Cấp đông sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Nguồn thu từ các doanh nghiệp trọng điểm khởi sắc
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế gặp nhiều thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát dịch COVID-19; sự gia tăng về giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro về thương mại quốc tế… Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển thương mại bền vững được khẩn trương ban hành, góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực cho quá trình phục hồi kinh tế. Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (1,82%). Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn 0,58 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,22%), tạo áp lực lớn cho các tháng, quý còn lại năm 2021.
Tháng 6/2021 rơi vào thời điểm “làn sóng” thứ 4 COVID-19 căng thẳng nên theo Bộ Tài chính, tổng thu NSNN tháng 6/2021 bị ảnh hưởng, ước đạt 96.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa tháng 6/2021 ước đạt xấp xỉ 71.000 tỷ đồng, giảm 14.000 tỷ đồng so với tháng trước; thu từ dầu thô ước đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với tháng trước; thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu tháng 6/2021 ước đạt 21.900 tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 35.000 tỷ đồng, giảm 930 tỷ đồng so tháng trước...
“Do ảnh hưởng của COVID-19 bùng phát, lây lan nhanh từ cuối tháng 4/2021, nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và người dân, qua đó ảnh hưởng đến số thu ngân sách”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên lũy kế 6 tháng thu NSNN ước đạt 775.000 tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán, tăng 15,3% so cùng kỳ năm 2020, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2019 (thu ngân sách Trung ương - NSTW ước đạt 402.000 tỷ đồng, bằng 54,4% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 373.000 tỷ đồng, bằng 61,8% dự toán).
Theo Bộ Tài chính, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu đảm bảo tiến độ thu dự toán (trên 50%). Trong đó, các khoản thu từ sản xuất, kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 52,9% dự toán, tăng 18,2%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 58,7% dự toán, tăng 38,2% so cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: Các khoản thu NSTW được giao lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt hơn 54.614 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,44% tổng số thu nội địa do ngành Thuế quản lý. Nếu tính cộng cả số theo dõi, thống kê từ khối doanh nghiệp lớn, lũy kế thu NSNN khối này ước đạt hơn 184.224 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,46% tổng số thu nội địa do ngành Thuế quản lý.
“Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi kinh tế - xã hội không chỉ của riêng Việt Nam mà của cả thế giới đang gặp rất nhiều khó khăn vì tác động tiêu cực của COVID-19, thu ngân sách từ khối các doanh nghiệp trọng điểm vẫn đạt kết quả khả quan”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết. Nếu duy trì được tiến độ này, nhiều khả năng thu NSTW năm 2021 sẽ hoàn thành, vượt so với dự toán được giao.
Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), bà Lê Như Quỳnh cho biết: Mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ COVID-19 song với quyết tâm cao, số thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm của ngành Hải quan đạt kết quả khả quan. Lũy kế từ đầu năm đến 27/6, ước thu toàn ngành đạt gần 60,7% dự toán, tăng hơn 31,7% (tương đương 45.311 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2020.
Tính đến ngày 27/6, số thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố (chiếm 87% dự toán thu của toàn ngành) đạt 57,6% dự toán được giao, bằng 55% chỉ tiêu phấn đấu được giao, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 7 cục hải quan: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh tăng thu ít nhất 23% so với cùng kỳ năm trước. “Số thu của các cục hải quan chủ lực tăng khả quan bên cạnh nỗ lực chủ quan có sự cộng hưởng của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi; nhiều mặt hàng có thuế suất cao được nhập khẩu phục vụ sản xuất kinh doanh”, bà Như Quỳnh phân tích.
Phải giãn các nhiệm vụ chi chưa cần thiết
Từ những khó khăn nội tại cũng như khách quan, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nhận định: Tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6,1 - 6,3% là khả quan. Còn TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng: tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 ở mức 6,5% là rất khó khăn bởi dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản hiện vẫn tăng. Dự báo Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng GDP 6%.
Trước diễn biến dịch còn kéo dài cần phải chi NSNN nhiều, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đặc biệt, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: Dù số thu ngân sách những tháng đầu năm đã đạt trên 50%, nhưng dự báo trong các tháng tới đây việc thực hiện giãn, hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu NNN, chưa kể diễn biến dịch COVID-19 có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Do đó, cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ, phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thời gian tới, ngành Tài chính cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thu phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Trong đó sửa đổi bổ sung chính sách thu hợp lý, nuôi dưỡng nguồn thu, quản lý các nguồn thu tiềm năng như dịch vụ điện tử, Facebook, Google, Grab...; thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử, quản lý dữ liệu điện tử để chống mua bán hóa đơn, bỏ lọt nguồn thu, hoàn thuế không đúng...; hạn chế tối đa lồng ghép các chính sách an sinh xã hội trong các luật về thuế, các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách.
Về nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2021, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã chỉ đạo toàn ngành Hải quan tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, đảm bảo thu đúng, thu đủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm gian lận thuế.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn yêu cầu: Các cục hải quan tỉnh, thành phố thường xuyên đánh giá tình hình thu ngân sách tại đơn vị, tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời, các đơn vị kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; ngăn chặn các hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá… hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).
Theo Tin tức TTXVN