ClockThứ Hai, 02/12/2019 05:30

Trợ lực để sản phẩm làng nghề Phú Lộc phát triển

TTH - Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc kỳ vọng, với những hỗ trợ thiết thực của OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các sản phẩm truyền thống ở Phú Lộc sẽ có cơ hội nâng cấp, phát triển tốt hơn.

Cơ hội cho làng nghềCơ hội quảng bá sản phẩm làng nghềTiếp sức cho sản phẩm chủ lực

Anh Lê Hạnh Phúc, chủ cơ sở mắm Mệ Em đóng gói sản phầm

Còn nhiều trở lực

Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh, các ban ngành với huyện Phú Lộc về định hướng phát triển kinh tế - xã hội Phú Lộc năm 2020, ngành Công thương cho rằng, Phú Lộc có rất nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống nổi tiếng. Nếu các sản phẩm này được mở rộng quy mô sản xuất, thương hiệu được xây dựng tốt hơn nữa, sẽ tạo cho Phú Lộc thành điểm đến về du lịch không chỉ có biển và núi mà có cả sản phẩm truyền thống; qua đó tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, tại cuộc bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu huyện Phú Lộc năm 2019, Ban tổ chức đã tiếp nhận những sản phẩm đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, có hình thức, mẫu mã đẹp và chất lượng từ 13 nhóm sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, còn khá nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, nhất là sản phẩm làng nghề truyền thống. Trước đây, đã có một số hỗ trợ, song phần lớn các chủ cơ sở sản xuất phải tự “xoay xở” để phát triển, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Do đó, mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, tiến đến xây dựng thương hiệu riêng của Phú Lộc, tạo việc làm ở nông thôn vẫn chưa được như kỳ vọng.

Là cơ sở sản xuất mắm có tiếng ở khu Ba, Phú Lộc, anh Lê Hạnh Phúc, chủ cơ sở sản xuất mắm Mệ Em (xã Vinh Mỹ) cho rằng, mục tiêu của cơ sở là duy trì ổn định sản xuất, chứ chưa thể mở rộng quy mô. Trên thực tế, cơ sở khá khó khăn trong mở rộng thêm thị trường, nguồn nguyên liệu và những tiếp cận mang tính công nghệ để phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại. 

Chị Lê Thị Linh, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Trường Hải (xã Lộc Thủy) cũng chỉ ra không ít khó khăn trong quá trình phát triển của cơ sở. Hiện nay, đối với dầu tràm, mẫu mã, bao bì chưa phải là hạn chế mà chính là nguyên liệu đầu vào đang thiếu hụt nghiêm trọng. Bị động về nguồn nguyên liệu kèm theo bị động về thị trường, giá cả và cả chất lượng. Một khó khăn khác là cơ sở đã tiếp cận được nguồn khách du lịch, nhưng tinh dầu tràm lại không thể vận chuyển bằng máy bay nên ảnh hưởng khá nhiều về sức mua của riêng dòng khách du lịch.

Tinh dầu tràm Trường Hải quảng bá sản phẩm tại một hội chợ sản phẩm truyền thống tại TP. Huế

Cần sự hỗ trợ

Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, thời gian qua, huyện đã thu thập thông tin nhằm đánh giá đầy đủ về hiện trạng các sản phẩm, trình độ công nghệ, vốn, lao động liên quan đến sản phẩm của địa phương; đồng thời, lập danh sách các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương và các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất sản phẩm để xây dựng đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”.

“Dựa trên quy mô, hiệu quả sản xuất, vừa qua huyện đang lập hồ sơ cho 3 cơ sở sản xuất: tinh dầu tràm Trường Hải (xã Lộc Thủy), mắm Mệ Em (xã Vinh Mỹ) và cơ sở sản xuất nước mắm và chế biến thủy hải sản Xuân Anh (xã Lộc Vĩnh) để tỉnh hỗ trợ theo chương trình OCOP. Dự kiến, mỗi cơ sở sẽ được hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng 100 – 150 triệu đồng để nâng cấp chất lượng sản phẩm, thương hiệu. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh, tiến đến mở rộng thị trường, tiền đề để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.

Sau một thời gian, sản phẩm của cơ sở mắm Mệ Em đã được thị trường chấp nhận và được ưa chuộng rộng rãi trên khắp cả nước. Đến nay, sản phẩm mắm Mệ Em đã có mặt phổ biến trên khu vực các tỉnh niền Trung, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Anh Lê Hạnh Phúc mong muốn, cái khó của cơ sở là tiếp cận các thị trường mới, vì các thị trường tiềm năng, có nhu cầu sử dụng mắm gần như đã bão hòa. Do đó, cơ sở cần sự hỗ trợ để mở rộng sức mua ngay tại những thị trường đã khai thác lâu nay.

Phía cơ sở sản xuất tinh dầu tràm Trường Hải cho hay, không chỉ có riêng cơ sở này mà nhiều cơ sở ở Lộc Thủy rất cần sự hỗ trợ về nguồn nguyên liệu. Có thể xây dựng và hỗ trợ để sớm hình thành vùng nguyên liệu của địa phương. Khi nguồn nguyên liệu bền vững mới có thể sản xuất ổn định, giảm được giá thành, tập trung để đầu tư cho mẫu mã.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc khẳng định, mục tiêu của huyện là hỗ trợ, bảo trợ và đồng hành cùng các sản phẩm để có thể tiến tới từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành những doanh nghiệp. Huyện sẽ hỗ trợ tối đa cho các cơ sở khi mở rộng quy mô, các điều kiện để quảng bá sản phẩm ra thị trường.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

200 học sinh và giáo viên ở Phú Lộc tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc

Chiều 17/5, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện (Phú Lộc) tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Sách - nâng cao trí tuệ và lan tỏa văn hóa dân gian Việt”.

200 học sinh và giáo viên ở Phú Lộc tham gia Ngày sách và Văn hóa đọc
Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

TIN MỚI

Return to top