ClockThứ Bảy, 05/08/2023 07:54

Xuất khẩu gạo đang đứng trước “cơ hội vàng”

Việc Ấn Độ và một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo là cơ hội vàng cho gạo Việt Nam khi nhu cầu và giá cả xuất khẩu gạo tăng lên từng ngày. Trong khi đó, nguồn gạo trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Việt Nam nỗ lực trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thựcCân đối lượng gạo xuất khẩu và tiêu dùng trong nướcDự trữ gạo Ấn Độ gấp 3 lần mục tiêu, giảm lo ngại về nguồn cungGiá gạo tăng cao khiến nhiều nước khó tiếp cậnKý ức “Cơm gạo ba trăng”

leftcenterrightdel
Giá gạo Việt Nam đang ở mức cao.

Giá gạo tăng cao từng ngày

Tin vui cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam là những ngày qua, giá gạo đã tăng từng ngày. Tính đến ngày 3/8, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng lên mức 598 USD/tấn, tuy thấp hơn 27 USD/tấn so gạo cùng loại từ Thái Lan, nhưng cao hơn đến 65 USD/tấn so gạo Pakistan và thậm chí bỏ xa hơn 100 USD/tấn so mức 493 USD/tấn của gạo Ấn Độ. Như vậy, so với hồi đầu tháng 7, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu đã tăng vọt 85 USD trên mỗi tấn và đang trên đà vượt mốc 600 USD/tấn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo những ngày gần đây biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Nguyên nhân giá gạo tăng là Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo khiến nhu cầu các thị trường nhập khẩu tăng vọt đẩy giá tăng cao. Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, do đó bất kỳ động thái nào liên quan đến xuất khẩu gạo của quốc gia này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đặc biệt là với các nước sử dụng gạo làm lương thực tiêu dùng chính.

“Từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mặc dù thị trường tiêu dùng chưa có vấn đề gì, song lệnh cấm đã khiến giá gạo tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này", ông Đỗ Hà Nam cho biết.

Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang... nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công thương và các Bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực.

Theo đó, ước tính đến hết tháng 7/2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu tăng đã tạo điều kiện rất lớn cho giá gạo trong nước. Bởi ngay khi có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc, gạo nội địa tăng nhanh theo từng ngày.

Theo đó, giá gạo trung bình mỗi ngày tăng từ 50-100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400-500 đồng/kg so thời điểm ngày 20/7/2023 (Lệnh cấm có hiệu lực).

Giá một số chủng loại ghi nhận ngày 20/7/2023 như: i) giá gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg, tăng 5% so 20/7/2023 (tương đương tăng 500 đồng/kg); ii) giá gạo OM5451 đạt 11.000 đồng/kg, tăng 5% (tương đương tăng 550 đồng/kg); iii) giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg, tăng 6% (tương đương tăng 650 đồng/kg)…

Đối với giá thóc, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến ngày 27/7/2023, giá thóc nội địa tăng khoảng từ 368-441 đồng/kg so tháng trước; giá gạo các loại tăng từ 850-940 đồng/kg. So cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 1.300 đến gần 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 đến gần 3.400 đồng/kg.

Giá thóc, gạo trong nước ở mức cao đặc biệt trong quý II do nhu cầu tăng mạnh tại nhiều thị trường (như: Indonesia công bố nhập khẩu 2 triệu tấn, Philippines gia tăng nhập khẩu để kiềm chế lạm phát, Trung Quốc nhu cầu mua tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022…) và nguồn cung gạo toàn cầu khu vực giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất.

leftcenterrightdel
Doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Về nguồn cung gạo trong nước, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, năm nay, diện tích gieo trồng lúa của nước ta đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn.

Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như: dịch bệnh, thiên tai, bão lũ,... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 chúng ta sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

Ông Nguyễn Như Cường khẳng định: “Về cơ bản, với tình hình hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa và xuất khẩu”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Như vậy, chúng ta cần tận dụng thời cơ này nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực cho nội địa. Tuy vậy, hiện nay việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn, chưa kịp thời, chưa sát với thực tiễn sản xuất, kinh doanh lúa, gạo.

Cụ thể, phần lớn các thương nhân đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là nguồn vốn linh động. Trong khi giá lúa gạo trong những năm gần đây đầy biến động, thậm chí nguồn cung trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối. Do đó, hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Tại những thời điểm thu hoạch chính vụ, công tác thu mua lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn do ngân hàng không thể chủ động mở thêm hạn mức tín dụng (theo thời điểm) cho các thương nhân xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Lộc Trời cho biết, vụ đông xuân doanh nghiệp cần đầu tư 10.000 tỷ đồng để thu mua gạo cho nông dân nhưng nay mới mua được khoảng 6.000 tỷ đồng vì thiếu vốn.

Với tình hình hiện nay, Tập đoàn Lộc Trời cần khoảng 1 tỷ USD mới bảo đảm nguồn vốn tiêu thụ hàng hóa, tuy nhiên doanh nghiệp không có tài sản thế chấp nên việc tiếp cận vốn rất khó khăn. Mặt khác với mức lãi suất cao như hiện nay, cho dù doanh nghiệp có vay được tiền cũng khó có lợi nhuận.

Thực tế trong quý I/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần nhích nhẹ 5% lên 2.452 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn tăng 22% và chi phí lãi vay gấp 2,7 lần quý I/2022 đã khiến doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 81 tỷ đồng, trong khi quý I/2022 lãi 184 tỷ đồng.

Do đó, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch VFA kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ, đặc biệt trong các tháng: 2,3,4, đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch VFA cũng cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm vào mùa cao điểm dựa vào kết quả thẩm định quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Nhân Dân điện tử
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top