẩm đều đạt 3 sao cấp thị xã và mới được tỉnh xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, Hương Trà hoàn thiện, chuẩn hóa 2 sản phẩm Gạo đỏ xã Hương Phong và Bún Vân Cù xã Hương Toàn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế TX. Hương Trà - Trần Xuân Anh, OCOP là một chương trình mới, do vậy, việc triển khai bước đầu còn khá lúng túng. Cán bộ quản lý, thực hiện các cấp còn thiếu kinh nghiệm. Nhận thức về chương trình của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, chủ thể sản xuất nhìn chung còn hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc triển khai cũng do địa phương vận động chứ không phải trên cơ sở tự nguyện của người dân.

Theo Thông tư 08 quy định, nội dung chi hỗ trợ cho sản phẩm tham gia OCOP, nhưng không quy định mức chi cụ thể nên việc triển khai còn nhiều bất cập.

Thực tế, Hương Trà có nhiều sản phẩm tiềm năng nhưng đa phần sản phẩm chủ lực tập trung ở các phường, như hành lá ở Hương An, bưởi đỏ và bánh tráng Lựu Bảo ở Hương Hồ, thanh trà Lại Bằng ở Hương Vân, mộc dân dụng An Bình…Trong khi OCOP sử dụng nguồn vốn mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ hỗ trợ cho các xã có sản phẩm.

Chương trình cũng khuyến khích các phường tham gia nhưng vì không được hỗ trợ nên các địa phương, DN, HTX cũng như hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại các địa phương này chưa thực sự mặn mà.  “Ngoài ra, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP ở Hương Trà chủ yếu nhỏ lẻ. Chúng tôi lo sẽ khó trong việc phát triển sản phẩm về sau”, ông Xuân Anh nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top