ClockThứ Bảy, 29/09/2018 06:45

Xác lập giá trị & thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương

TTH - Hàng Việt Nam nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng đang chuyển dần sang giai đoạn mới, từ vận động “ưu tiên” tiến tới chinh phục người tiêu dùng “tự hào” sử dụng. Nhưng để đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường hiện nay, ngay cả người sản xuất, DN của địa phương phải tìm cách đổi mới, nâng tầm giá trị sản phẩm nội địa, từng bước xác lập thị trường tiêu thụ. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh, TUV, Giám đốc Sở Công thương cho rằng:

Đẩy mạnh phát triển kinh doanh sản phẩm chủ lực địa phươngKết nối sản xuất với thị trường

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: Lê Thọ

Hiện nay các sản phẩm đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm có chất lượng của Huế đang dần chiếm lòng tin của người tiêu dùng, có khả năng cạnh tranh rất tốt trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm được các nhà phân phối lớn như Big C, Co.opmart, Haapro, Tứ Sơn... đưa vào hệ thống như trà cung đình Đức Phượng, mè xửng Thiên Hương, tôm chua, cà pháo, mắm ruốc của doanh nghiệp (DN) Tấn Lộc, dầu tràm Kim Vui, gia vị bún bò Huế, các loại thực phẩm của Tâm Huế...

- Theo ông, đâu là những sản phẩm “sở trường” của địa phương để tập trung phát triển về chất lượng, giá cả và thị trường tiêu thụ?

Tỉnh đang chú trọng đánh giá khả năng phát triển thị trường cho 3 nhóm sản phẩm: thủ công mỹ nghệ (quà tặng, hàng lưu niệm); nông nghiệp sạch, nông sản; ẩm thực và có thêm sản phẩm văn hóa giáo dục như nhã nhạc cung đình Huế, ca Huế... Đề án xây dựng ít nhất mỗi xã, phường có một sản phẩm trở lên đặc trưng của địa phương mang nét văn hóa, truyền thống cũng nhằm cơ cấu thành bộ sản phẩm của Huế. Cùng với chú trọng phát triển thị trường, các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng được chỉ đạo hỗ trợ về tư liệu sản xuất, cơ chế chính sách, khoa học... để DN, cơ sở sản xuất, HTX tiếp cận.

- Rõ ràng đã có nhiều cơ chế hỗ trợ cho DN, cơ sở sản xuất, nhưng có vẻ như DN chúng ta vẫn còn chậm hơn so với các địa phương khác, theo ông nguyên nhân do đâu?

Đúng là so với các địa phương khác, chúng ta đang chậm trong cơ chế, chậm so với diễn biến thị trường chứ không phải chậm so với cái chúng ta đang có. Hiện nay, nhiều địa phương đã ra đời nhiều HTX quy mô, HTX kiểu mới, chuyên nghiệp. HTX này không chỉ sản xuất thuần túy mà có quan hệ mật thiết với các nhà khoa học để cải tiến trồng trọt, cải tiến thâm canh, kỹ thuật để lo đầu vào và tiếp cận thị trường để làm thay khâu tiêu thụ cho người sản xuất.

Chúng ta có nhiều lợi thế về làng nghề truyền thống, đất đai..., nhưng khi cạnh tranh thì thiếu, thua nhiều địa phương khác.

Sản phẩm địa phương được đưa vào các kênh phân phối lớn

- Nói thế không lẽ chúng ta không có khả năng phát triển mô hình HTX kiểu mẫu hiện đại?

Không hẳn vậy! Hiện chúng ta đang có các hội, hiệp hội như: mè xửng, nón lá, áo dài, thủ công mỹ nghệ... có đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển thành HTX lớn chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm dưới sự điều hành của bộ máy lãnh đạo và các cơ sở khác trở thành vệ tinh, xã viên hoặc thành đơn vị trực thuộc. Dầu tràm của Huế là sản phẩm “độc nhất vô nhị” của cả nước và có nhiều HTX, DN, cơ sở sản xuất dầu tràm. Nhưng tất cả còn hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa có HTX đủ mạnh (đàn chị, đàn mẹ) để đứng ra kêu gọi, quy tụ. Chúng ta cũng có làng nghề áo dài nổi tiếng nhưng chưa có tổ chức cơ sở nào liên quan đến HTX hoặc DN chuyên về may áo dài truyền thống dưới dạng kinh tế thị trường, tức là vừa sản xuất, tiếp thị, kinh doanh, đặt hàng và lan tỏa... Làng nghề đan lát Bao La, dệt zèng A Lưới, làng nghề bún tươi, mắm ruốc, đặc sản nông nghiệp như hành, ném, hạt sen... là sản phẩm đặc trưng, thiết thực nhất với cuộc sống, với người tiêu dùng, nhưng vẫn chưa cạnh tranh được.

- Ông có thể nói rõ hơn nguồn lực nào chúng ta đang thiếu, làm cản trở tiềm năng, thế mạnh đang có?

Nguồn lực đang thiếu ở đây là tài chính, thị trường và con người. Điểm yếu của DN, cơ sở sản xuất ở Huế là chưa dám đầu tư, “ngại” phát triển, “ngại” “bung”, “ngại” cạnh tranh. Huế chưa có DN lớn mà chỉ mang tầm nhỏ và vừa, chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường bên ngoài và ngay tại “sân nhà” cũng bị lép vế. Mặc dù có nhiều sản phẩm đặc trưng nhưng thiếu quy mô sản lượng đảm bảo, chất lượng rõ ràng, minh bạch và thiếu bóng dáng nhà khoa học, khoa học công nghệ trong sản xuất. Vì thế, chúng ta chưa có tiếng nói lớn với thị trường, chưa xác lập được thị trường tiêu thụ. Ngay cả hàng thủ công mỹ nghệ của Huế vốn rất nổi tiếng nhưng mới dừng lại ở nét thủ công, thô sơ, chưa có nét tinh xảo, nét thị trường nằm trong sản phẩm.

- Theo ông, bằng cách nào để DN có thể huy động nguồn lực và huy động từ đâu?

Cơ chế hiện nay không dừng lại ở “bảo hộ” mà đòi hỏi công khai, minh bạch, vì thế chúng ta cạnh tranh không bằng. Thế nên chúng ta đang cần nhà đầu tư có tiềm năng, gọi là DN nòng cốt, tìm hiểu được Huế, về đầu tư ở Huế. Ban đầu DN chưa đủ mạnh thì chúng ta làm vệ tinh, cùng chung tay với nhà đầu tư bên ngoài để phát triển các cơ sở vật chất, điều kiện kinh doanh, phương tiện sản xuất. Khi đủ mạnh thì có thể tách và đi theo con đường riêng của mình.

- Vậy đã có đơn vị “tiềm lực” nào nhắm đến Huế để kết hợp đầu tư sản xuất kinh doanh?

Tất nhiên đã có những DN lớn vào đầu tư ở Huế, nhưng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. Xúc tiến đầu tư về thương mại thì chúng ta có các DN lớn như các trung tâm thương mại. Có nghĩa chúng ta đã có các DN thương mại, nhưng thuần túy chủ yếu nghiêng về kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, bán lẻ. Nhưng thực tế cái chúng ta đang cần lại thiếu, đó là DN thương mại về phát triển các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống, mô hình kết hợp HTX sản xuất hiện đại, quy mô lớn... để tạo ra sản phẩm của địa phương và chính người Huế, đất Huế sản xuất ra.

- DN, cơ sở sản xuất kinh doanh của địa phương cần làm gì để bắt kịp cơ chế thị trường, kể cả vai trò của cơ quan quản lý?

Những hỗ trợ về ngân sách, cơ chế chỉ mang tính động viên để nuôi sống, duy trì, còn muốn phát triển phải dùng nguồn vốn xã hội. Muốn có nguồn vốn này, DN, HTX, xã viên, người dân phải tự giới thiệu tiềm năng, thế mạnh sản phẩm và thị trường tiềm lực để kêu gọi. Vì chỉ có nguồn lực xã hội hóa mới đủ khả năng vực dậy nền sản xuất cũng như thương hiệu sản phẩm của Huế.

Tâm lý nhiều DN, nhà sản xuất của Huế đang bằng lòng vì chẳng qua chưa bị cạnh tranh, chưa bị “thôn tính”. Nhưng đến một lúc, nếu DN không chịu đổi mới, phát triển thì chắc chắn sẽ bị đẩy lùi và sản phẩm sẽ không còn mang bản chất vốn có của Huế, do chính người Huế, nghề Huế làm ra.

Muốn vậy, đòi hỏi cần thêm cả khoa học công nghệ và nhà khoa học để đổi mới sản xuất, tạo ra sản phẩm, thương hiệu mạnh, thị trường lớn.

Qua những chuyến tham gia xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, chúng tôi nhận thấy DN Huế vẫn còn yếu về tuyên truyền, quảng bá, nên sản phẩm của Huế vẫn chưa có sức lan tỏa. Vì thế, người sản xuất, làm ra sản phẩm phải tăng cường giới thiệu, quảng bá nguồn gốc, chất lượng, thương hiệu sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường thì sản phẩm mới có sức cạnh tranh và chỗ đứng.

 Xin cảm ơn ông!

HOÀI THƯƠNG (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường
Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC

Tinh dầu tràm Huế - Tiền Phong, một sản phẩm mới chất lượng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) vừa mới sản xuất thành công từ dự án khoa học công nghệ được UBND tỉnh giao cho đơn vị. Loại tinh dầu này được đánh giá không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa và thiên nhiên của vùng đất Cố đô.

Sản phẩm tinh dầu tràm mới đạt tiêu chuẩn FSC
Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà

Về tổng thể, các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TX. Hương Trà đã được tu bổ, tôn tạo dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa. TX. Hương Trà cũng đang đối mặt với một số vướng mắc liên quan đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản này.

Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích tại Hương Trà
Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Thành ủy về phát triển du lịch, dịch vụ (DLDV), trọng tâm là phát triển, hoàn thiện dịch vụ, du lịch về đêm, ẩm thực Huế (viết tắt là Nghị quyết 03), nhiều sản phẩm du lịch mới trên địa bàn thành phố hình thành, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng lên đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới

TIN MỚI

Return to top