Tăng trưởng tín dụng là động lực trong phát triển kinh tế
Tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy phục hồi kinh tế
Trong 3 tháng đầu năm 2022, Thừa Thiên Huế nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý 1/2022 đạt 5,56%, cao hơn mức trung bình cả nước (GDP cả nước ước đạt 5,03%).
Với vị trí quan trọng trong phục hồi kinh tế, dẫn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, trong quý I /2022, dư nợ cấp tín dụng tại các TCTD trên địa bàn đạt 66.633 tỷ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2021, đạt 37,8% kế hoạch đề ra (tăng 3,26% so với cùng kỳ năm 2021). Các TCTD cũng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho khách hàng; tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chính sách của Chính phủ.
Các TCTD trên địa bàn cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung; thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán liên ngân hàng…
Số liệu từ 23/1/2020 đến 28/2/2022 cho thấy, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 1.979 khách hàng với tổng giá trị nợ của khách hàng có phát sinh số dư được cơ cấu là 7.954 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất đến 28/2/2022 đối với 52.745 khách hàng với tổng dư nợ là 24.816 tỷ đồng. Số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất là 75,1 tỷ đồng. Nhờ được cơ cấu lại, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nên hiện đang có 538 khách hàng với tổng dư nợ là 2.079 tỷ đồng không bị chuyển nợ xấu. Đồng thời, từ 23/1/2020, các TCTD cũng đã chủ động cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với doanh số cho vay 36.227 tỷ đồng.
Các ngân hàng trao đổi tại hội thảo
Minh bạch thông tin DN
Làm thế nào để NH hạ lãi suất cho vay thấp hơn, tạo cơ chế "mở" hơn cho DN dễ tiếp cận vốn vượt qua thời điểm khó khăn... là những vấn đề làm "nóng" được các DN quan tâm tại hội thảo này. Theo nhìn nhận từ phía NH, ngoài sự cởi mở của NH trong các chính sách đồng hành, hỗ trợ, DN cũng phải minh bạch trong mục đích sử dụng vốn cũng như khả năng trả nợ.
Ông Lê Quang Mạnh, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Phú Xuân chia sẻ: NH luôn đồng hành sát cánh cùng DN và luôn minh bạch về các chương trình hỗ trợ DN thì DN cũng cần minh bạch trong hoạt động SXKD cũng như dòng tiền. Các cơ quan quản lý Nhà nước nên công khai thông tin DN có những rủi ro về thuế, bảo hiểm xã hội…; những DN có những đóng góp tốt vào ngân sách để NH có hướng tiếp cận phù hợp.
NH cũng là DN nên sẽ đánh giá mức độ hiệu quả của khoản vay trước khi cho vay. Thực tế, nhiều DN đang được NH cho vay phát triển SXKD theo hình thức tín chấp mà không hề có tài sản đảm bảo nào bởi những DN này chứng minh được phương án SXKD và dòng tiền hiệu quả.
Theo lý giải của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thừa Thiên Huế, đối với hoạt động cho vay chỉ cần khách hàng trả lời được 2 câu hỏi: vay vốn để làm gì, vay vốn xong lấy nguồn nào trả nợ thì NH không có lý do gì để không cho vay. Còn tài sản đảm bảo là yếu tố cần nhưng ko phải quan trọng nhất. Quan trọng nhất là chứng minh sử dụng vốn đúng mục đích, phương án kinh doanh hiệu quả, thẩm định được dòng tiền trả nợ.
Với các cá nhân khởi nghiệp nên chọn NH “đinh” đồng hành trong suốt quá trình phát triển của mình, sử dụng một cách hiệu quả các dịch vụ của NH “đinh” trong suốt hoạt động SXKD của mình. Từ đó, NH sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động DN và có nhiều chính sách ưu tiên trong cho vay, thời gian thẩm định…
Ông Phạm Bá Nam khẳng định, với vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Riêng về chính sách hỗ trợ cấp bù 2% lãi suất trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NH thương mại, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đến các TCTD trên địa bàn. Hiện dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến bộ, ngành và dự kiến sẽ được chính thức triển khai từ quý 2/2022 với tinh thần chung là phải giữ nguyên lãi suất cho vay; từ đó Nhà nước cấp bù giảm 2% cho các khách hàng thuộc đối tượng thụ hưởng.
Bài, ảnh: Hoàng Loan