Áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, các DN sẽ tiết kiệm được nhiên liệu và góp phần bảo vệ môi trường
Phòng ngừa ô nhiễm môi trường
Thừa Thiên Huế là một trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có số lượng lớn các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, các DN không xử lý chất thải triệt để đã gây ô nhiễm môi trường, trong đó có những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đại đa số các DN trên địa bàn tỉnh là DN vừa và nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu nên chưa đạt được hiệu quả cao trong sản xuất cũng như trong quản lý.
SXSH là một cách tiếp cận bảo vệ môi trường theo hướng phòng ngừa ô nhiễm, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khởi xướng từ năm 1989. Khi áp dụng trong công nghiệp, SXSH nhắm đến tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng, giảm thiểu phát sinh chất thải, giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.
Tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt “Chiến lược SXSH hơn trong công nghiệp đến năm 2020”, đến năm 2020 sẽ có 90% cơ sơ SXCN có nhận thức tốt về SXSH, 50% DN áp dụng SXSH, 90% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH cho các cơ sở SXCN. Tháng 10/2016, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020, hàng năm giao Sở Công thương chủ trì thực hiện các nhiệm vụ qua năm.
Từ năm 2016 đến nay, sở đã tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ đảm bảo một số nội dung theo mục tiêu đề ra như: 90% cơ sở SXCN nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở có các giải pháp về SXSH và các cơ sở SXCN áp dụng SXSH tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Sở Công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trực tiếp cho các cơ sở SXCN có tiềm năng thực hiện SXSH; cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật SXSH cho các DN ở các ngành nghề và quy mô khác nhau và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật cho các DN SXCN.
Công ty CP Phát triển Thủy sản Thừa Thiên Huế là 1 trong 13 DN được Sở Công thương khảo sát đánh giá áp dụng sản xuất sạch hơn
Thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn
Theo lãnh đạo Sở Công thương, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch SXSH trong công nghiệp cần có sự lồng ghép với việc triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng, hiệu quả để thu hút sự quan tâm của các DN và đạt được hiệu quả cao nhất trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, tổ chức các hội nghị phổ biến các cơ chế chính sách hỗ trợ và các quy trình để DN chủ động triển khai SXSH trong công nghiệp đạt hiệu quả, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin.
Hằng năm, sở đều xây dựng các chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu về SXSH phù hợp để tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật các DN; hỗ trợ kỹ thuật, khảo sát lập báo cáo đánh giá SXSH và kiểm toán năng lượng cho các DN điển hình. Đồng thời, chọn các cơ sở SXCN điển hình làm thí điểm hỗ trợ kỹ thuật như: đánh giá tình hình SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình công nghệ để đơn vị đạt chuẩn SXSH và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, xây dựng mô hình và áp dụng trên diện rộng cho các DN.
Để nâng cao năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp, sở đã tiến hành thực hiện khảo sát tình hình áp dụng SXSH tại các DN trên địa bàn tỉnh, qua đợt khảo sát này cho thấy tiềm năng áp dụng SXSH cho các DN SXCN trên địa bàn tỉnh là rất lớn, qua đó đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy việc áp dụng SXSH. Trong số 20 DN được khảo sát đợt này, có 13 DN đã áp dụng SXSH, chiếm 3% trong tổng số 430 DN SXCN trên địa bàn tỉnh và 7 DN chưa áp dụng SXSH. Thực tế này cho thấy, SXSH vẫn chưa được các DN quan tâm áp dụng.
Qua tìm hiểu, khó khăn đầu tiên là hạn chế về tài chính, bởi đa số các DN trên địa bàn tỉnh đều là DN vừa và nhỏ nên mối quan tâm trước tiên là tập trung đầu tư vốn trang bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nhiều DN hạn chế về kỹ thuật, công nghệ và nhân lực. Qua khảo sát, hiện chỉ có 3/20 DN có cán bộ chịu trách nhiệm về lĩnh vực SXSH. Hiệu quả của SXSH ở các DN đã áp dụng chủ yếu là giảm tiêu thụ điện, nước và chất thải rắn; chưa thể hiện rõ ở các khía cạnh môi trường khác như giảm tải lượng thải cụ thể. Nguyên nhân là do một số DN gặp khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ.
Theo Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh, áp dụng các giải pháp SXSH trong công nghiệp nhằm cải thiện hiệu suất sản xuất, sử dụng nguyên nhiên vật liệu có hiệu quả hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý chất thải, đồng thời tạo nên hình ảnh tốt cho DN và cải thiện sức khỏe nghề nghiệp, an toàn. Mặc dù lợi ích về kinh tế và môi trường, song hoạt động SXSH vẫn chưa được DN áp dụng, các giải pháp áp dụng còn ở mức độ đơn giản, kết quả chưa đạt mục tiêu và tiến độ đề ra. Trong đó, rào cản lớn nhất đối với SXSH là DN chưa nhận thức lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh.
Để nâng cao nhận thức của các DN, sở đã xây dựng, phổ biến các hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng SXSH cho các ngành nghề sản xuất, ưu tiên các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành nghề sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đồng thời hỗ trợ cho cơ sở áp dụng SXSH trong công nghiệp từ ngân sách tỉnh. Trong giai đoạn này ngành Công thương đã thực hiện hỗ trợ đánh giá nhanh SXSH hơn cho 3 DN và hỗ trợ đánh giá chi tiết SXSH cho 1 DN cũng như tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ quản lý và các DN SXCN trên địa bàn.
Bài, ảnh: THANH HƯƠNG