ClockThứ Bảy, 19/02/2022 06:30

Trở lực của kinh tế hợp tác xã

TTH - Doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã (HTX) năm 2021 chỉ đạt khoảng 3,3 tỷ đồng, lãi 150 triệu đồng, thu nhập bình quân mỗi lao động thường xuyên chỉ 32 triệu đồng… Kết quả này cho thấy, kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn.

Cần vai trò dẫn dắt của HTXPhát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã bền vững, cải thiện thu nhập cho thành viênKhi hợp tác xã ứng dụng khoa học, công nghệ

Mô hình trồng cà chua bằng công nghệ cao tại HTX NN Quảng Thọ (Quảng Điền)

Những trở lực

Ảnh hưởng dịch COVID-19, hầu hết HTX trên địa bàn tỉnh đều gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) bị gián đoạn, ngừng trệ, hàng hóa tồn đọng, doanh thu giảm sút. Nhiều HTX và thành viên kinh doanh thua lỗ, dự báo nguy cơ suy giảm năng lực sản xuất.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ (Phong Điền) thừa nhận, HTX chưa kịp thời thích ứng với cơ chế thị trường trong điều kiện ảnh hưởng dịch COVID-19. Dịch bệnh và một phần năng lực, chất lượng cán bộ thấp, thiếu vốn… đang gây trở lực lớn trong hoạt động của đơn vị. Trong vụ hè thu năm 2021, HTX có đến 60 tấn lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn bị tồn đọng, không thể tiêu thụ kịp thời, buộc vụ đông xuân năm nay phải giảm diện tích sản xuất. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động SXKD của HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, phần lớn các HTX quy mô nhỏ, đã và đang gặp khó khăn về nội lực. Nguồn nhân lực chất lượng, năng lực quản trị, tiếp thị và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị cung ứng của HTX còn nhiều hạn chế. Vốn tự có của các HTX khá thấp, thiếu vốn trung và dài hạn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ cao. Phần lớn nông sản được sản xuất và tiêu thụ chưa có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo pháp lý về an toàn thực phẩm.

Số HTX được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ thấp, không có điều kiện vay vốn phục vụ hoạt động SXKD nên hoạt động còn đơn điệu, manh mún, thiếu năng động. Hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng xuống cấp, hư hỏng cũng ảnh hưởng lớn đến SXKD của các HTX. Số HTX tổ chức SXKD, liên kết theo chuỗi giá trị, công nghệ cao và có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin chưa nhiều.

Theo ông Trần Lưu Quốc Doãn, ngoài yếu tố khách quan, một số HTX chưa thật sự nỗ lực, khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để vươn lên, còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thành viên còn ỷ lại vào HTX, chưa thấy được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển để được HTX phục vụ mang lại lợi ích, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên. HTX còn lúng túng trong việc định hướng SXKD và các giải pháp thực hiện nhiệm vụ, thiếu năng động, sáng tạo trong phát triển, đa dạng ngành nghề, sản phẩm chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Cần sự hỗ trợ tích cực

Giám đốc HTX Nông nghiệp Đông Phú (Quảng Điền), ông Lê Văn Thứ cho rằng, trong điều kiện ảnh hưởng dịch COVID-19, các HTX cần đến sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, các ban ngành trong việc tiêu thụ sản phẩm. Trong khi nguồn nhân lực trẻ, có trình độ đại học, cao đẳng chưa mặn mà với kinh tế tập thể, HTX, các cấp, ngành cần có phương án, kịp thời hỗ trợ tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo HTX hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuận Hòa (TP. Huế) cũng như đại diện nhiều HTX có nguyện vọng, kiến nghị các cấp, ngành tạo điều kiện cấp quyền sử dụng đất, cho thuê đất, cấp đất để có điều kiện vay vốn đầu tư hoạt động SXKD. HTX đang nỗ lực ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, theo chuỗi giá trị nhưng cần sự hỗ trợ, định hướng của các cấp, ban ngành và một phần kinh phí từ ngân sách địa phương. HTX cũng đang tích cực tìm nguồn nhân lực kế cận cho đội ngũ quản lý, điều hành đang già hóa và năng lực không đáp ứng yêu cầu.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin, ngay từ đầu năm nay, Liên minh HTX xúc tiến các biện pháp tư vấn, hỗ trợ và tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát, kế toán, kỹ thuật sản xuất, phát triển thị trường… Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động đào tạo từ ngân sách tỉnh cấp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Liên minh HTX Việt Nam phân bổ.

Liên minh HTX phối hợp với các ban ngành xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đổi mới phương thức, phương pháp xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm chủ lực thông qua các hội chợ, triển lãm và đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX, liên kết với sàn giao dịch của Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, thành.

HTX phối hợp với ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp và các địa phương triển khai giải pháp đồng bộ, thúc đẩy nâng cao chất lượng HTX nông nghiệp gắn với chương trình OCOP và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các mô hình HTX kiểu mới, kiểu mẫu gắn với sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP, công nghệ cao và theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương được từng bước xây dựng, nhân rộng.

Năm 2022, phấn đấu xây dựng 1-2 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, nâng cao năng lực sản xuất; xây dựng 1-2 mô hình HTX kiểu mẫu hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chương trình OCOP. Đồng thời, tổ chức 10-12 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ HTX; tham gia 1-3 đợt xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm; đưa quỹ hỗ trợ HTX vào hoạt động; phấn đấu doanh thu bình quân của HTX tăng 6-8% so với năm trước…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển sang lương mới, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ không bị thấp hơn

“Một trong những nội dung về cải cách tiền lương sẽ được xin ý kiến Bộ Chính trị là việc bảo lưu tiền lương, đảm bảo thu nhập của cán bộ, công chức khi chuyển sang lương mới không thấp hơn lương cũ”, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh thông tin tại họp báo Chính phủ diễn ra chiều 4/5.

Chuyển sang lương mới, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ không bị thấp hơn
Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống

Trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy phát triển sản phẩm truyền thống địa phương thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) Thừa Thiên Huế vừa tổ chức cho các doanh nghiệp (DN) phát triển thị trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Phát triển thị trường cho sản phẩm truyền thống
“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh

Đông Nam Á có thể mở khóa thêm 300 tỷ USD doanh thu hàng năm từ các khoản đầu tư xanh vào năm 2030, nếu các chính phủ tăng cường hợp tác về lưới điện và thị trường carbon trong khu vực, đồng thời đưa ra những biện pháp khuyến khích tốt hơn cho năng lượng sạch và các quy định rõ ràng hơn về tài chính xanh, theo báo cáo của Bain & Company, GenZero, Standard Chartered và Temasek được công bố ngày hôm nay (15/4).

ASEAN có thể bổ sung thêm 300 tỷ USD doanh thu từ các khoản đầu tư xanh
Return to top