ClockThứ Tư, 07/09/2022 14:36

Triển vọng từ cây mắc ca

TTH - A Lưới đang có kế hoạch hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình và xem cây mắc ca là cây chiến lược trong kế hoạch mục tiêu quốc gia của huyện về việc phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số.

Phát triển cây mắc ca ở A Lưới

Cây mắc ca ở xã Quảng Nhâm đã cho trái bói

Mới đây, UBND huyện A Lưới phối hợp cùng Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo “Tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho bà con nông dân đã, đang và sẽ trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện A Lưới”. Dịp này, hiệp hội đã thu mua 22kg hạt mắc ca của anh A Kiêng Viên ở thôn A Hưa pa E, xã Quảng Nhâm đã trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện A Lưới với giống cây được Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cung cấp.

Đây là “sản phẩm đầu tay” cũng là sản phẩm duy nhất của một hộ dân ở A Lưới trồng thí điểm cây mắc ca ở xã Quảng Nhâm. Hiện nay cây mắc ca đang phát triển khá tốt. Từ thành quả đầu tiên đó có thể cho thấy, với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở A Lưới, có thể khẳng định huyện A Lưới đủ các tiêu chuẩn điều kiện để trồng và phát triển được cây mắc ca.

Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm cho biết, cây mắc ca được triển khai trồng thí điểm ở xã Quảng Nhâm vào tháng 9/2017 do Hiệp hội Mắc ca cung ứng nguồn giống và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt hỗ trợ vốn vay. Dù thí điểm cho một hộ dân trồng trên diện tích 0,8ha (khoảng 200 cây) với kỹ thuật đầu vào người dân tự mày mò chăm sóc, cây trồng thiếu phân bón… nhưng đến năm 2021, cây mắc ca đã cho những trái bói đầu tiên và đến nay vườn cây mắc ca đã cho trái đồng loạt.

Dù giá trị kinh tế của mô hình thí điểm mang lại chưa cao, nhưng cho thấy, đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng ở A Lưới nói chung và xã Quảng Nhâm nói riêng khá phù hợp với cây mắc ca. Nếu được hỗ trợ nhân rộng diện tích, vay vốn phát triển sản xuất và kỹ thuật canh tác đầu vào phù hợp, đây là loài cây giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện địa phương đang vận động hộ dân tiếp tục chăm sóc vườn cây mắc ca để nhân rộng diện tích sau này.

Tại buổi tập huấn mới đây, GS. Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ, giá trị kinh tế, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cũng như điều kiện thích hợp cho sự phát triển cây trồng này với người dân A Lưới. Theo đánh giá của ông Nguyễn Lân Hùng, A Lưới là vùng đất có khí hậu tương đồng như các khu vực ở Tây Nguyên và tránh được các cơn bão ở miền Trung nên rất thích hợp để phát triển cây mắc ca. Việc chọn đất, cung cấp giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, đầu ra sản phẩm… sẽ được hiệp hội có kế hoạch cụ thể hỗ trợ người trồng.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện nay huyện đang tích cực đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất sử dụng đất trên đơn vị canh tác, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.

Ngoài những cây trồng chủ lực và tiềm năng mà địa phương triển khai như cây ngô sinh khối, chuối già lùn, lúa ra dư…, huyện đang triển khai đưa vào trồng nhiều loại cây trồng mới như cây mắc ca, dược liệu, sâm Bố Chính cho hiệu quả kinh tế cao, giúp đỡ bà con xóa đói giảm nghèo.

UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể và xem cây mắc ca là cây chiến lược trong kế hoạch mục tiêu quốc gia của huyện về việc phát triển kinh tế cho bà con dân tộc thiểu số, hỗ trợ bà con triển khai việc phát triển cây mắc ca, cố gắng nhân rộng các mô hình đã trồng thành công, trên cơ sở đó để lan tỏa đến với người dân. Đồng thời, mong muốn hiệp hội ký kết bao tiêu sản phẩm và xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm tại địa phương để về lâu dài sẽ ổn định đầu ra, người dân yên tâm canh tác.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngành cũng đang “đau đầu” trong việc tìm kiếm cây trồng chiến lược thay thế cây keo trên địa bàn huyện và tỉnh. Cây mắc ca nằm trong các danh mục cây mà Sở NN&PTNT đang muốn đưa vào phát triển ở huyện A Lưới. Trước mắt, đề nghị A Lưới có kế hoạch cụ thể để từng bước tiến hành trồng mắc ca trên địa bàn huyện. Với việc trồng thí điểm cây mắc ca trong thời gian qua ở A Lưới và sự hỗ trợ của các đơn vị như Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Sở sẽ có dự thảo về việc phát triển cây mắc ca và báo cáo với lãnh đạo tỉnh về chương trình trồng rừng sản xuất trong thời gian tới.

Hỗ trợ nông dân vay vốn

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt là ngân hàng đầu tiên tài trợ vốn vay cho đầu tư phát triển cây mắc ca với thời gian lên tới 10 năm, đồng hành cùng người dân từ khâu mua giống đến lúc chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm từ cây mắc ca với các gói vay ưu đãi. Ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt khẳng định, sẽ đồng hành cùng người dân A Lưới trong việc vay vốn với các khoản vay ưu đãi và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sẽ cung cấp giống, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, sẽ bao tiêu sản phẩm.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu, triển vọng

Ngày 19/12, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức chương trình tuyên dương “Gương mặt trẻ tiêu biểu”, “Gương mặt trẻ triển vọng”, nhằm tôn vinh các cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2024.

Tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu, triển vọng
Triển vọng tuyển dụng trong quý I năm 2025 khá lạc quan

Sau khi khảo sát 525 đơn vị, kết quả chỉ ra rằng trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang tăng cao, các nhà tuyển dụng Singapore khá lạc quan về kế hoạch tuyển dụng trong năm mới 2025, đặc biệt là ngành vận tải, hậu cần và ô tô.

Triển vọng tuyển dụng trong quý I năm 2025 khá lạc quan
Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

Những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn TX. Hương Thủy đã thay đổi tư duy canh tác khi mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sen; trong đó, mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ đã cho thấy hiệu quả khi giúp nông dân mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Triển vọng từ mô hình trồng sen chính vụ kết hợp rải vụ

TIN MỚI

Return to top