ClockThứ Năm, 24/06/2021 06:45

Trầm lắng mặt bằng cho thuê

TTH - Tấm biển “cho thuê mặt bằng”, “cho thuê nhà nguyên căn”... được treo trước nhà, ki ốt mặt tiền xuất hiện rải rác ở những tuyến đường kinh doanh sầm uất ở 2 bờ Nam - Bắc TP. Huế. Không chỉ người cho thuê mà ngay cả người hợp đồng thuê có thời hạn cũng đang thất thu vì dịch COVID-19 tái bùng phát hết đợt này đến đợt khác.

Mặt bằng kinh doanh thời COVID-19: Người cho thuê và người thuê san sẻ lẫn nhau

Nhiều nhà nghỉ, khách sạn tạm đóng cửa vì dịch và cũng treo bảng cho thuê

Ảm đạm

Anh Nguyễn Hoàng Thiên, thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng hơn 4 năm ở đường Nguyễn Văn Đào, khu quy hoạch Bàu Vá (TP. Huế), nhưng qua mấy đợt dịch, anh phải tính cách để “chia sẻ” tiền thuê mặt bằng vì không thể chịu “nóng” trong khi hàng quán bán “bữa đực bữa cái”. Nhân lúc chủ cho thuê cũ lấy lại mặt bằng ở đường Bùi Thị Xuân để “nâng cấp” vì muốn cho thuê với giá cao hơn, thế là anh Nhân, chủ quán cà phê “Club chào mào” gặp duyên “bắt tay” cùng anh Thiên chia thời gian, chia chi phí thuê mặt bằng 50/50 để đôi bên cùng có lợi và cầm cự qua thời điểm khó khăn.

Không phải ai và lĩnh vực kinh doanh nào cũng có thể chia sẻ như hình thức trên. Khu phố tây - phố đi bộ Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão trước kia nhộn nhịp bao nhiêu thì bây giờ một số cơ sở kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà nghỉ... trong tâm thế “ngồi chơi xơi nước” vì vắng khách tây và ít khách ta. Một số không thể cầm cự được phải đóng quán, trả mặt bằng hoặc tranh thủ nâng cấp, sửa chữa lại quán trong thời gian ít khách vì dịch.

Đường Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Nguyễn Tri Phương... là những tuyến đường kinh doanh sầm uất, được mệnh danh “đất cán ra vàng” với mức giá thuê mỗi ki ốt từ chục triệu trở lên, dù có nơi mặt tiền chưa tới 2 mét ngang. Nhưng bây giờ nhiều chỗ đang đặt bảng “cho thuê mặt bằng” hoặc “cần sang quán”, “cần sang mặt bằng”...

Anh Tuấn, chủ ki ốt có diện tích khoảng 25m2 nằm mặt tiền đường Nguyễn Tri Phương đang đặt bảng cho thuê mặt bằng từ hơn 2 tháng nay nhưng chưa có ai liên hệ. Người thuê cũ trước kia vì không chịu được sức nóng với giá 15 triệu đồng/tháng nên đành cắt hợp đồng. Nếu có ai hợp đồng thuê ổn định, anh Tuấn sẽ hỗ trợ khoảng 2 tháng tiền thuê nhà để cùng chia sẻ khó khăn chung do dịch.

“Chúng tôi buôn bán trong tâm thế như “mèo vờn chuột”. Tạm ổn dăm ba bữa, dịch lại bùng phát, lại có lệnh tạm ngưng, hạn chế số lượng khách. Do hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn, bỏ không cũng phí, nên chúng tôi đành mở quán “cho vui” dù cả ngày chẳng có mấy khách”, anh Đậu Trọng Hoà, kinh doanh mỹ phẩm gia truyền, hàng lưu niệm trên đường Lê Duẩn chia sẻ.

Tín hiệu hồi phục chậm

Không riêng hình thức cho thuê mặt bằng “bằng miệng” giữa chủ nhà với hộ kinh doanh cá thể đang gặp khó, ngay cả những khu đất công của nhà nước ở những vị trí đắc địa của TP. Huế cũng đang lâm cảnh cỏ mọc, mạng nhện giăng. Những khu đất vàng như ở đường Trần Cao Vân, Nguyễn Huệ, Lê Lợi... đang kêu gọi đấu giá cho thuê có thời hạn hoặc đấu giá chuyển quyền sử dụng đất để làm trụ sở, văn phòng đại diện công ty du lịch, thương mại và còn nhiều vị trí đất công cho thuê mặt bằng khác vẫn còn để trống.

Có được một lô, mặt bằng kinh doanh ở các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự... trước đây là niềm ao ước của không ít chị em tiểu thương. Nhưng từ hơn 1 năm nay do dịch, những ai muốn sang lô dù đã hạ giá xuống hơn 70% so với trước nhưng cũng chẳng ai ngó ngàng.

Theo đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế, hiện tất cả mặt bằng cho thuê trên địa bàn TP. Huế đều đã được thành phố thu hồi để lập đề án cho thuê lại theo quy định mới. Đối với những khu đất đã tổ chức đấu giá cho thuê trong năm 2020 hoặc trước đó còn thời hạn như các ki ốt thuộc cơ sở nhà đất trên đường Mai Thúc Loan cho thuê thời hạn 5 năm vẫn đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, mặc dù tình hình kinh doanh thời gian qua bị ảnh hưởng, song theo quy định, những hộ kinh doanh cá thể thuê lại mặt bằng của nhà nước vẫn phải “cắn răng” chịu rủi ro.

Với tình hình dịch dã còn diễn biến phức tạp, e rằng nhiều mặt bằng cho thuê sẽ khó có người “để mắt” tới và chậm sôi động trở lại sau khi dịch đi qua. Hơn nữa, do xoay chuyển hình thức kinh doanh để thích ứng với các biện pháp phòng chống dịch, nhiều người chuyển sang kinh doanh online tại nhà mà không cần thuê mặt bằng. Sau khi dịch được khống chế, kinh tế ổn định trở lại, thói quen kinh doanh online và giao hàng tận nơi sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ cho thuê mặt bằng. Vì chỉ mới mấy tháng đầu năm, đã có hơn 1.000 hộ cá thể trên địa bàn TP. Huế nộp đơn tạm dừng kinh doanh do tác động bởi dịch COVID-19.

Theo ông Đồng Sĩ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, qua các đợt dịch bùng phát, hầu hết mọi đối tượng liên quan đến kinh doanh dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Từ chủ cho thuê mặt bằng đến người đi thuê đều chịu tổn thất. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích và hạn chế mức độ ảnh hưởng thấp nhất, thì đôi bên thuê và cho thuê tự thỏa thuận với nhau hợp tình hợp lý. Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể chia sẻ một phần khó khăn chung như giảm, miễn thuế môn bài.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

TIN MỚI

Return to top