|
Vốn khuyến công hỗ trợ thiết bị phục vụ sản xuất cửa nhựa cho Công ty TNHH MTV Thanh Lam |
Là DN chuyên sản xuất cửa nhựa cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh, thời gian qua Công ty TNHH MTV Thanh Lam đóng tại phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy gặp khá nhiều khó khăn do chủ yếu sản xuất thủ công nên nhân công nhiều, giá thành sản phẩm cao khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Sau khi tham khảo các mô hình sản xuất từ các tỉnh, thành phố khác cũng như nghiên cứu thị trường, công ty đã mạnh dạn lập đề án xin hỗ trợ vốn KC để đầu tư thiết bị phục vụ sản xuất. Tháng 7/2023, Sở Công thương đã phê duyệt quyết định hỗ trợ kinh phí đề án KC năm 2023 cho Công ty TNHH MTV Thanh Lam đối với đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cửa nhựa. Theo đó, DN được hỗ trợ đầu tư 1 máy dán cạnh, 1 máy hút chân không, hạn mức hỗ trợ 200 triệu đồng.
Giám đốc Công ty, ông Trương Văn Minh cho rằng, sau khi đưa các thiết bị do nguồn vốn KC hỗ trợ kinh phí vào hoạt động, năng suất tăng lên gấp đôi, trong đó tiết kiệm nhân công và chi phí điện giảm đáng kể nên giá thành giảm, dễ cạnh tranh với thị trường. Hiện, mỗi tháng DN sản xuất khoảng 200 bộ cửa, doanh thu hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 15 lao động.
Cùng với đề án đầu tư máy móc sản xuất cửa nhựa, Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương vừa hỗ trợ đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng lưu niệm và quà tặng từ cây cỏ bàng” cho Công ty TNHH Maries, TP. Huế. Theo đó, DN được hỗ trợ máy cắt hoạt động bằng tia laser với tổng mức đầu tư 140 triệu đồng để phục vụ sản xuất sản phẩm lưu niệm bằng cây cỏ bàng.
Theo lãnh đạo Trung tâm KC và Xúc tiến thương mại, cùng với hỗ trợ vốn KC, trung tâm còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làng nghề; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, DN làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở CNNT sẽ gắn hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.
Trong những năm qua, hoạt động KC trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy CNNT phát triển. Các chương trình, đề án KC thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở CNNT, qua đó còn kích thích tinh thần chủ động của các cơ sở này. Chương trình KC đã góp phần giúp nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ sở sản xuất và chính quyền các cấp về phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khôi phục một số nghề và làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển ngành nghề mới.